Những hành vi ở trẻ có thể là dấu hiệu rối loạn phát triển

vnexpress.net 14/02/2019 11:11

Bạn có thể nhận ra chứng tự kỷ từ những dấu hiệu như sợ giao tiếp với người lạ và không nhìn vào mắt người khác khi trò chuyện.

Con trai có nguy cơ bị rối loạn phát triển gấp hai lần so với con gái. Các yếu tố dẫn đến tình trạng này thường khác nhau, có thể bao gồm sinh non, sinh nhẹ cân, biến chứng khi sinh hay ốm khi mang thai. Bất kỳ chứng rối loạn nào cũng có khả năng khiến cuộc sống tương lai của một đứa trẻ trở nên khó khăn, việc phát hiện sớm rất quan trọng để có hướng điều trị.

Bright Side cung cấp một số dấu hiệu của chứng rối loạn phát triển phổ biến nhất.

Tự kỷ

Các triệu chứng tự kỷ có thể được quan sát sớm nhất khi trẻ 2 tuổi. Đến lúc lên 5, các triệu chứng thường trở nên dễ nhận thấy hơn và đây cũng là độ tuổi phổ biến khi trẻ bắt đầu bị chẩn đoán tự kỷ. Theo thống kê, con gái mắc chứng tự kỷ ít hơn bốn lần so với con trai.

Trái với quan niệm của nhiều người, tự kỷ không có nghĩa là không phát triển kỹ năng và không thể làm những gì mình thích. Vấn đề chính của những người tự kỷ là khó khăn trong giao tiếp, đặc biệt là với những người họ không quen biết. Các triệu chứng tự kỷ có thể giảm dần nếu được điều trị đúng cách.

Bạn có thể nhận ra chứng rối loạn này bằng cách cư xử kỳ lạ của trẻ, ví dụ:

- Trẻ sợ giao tiếp với người lạ và trong cuộc trò chuyện, trẻ không thể giữ giao tiếp bằng mắt. Chúng không thể đồng cảm, có thể cười khi ai đó đang khóc hoặc ngược lại.

- Trẻ làm những việc vô ý thức như vỗ vào một bề mặt thật lâu, lắc lư người liên tục hoặc đặt đồ chơi thành các hàng dựa trên nguyên tắc mà chúng tự tạo ra. Trẻ không cảm thấy buồn chán và có thể tiếp tục làm những việc này trong nhiều giờ, với đôi mắt trống rỗng.

- Trẻ không hiểu bối cảnh xã hội, cư xử cùng một cách khi ở nhà, ở trường, trung tâm mua sắm hoặc bất cứ nơi nào khác. Chúng giao tiếp với mọi người như nhau, có thể bất lịch sự với người lớn tuổi.

- Trẻ gần như không thể hiểu và sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Ở mức độ tự kỷ nghiêm trọng, chúng không để lộ biểu cảm nào trên khuôn mặt.

- Trẻ sợ hãi trước bất kỳ sự thay đổi nào. Nếu bạn di chuyển đồ đạc trong nhà, chúng có thể hoảng hoạn. Những thứ quen thuộc như đồ ăn sáng, đường đến trường nếu bị thay đổi cũng gây ra phản ứng tương tự.

- Cơ quan thụ cảm của trẻ phát triển tốt. Trẻ thích chạm vào mọi thứ và có thể cảm nhận được những mùi thoáng qua. Trẻ thường nhìn chằm chằm vào các đồ vật, kiến trúc bằng gỗ, đá và nhiều vật liệu khác. Chúng có ngưỡng chịu đau rất cao và có thể tự véo vào da mình để xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Chứng rối loạn này chỉ được tìm thấy ở trẻ em trên 4 tuổi và chỉ khi các dấu hiệu được quan sát từ ngày này sang ngày khác. Nếu bạn nghĩ rằng trẻ có một số triệu chứng, nhưng rất hiếm khi xảy ra, điều đó chứng tỏ con bạn hoàn toàn bình thường.

Theo thống kê, ADHD thường được chẩn đoán ở trẻ sinh đôi và trẻ sinh non. Ngoài ra, con trai có nguy cơ mắc chứng rối loạn này gấp ba lần con gái.

Đối với người trưởng thành mắc ADHD, ảnh hưởng đến cuộc sống không quá lớn. Những người này thường đưa ra quyết định vội vàng, hay lo lắng và có thể gây phiền nhiễu cho người khác. Họ cũng cảm thấy khó khăn khi phải làm công việc nhàm chán.

