Mỹ nghi Triều Tiên sản xuất thêm 7 vũ khí hạt nhân; Trung Quốc bất ngờ hủy sự kiện lớn tại New Zealand
(Baonghean.vn) - Tây Ban Nha bắt đầu phiên tòa xử các lãnh đạo ly khai Catalonia; Chuyên gia Mỹ nghi Triều Tiên sản xuất thêm 7 vũ khí hạt nhân; Nga sẽ thử ngắt internet để chống tấn công mạng từ Mỹ; Trung Quốc bất ngờ hủy sự kiện lớn tại New Zealand... là những tin tức nổi bật của thế giới 24h qua.
Chuyên gia Mỹ nghi Triều Tiên sản xuất thêm 7 vũ khí hạt nhân
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một cơ sở vũ khí hồi tháng 3/2017. Ảnh: KCNA |
Theo báo cáo của Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Standford, Mỹ, những hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên vẫn tiếp tục sản xuất nhiên liệu bom hạt nhân trong năm 2018, Reuters đưa tin ngày 12/2. Siegfried Hecker, một trong những tác giả của bản báo cáo, cho biết số nhiên liệu này được sản xuất tại một lò phản ứng công suất 5 megawatt trong nhà máy hạt nhân chủ chốt của Triều Tiên ở Yongbyon từ năm 2016 đến 2018. Ông nói thêm rằng chúng dường như đã được xử lý lại từ hồi tháng 5 năm ngoái, tạo ra khoảng 5-8 kg plutonium cấp độ vũ khí.
Cùng với việc sản xuất khoảng 150 kg uranium được làm giàu, Triều Tiên có đủ khả năng bổ sung thêm 5-7 vũ khí hạt nhân. Nhóm của Hecker ước tính quy mô kho vũ khí của Bình Nhưỡng vào năm 2017 là 30 vũ khí, nên có thể con số hiện nay là 37.
Nga sẽ thử ngắt internet để chống tấn công mạng từ Mỹ
Nga lo ngại bị nước ngoài tấn công và trộm dữ liệu từ đường truyền internet. Ảnh: Reuters |
Chính phủ Nga chuẩn bị ngắt toàn bộ internet trong cuộc thử nghiệm phòng thủ để đề phòng những cuộc tấn công mạng nghiêm trọng từ nước ngoài như Mỹ. Đây là chỉ một phần trong những biện pháp đề phòng trước nguy cơ Mỹ và NATO ngắt đường truyền internet của Nga, theo tờ New York Post. Thông qua cuộc thử nghiệm, giới chức Nga sẽ thu thập thông tin và đưa ra thêm đề xuất nhằm hoàn chỉnh một dự luật được giới thiệu hồi tháng 12/2018, theo trang tin RosBiznesKonsalting (RBK).
Theo dự luật, các nhà mạng phải sẵn sàng đảm bảo đường truyền hoạt động suôn sẻ, độc lập trong tình huống nước ngoài tấn công, ngắt internet của Nga.
Syria: Mỹ không kích gây thương vong cho dân thường
Thị trấn Al-Baghuz, Syria cũng từng bị Mỹ không kích. Ảnh: AFP |
Theo truyền hình nhà nước Syria, cuộc không kích diễn ra tại vùng nông thôn ở phía Đông tỉnh Deir al-Zour. Cuộc không kích được cho là nhằm vào các tay súng nhóm Nhà nước Hồi giáo tại khu vực này. Có thông tin cho biết, có 28 tay súng nhóm Nhà nước Hồi giáo bị tiêu diệt, nhưng cuộc không kích cũng gây thương vong lớn cho dân thường. Tổng cộng 70 dân thường thương vong trong cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại miền Đông Syria.
Hiện, lực lượng liên quân chưa đưa ra bình luận nào về các thông tin trên, song luôn khẳng định lực lượng này đã tránh nhằm vào người dân thường tại Syria.
Tây Ban Nha bắt đầu phiên tòa xử các lãnh đạo ly khai Catalonia
Tòa án Tối cao tại thủ đô Madrid bắt đầu phiên xét xử 12 chính trị gia của vùng Catalonia. Ảnh: theguardian.com |
Gần 15 tháng kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ly khai tại vùng Catalonia vào tháng 10/2017, ngày 12/2, Tòa án tối cao Tây Ban Nha sẽ mở phiên xử chính thức đối với các chính trị gia dẫn đầu phong trào ly khai tại vùng này. Tổng cộng, 12 chính trị gia ly khai vùng Catalonia sẽ phải trả lời trước Tòa về các cáo buộc liên quan đến các tội danh như nổi loạn, kích động nổi loạn, tham ô công quỹ và bất tuân dân sự. Những người này đều được coi là các nhân vật lãnh đạo chủ chốt trong sự kiện vùng Catalonia tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về độc lập vào ngày 1/10/2017 bị chính quyền trung ương Tây Ban Nha coi là bất hợp pháp và vi hiến.
Các lời buộc tội đối với các chính trị gia ly khai Catalonia sẽ đến từ 3 phía: Viện Kiểm sát Tây Ban Nha, Công tố viên nhà nước và từ các “cáo buộc của nhân dân”, bởi theo luật pháp Tây Ban Nha, mọi công dân cũng như tổ chức pháp nhân của nước này đều có quyền khởi kiện trong các vụ việc có liên quan đến lợi ích công cộng. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong vòng 3 tháng và sẽ có hơn 500 nhân chứng được triệu tập đến Tòa, trong đó có cả cựu Thủ tướng Mariano Rajoy.
Tổng thống Philippines muốn đổi tên nước
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters |
"Một ngày nào đó, chúng ta hãy đổi tên nước. Marcos đã đúng khi ông ấy muốn đổi tên nước thành Maharlika", Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói trong một buổi lễ ở tỉnh Maguindanao, nhắc đến cố lãnh đạo Ferdinand Marcos, theo Bloomberg.
Theo tiếng địa phương, Maharlika có nghĩa là "cao quý" và tổng thống Duterte muốn dùng tên gọi mới này để xóa bỏ dấu tích thời thuộc địa của đất nước. Philippines từng là thuộc địa của Tây Ban Nha hơn 300 năm và tên nước này được đặt theo tên của vua Tây Ban Nha Philip II. Chủ tịch Thượng viện Tito Sotto cho biết ý tưởng đổi tên nước của ông Duterte sẽ đòi hỏi Philippines phải thay đổi hiến pháp và rất nhiều điều luật liên quan khác. Tổng thống Duterte cũng đang thúc đẩy sửa đổi hiến pháp Philippines nhằm chuyển đổi mô hình chính quyền thành chính phủ liên bang.
Trung Quốc bất ngờ hủy sự kiện lớn tại New Zealand
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Reuters, ngày 12/2, Trung Quốc thông báo quyết định hoãn sự kiện "Năm du lịch Trung Quốc - Zealand" ở thành phố Wellington (New Zealand) chỉ vài ngày trước khi diễn ra mà không rõ vì lý do gì. Trong cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết chuyến công du Trung Quốc của bà được lên kế hoạch từ cuối năm 2018 tiếp tục bị hoãn vô thời hạn.
Dưới thời Thủ tướng Ardern, quan hệ với Bắc Kinh trở nên căng thẳng hơn vì Wellington công khai bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực nam Thái Bình Dương, và từ chối cho phép hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc xây mạng di động 5G ở nước này.