Cầu thủ Việt xuất ngoại, có còn là cọ xát, học hỏi?

Sỹ Hiếu 11/02/2019 16:07

(Baonghean.vn) - Trước làn sóng cầu thủ xuất ngoại sau những thành công của bóng đá Việt Nam trong năm vừa qua, không ít người hâm mộ thắc mắc về khả năng “vinh quy bái tổ” của các cầu thủ trẻ sau khi được đến các CLB nước ngoài, tại những giải đấu có trình độ chuyên môn cao hơn V.League.

Trước đây đã có không ít các cầu thủ hàng đầu Việt Nam từng được tiếp xúc và thi đấu tại các môi trường bóng đá khác nhau ở nước ngoài, tuy nhiên những màn thể hiện và mức độ thành công ở mức khiêm tốn, hãy cùng điểm danh những cái tên đáng chú ý nhất từng được xuất ngoại.

Lê Huỳnh Đức

Lê Huỳnh Đức là người mở đầu cho việc xuất ngoại thi đấu của cầu thủ Việt Nam. Năm 2001, anh sang Trung Quốc đá trong vòng 4 tháng. Đây vừa là chuyến đi thi đấu chuyên nghiệp vừa là nhiệm vụ của Huỳnh Đức. CLB Chongquin Lifan là điểm đến của cầu thủ này.

Lê Huỳnh Đức là cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu. Ảnh: Fox Sports Asia

Lê Huỳnh Đức là cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu. Ảnh: Fox Sports Asia

Để có được sự phục vụ của anh, CLB Trung Quốc phải đổi 3 cầu thủ cho Ngân hàng Đông Á, đồng thời chi 60 xe đặc chủng cho Công an TP HCM. Tại đội bóng mới, chân sút CA TP HCM chỉ ghi được 4 bàn thắng.

Lương Trung Tuấn

Lương Trung Tuấn từng đến Thái Lan thi đấu vì muốn duy trì phong độ. Ảnh: Anninhthudo

Lương Trung Tuấn từng đến Thái Lan thi đấu vì muốn duy trì phong độ. Ảnh: Anninhthudo

Lương Trung Tuấn sang thi đấu cho đội Cảng Thái Lan vào đầu năm 2005 với mức lương khoảng 400 USD/tháng, do cần một nơi để duy trì phong độ sau khi trung vệ ĐT Việt Nam dính đến nghi án bán độ khi thi đấu cho HAGL tại Cup C1 Đông Nam Á cuối năm 2003. Sau đó, anh bị LĐBĐ Việt Nam (VFF) treo giò 3 năm, đồng thời mất chỗ tại đội bóng phố núi, phải đầu quân cho Bình Định.

Nguyễn Việt Thắng

Cũng liên quan đến những nghi án bán độ tại HAGL như Lương Trung Tuấn, Nguyễn Việt Thắng cũng đã tìm một đội bóng ở nước ngoài để tập luyện và thi đấu duy trì phong độ.

Việt Thắng chụp hình chung với Quaresma trong thời gian học tập tại CLB Porto B. Ảnh:

Việt Thắng chụp hình chung với Quaresma trong thời gian học tập tại CLB Porto B. Ảnh: XALUAN

Việt Thắng đến được với CLB xứ Bồ nhờ những sự ưu ái từ người thầy tại CLB chủ quản ĐTLA lúc đó là HLV Calisto. Sau này, khi được trở về và thi đấu tại ĐTQG, Việt Thắng đã góp công không nhỏ để báo đáp và cùng người thầy của mình lần đầu tiên vô địch Đông Nam Á.

Lê Công Vinh

Anh là cầu thủ hiếm hoi 2 lần xuất ngoại thi đấu. Từ ngày 1/9/2009 đến 31/12/2009, Vinh khoác áo CLB Leixoes của Bồ Đào Nha thông qua sự giúp đỡ của HLV Calisto. Tại đội bóng này, tiền đạo người xứ Nghệ có 2 bàn thắng vào lưới Custoias và Padroense khi đá giao hữu. Anh cũng có 2 trận đấu chính thức cho Leixoes tại giải VĐQG và Cup Quốc gia Bồ Đào Nha nhưng không ghi được bàn thắng nào.