Một số hành vi ở trẻ có thể là dấu hiệu của ADHD:

- Trẻ không thể ngồi yên, liên tục nhấp nhổm, nhìn dáo dác và hành động như thể có động cơ được gắn bên trong cơ thể. Hành động của trẻ không thực sự có mục đích. Các bé tóm lấy bất kỳ thứ gì có thể, rồi có thể vứt đi ngay và tóm lấy thứ khác.

- Trẻ không thể tập trung vào một thứ gì đó nhàm chán trong thời gian dài, chẳng hạn dọn dẹp hay làm bài tập về nhà. Nhưng chúng có thể chơi game trên máy tính và những việc khác trong nhiều giờ liền.

- Trẻ thường bị phân tâm bởi những thứ bên ngoài. Chẳng hạn, khi đang bận rộn với một việc, chúng nhìn thấy thứ gì đó ngoài cửa sổ và bỏ ngang việc đang làm.

- Trẻ không thể kiểm soát cảm xúc của chính mình, có thể trở nên kích động chỉ vì không muốn đứng trong hàng dài chờ đợi, hoặc có thể tranh cãi với người thân chẳng vì lý do cụ thể. Đôi khi, chúng nói những từ hỗn láo và sẽ quay lại sau vài phút để xin lỗi.

- Ở trường, trẻ ngắt lời bạn học, thậm chí cả giáo viên. Trong giờ kiểm tra, chúng thường không đọc hết câu hỏi do không đủ kiên nhẫn và đưa ra câu trả lời ngẫu nhiên.

Chứng khó viết (rối loạn viết chữ)

Chứng rối loạn này ngăn trẻ học viết đúng chính tả. Nó xảy ra khá thường xuyên và không thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống của người trưởng thành. Nó chủ yếu xảy ra ở trẻ có vấn đề về mắt hoặc tai, hoặc những người mắc ADHD.

Bạn có thể giúp trẻ chữa khỏi chứng khó đọc bằng cách tập thể dục để phát triển các kỹ năng vận động tinh và giúp các cơ trên bàn tay khỏe hơn.

Chứng khó viết có thể được chẩn đoán bằng cách quan sát các dấu hiệu sau:

- Khi viết, trẻ luôn nhầm lẫn các âm tương tự.

- Trẻ có thể thêm chữ cái vào các từ, thay đổi vị trí các âm tiết hoặc thậm chí bỏ qua chúng hoàn toàn.

- Khi trẻ viết, các từ trộn lẫn vào nhau (đặc biệt là giới từ).

- Thật khó để đọc những gì trẻ viết. Ngay cả khi trẻ cố gắng hết sức và viết chậm, các chữ cái vẫn không thể đọc được.

- Trong trường hợp nghiêm trọng nhất, trẻ mắc chứng khó viết cũng nói không chuẩn.

Chứng khó đọc

Theo thống kê, 70-80% người gặp khó khăn trong việc đọc thực sự mắc chứng khó đọc. Chứng rối loạn này thường là bẩm sinh và có thể được điều trị nếu trẻ gặp bác sĩ chuyên khoa kịp thời. Chứng khó đọc không thể được chẩn đoán sớm hơn độ tuổi 10-11.

Chứng khó đọc không gây ra nhiều rắc rối trong cuộc sống của người trưởng thành, ngoài việc khó đọc nhanh. Đôi khi, một số người cố gắng che giấu chứng rối loạn này và trở nên khá nhút nhát. Hành vi này được coi là bình thường.

Bạn có thể chẩn đoán chứng khó đọc nếu trẻ có các triệu chứng sau:

- Trẻ đọc rất kém, mặc dù các kỹ năng khác về toán, nghệ thuật và thậm chí là viết đều ổn. IQ của trẻ bình thường hoặc thậm chí cao, do đó trí thông minh và chứng khó đọc không liên quan tới nhau.

- Trẻ từ chối luyện đọc và chỉ nói rằng không muốn làm điều đó. Nếu cha mẹ hối thúc quá nhiều, bé có thể bị kích động.

- Trẻ có thể đọc, thậm chí có thể đọc nhanh, nhưng không thể kể lại những gì vừa đọc vì không hiểu ý nghĩa của văn bản.

- Trẻ có thể thường để đầu óc trên mây, vì vậy bạn phải hỏi một câu đến lần thứ hai mới được nghe câu trả lời. Thỉnh thoảng chúng không chú ý đến những thứ xung quanh và do đó thường cảm thấy không an toàn. Trẻ em mắc chứng này cố gắng tìm kiếm bản thân trong một số loại hình nghệ thuật như âm nhạc, diễn xuất...

- Trẻ thường cầm bút sai cách, chẳng hạn kẹp bút giữa ngón nhẫn và ngón giữa.

vnexpress.net