Cách xử lý nhanh 6 đèn cảnh báo quan trọng trên ô tô tài xế cần biết
(Baonghean.vn) - Có những đèn cảnh báo nguy hiểm trên xe ô tô và lái xe phải dừng lại ngay lập tức nếu không muốn xe bị hỏng nặng; trong khi có những đèn cảnh báo mức độ nguy hiểm thấp hơn, và lái xe có thể cho xe tiếp tục di chuyển nhưng cần nhanh chóng đến trung tâm dịch vụ để kiểm tra... Dưới đây là 6 loại đèn cảnh báo quan trọng và cách xử lý tài xế cần biết.
1. Đèn cảnh báo nhiệt độ
Nhiệt độ động cơ cao hơn mức tiêu chuẩn (động cơ nóng quá mức). Có thể do các nguyên nhân: Hết nước làm mát hoặc hệ thống nước làm mát gặp trục trặc; Bộ ổn nhiệt hoặc quạt thông gió có thể đang bật liên tục, làm cho động cơ ngốn xăng nhiều hơn.
Cách xử lý: Dừng xe ngay lập tức, kiểm tra nước làm mát và châm thêm nếu két nước làm mát còn ít hoặc đã cạn. Sau đó để xe ở trạng thái không nổ máy một thời gian (ít nhất 30 phút), mở máy kiểm tra lại xem đèn cảnh báo nhiệt độ còn sáng không... Nếu đèn vẫn còn sáng nên gọi cứu hộ đưa xe đi kiểm tra. Không cố gắng khởi động xe vì nhiệt độ động cơ cao vượt mức có thể làm bó máy, cong vênh hoặc phá hủy động cơ.
2. Đèn báo áp suất dầu ở mức thấp
Khi đèn này sáng có nghĩa áp suất dầu trong động cơ có thể quá thấp (thiếu dầu); Bơm dầu có thể bị hỏng hoặc đường vào bị tắc. Hoặc dầu nhớt đang sử dụng có thể có độ nhớt sai so với khuyến cáo của hãng xe.
Cách xử lý: Lập tức dừng xe, kiểm tra dầu nhớt đang sử dụng. Tốt nhất nên gọi cứu hộ vì tình trạng thiếu dầu có thể khiến động cơ bị bó, các chi tiết trong động cơ không được bôi trơn/làm mát sẽ gây hỏng động cơ.
3. Đèn cảnh báo nhiệt độ dầu hộp số tự động
Nhiệt độ dầu hộp số đang quá cao, nguyên nhân có thể do xe chạy liên tục ở tốc độ cao trong thời gian dài hoặc dầu hộp số không đạt chuẩn.
Cách xử lý: Chạy chậm lại hoặc dừng xe để làm nguội. Mang xe đi kiểm tra nếu đèn này sáng thường xuyên.
4. Đèn cảnh báo trợ lực lái điện (EPS)
Khi đèn cảnh báo trợ lực lái điện sáng nguyên nhân Cảm biến (sensor) trợ lực có thể bị lỗi hoặc hỏng; Hệ thống trợ lực lái điện EPS gặp trục trặc.
Cách xử lý: Có thể căn chỉnh lại cảm biến trợ lực bằng máy chuyên dụng hoặc thay cảm biến (hoặc cả cụm cảm biến) tùy thuộc tình trạng; Mang xe đi kiểm tra, đặc biệt khi tay lái bị lệch và khó điều khiển (cảm giác nặng khi bẻ lái).
5. Đèn cảnh báo hệ thống chống bó cứng phanh (ABS)
Đèn này sáng do các cảm biến ở bánh xe phát hiện hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) không hoạt động tốt. Một số một số nguyên nhân khác như một trong các cảm biến ABS quá bẩn hoặc bị hỏng; xe bị sa lầy trong bùn hoặc bánh xe xoay tít một chỗ; người lái xe thực hiện một pha “đốt lốp” và dừng xe đủ nhanh để “đánh lừa” hệ thống ABS.
Cách xử lý: Nên mang xe đến gara kiểm tra.
6. Đèn cảnh báo lỗi bộ chuyển đổi xúc tác
Bộ chuyển đối xúc tác gặp trực trặc, nguyên nhân thường gặp nhất là do hệ thống đánh lửa bị yếu khiến nhiên liệu không được đốt cháy hết.
(Bộ chuyển đổi xúc tác có hình dạng giống như ống pô, bên trong chứa các kim loại quý - chất xúc tác cho phản ứng hóa học đốt cháy xăng dư và CO thành hơi nước và CO2 ít độc hại cho môi trường).
Cách xử lý: Cần nhanh chóng đưa xe đi kiểm tra.