Công Vinh trong màu áo CLB Sapporo – Nhật Bản. Ảnh: Goal

Công Vinh trong màu áo CLB Sapporo – Nhật Bản. Ảnh: Goal

Đến tháng 7/2013, Công Vinh sang Nhật Bản khoác áo Consodale Sapporo theo hợp đồng cho mượn có thời hạn 5 tháng, nhận mức lương 7.000 USD/tháng. Ngày 22/9/2013, anh có trận đấu chính thức đầu tiên cho Sapporo V-Varen Nagasaki và ở phút thứ 16, anh ghi bàn mở tỷ số. Tuy nhiên đến phút 36, chân sút này nhận thẻ vàng thứ 2 rời sân. Tổng cộng, Công Vinh thi đấu 9 trận cho CLB Nhật Bản, ghi 2 bàn thắng.

Lương Xuân Trường

Sau những thành công cùng U19 Việt Nam, năm 2016, Lương Xuân Trường được sang Hàn Quốc thi đấu 2 năm trong màu các CLB Incheon United và Gangwon. Tuy nhiên, số lần ra sân của cầu thủ này tại các đội bóng mới là không nhiều, 8 lần ra sân chính thức và không có được bàn thắng nào. Kết thúc mùa giải 2017, anh đã trở về phục vụ cho HAGL tại V.League 2018.

Lương Xuân Trường lần thứ 3 thi đấu cho các CLB nước ngoài. Ảnh: Fox Sport

Lương Xuân Trường lần thứ 3 thi đấu cho các CLB nước ngoài. Ảnh: Fox Sport

Mới đây, Lương Xuân Trường tiếp tục ra nước ngoài thi đấu và điểm đến tiếp theo của cầu thủ này là CLB Buriram của Thái Lan.

Nguyễn Công Phượng

Cầu thủ xứ Nghệ cùng xuất ngoại với người đồng đội Lương Xuân Trường vào năm 2016. Điểm đến của Công Phượng là CLB Mito Hollyhock tại giải hạng 2 của Nhật Bản. Tuy nhiên cũng giống như những cái tên khác từng xuất ngoại, Công Phượng không được ra sân thường xuyên và 6 trận vào sân từ băng ghế dự bị không đủ để đứa con cưng của bầu Đức thể hiện được nhiều.

Bầu Đức hôn tạm biệt Công Phượng khi cầu thủ này đến Nhật Bản thi đấu. Ảnh: Mito Hollyhock

Bầu Đức hôn tạm biệt Công Phượng khi cầu thủ này đến Nhật Bản thi đấu. Ảnh: Mito Hollyhock

Sau nhiều nỗ lực khi trở về từ Nhật Bản, Công Phượng đã cùng các đồng đội của mình gây ấn tượng mạnh tại các sân chơi châu lục và đỉnh cao là chiếc Cup vô địch Đông Nam Á sau 10 năm chờ đợi. Tại các giải U23 châu Á, ASIAD 2018 và Asian Cup 2019, Công Phượng cũng đã thể hiện rất tốt và ngay sau khi trở về Việt Nam từ Qatar, tiền đạo gốc Đô Lương được CLB cũ của Xuân Trường là Incheon United mượn thi đấu với bản hợp đồng có thời hạn 1 năm.

Nhìn vào những lần xuất ngoại trước đây, không nên hy vọng quá nhiều vào những màn thể hiện tỏa sáng của những Văn Lâm, Xuân Trường, Công Phượng hay sắp tới có thể là Văn Hậu và Quang Hải trong những màu áo mới. Tuy nhiên, đây là cơ hội không thể tốt hơn để các tuyển thủ, những cầu thủ trẻ làm quen với môi trường mới, cọ xát với các CLB đến từ các giải đấu đẳng cấp cao hơn để không ngừng nâng cao năng lực, bản lĩnh và phong thái chuyên nghiệp.

Sỹ Hiếu