Chuyện tình yêu của cặp vợ chồng cùng 70 tuổi Đảng
(Baonghean.vn) - Cụ ông Trần Văn Viện và cụ bà Trần Thị Nhụ được xem là đôi vợ chồng đặc biệt ở xã Tân Thành, huyện Yên Thành bởi họ là cặp vợ chồng duy nhất của xã vừa cùng nhau nhận Huy hiệu 70 tuổi Đảng.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm khi đã ngoài 90, nhưng sự minh mẫn, nhanh nhẹn của hai cụ khiến cho những ai tiếp xúc không khỏi ngạc nhiên. Thủ thỉ, từ từ, nắm chặt tay bà, ông Viện bắt đầu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đời mình.
Quay ngược thời gian trở về tháng 12/1946, chàng trai Trần Văn Viện lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. “Hồi nớ con người ta đơn giản lắm chú ạ, xác định lên đường nhập ngũ là có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Cho nên cứ có thêm một người nhập ngũ là cả gia đình, làng xóm đều bịn rịn. Cũng vì rứa nên dù đã đem lòng thương mến bà Nhụ, tui cũng chẳng hứa hẹn chi để bà ấy không phải đợi chờ mình. Những năm tháng chiến đấu tui cũng không biên một lá thư mô về nhà, để lỡ mai mình không còn nữa thì bố mẹ, gia đình và người ta khỏi đau lòng chờ đợi”, ông Viện kể.
Ông Viện, bà Nhụ (tên thường gọi là bà Nhã) bên các con cháu trong gia đình. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Sau khi nhập ngũ, ông Viện được gia nhập vào Trung đoàn Đội Cung, Tiểu đoàn 265, Đại đội 17. Nhiệm vụ lúc đó của quân ta là vây hãm, tấn công vào các đồn, bốt do quân Pháp chiếm đóng trên địa bàn miền Tây của tỉnh. Bởi địa thế miền Tây hiểm trở, rừng núi trùng điệp, dân cư thưa thớt, nguồn bổ sung tiếp tế tại chỗ rất ít, trong khi quân ta phần đông từ đồng bằng lên nên đau ốm nhiều. Ông Viện cũng như nhiều đồng đội của mình vừa chiến đấu vừa phải chống chọi với bệnh sốt rét. Vậy nhưng bằng sự bền bỉ, kiên cường, quân ta phá tan các đồn địch ở Mường Lống, Nậm Cắn và Mường Xén.
Đặc biệt, ở trận đánh Mường Lống, ông Viện cùng 7 đồng chí của đại đội được biểu dương khi lập công lớn trong việc thu về 120 khẩu súng của địch. Sau trận đánh đó, ông Viện được cử sang Lào để làm công tác dân vận. Nhiệm vụ lúc đó vừa phải tác chiến, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân, giải thích và vạch rõ âm mưu của thực dân Pháp, củng cố tình đoàn kết Việt - Lào để động viên nhân dân kháng chiến.
Năm 1949, khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, Trần Văn Viện vinh dự được hai cán bộ đại đội là đồng chí Hoàng Đại và Nguyễn Dữ giới thiệu để đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Ông Trần Văn Viện nay đã bước sang tuổi 92 , là một trong số ít người ở xã Tân Thành vinh dự nhận danh hiệu 70 tuổi Đảng. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Về phía bà Nhụ, nhờ hoạt động tích cực trong công tác bình dân học vụ và các phong trào phụ nữ, năm 1950 bà cũng vinh dự được giới thiệu, kết nạp vào Đảng. Bà Nhụ vừa kết nạp Đảng xong thì ông Viện nhận được điện báo của gia đình yêu cầu về gấp để...cưới vợ. Người mà hai cụ thân sinh chọn cho ông không ai khác chính là bà Nhụ.
Lúc biết chuyện ông vừa mừng vừa lo. Mừng vì trước đó ông đã đem lòng thương thầm bà Nhụ, nhưng lo lỡ mình chết đi thì làm khổ cả đời bà. Vì vậy nên ông nhất quyết không về.
Sau nhiều suy nghĩ, ông đánh điện về cho gia đình thông báo rằng mình đang trong giai đoạn nước rút của chiến dịch tại Ninh Bình nên chưa thể về. Sau đó ông viết thư về cho bà Nhụ, dù rằng nội dung của bức thư chỉ vỏn vẹn vài dòng, nhưng chứa đựng cả nỗi lòng ông lúc ấy: “Gửi Nhụ! Cuộc kháng chiến còn rất nhiều gian khổ và mất mát. Chiến tranh sẽ còn kéo dài và anh có thể ngã xuống nơi chiến trường bất cứ khi nào. Anh khuyên em nếu có ai thương yêu, hãy nhận lời và cùng họ xây dựng hạnh phúc gia đình”. Gửi xong 2 bức điện, ông Viện tiếp tục quay về đơn vị chiến đấu.
Ông Viện bà Nhụ trong lễ đón nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Ảnh tư Liệu |
Cho đến cuối năm 1950, ông nhận được lệnh của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đức Điệp triệu tập lên gặp mặt gấp. “Tui vừa hớt hải chạy lên thì đồng chí Tiểu đoàn trưởng nghiêm nghị giao cho tôi 13 kg gạo, 18 đồng và một bộ quần áo mới rồi yêu cầu tui... về quê cưới vợ. Đó là lệnh! Tui nhận tiền, nhận đồ rồi đi bộ từ Ninh Bình - nơi đơn vị đóng quân để trở về nhà. Giờ nghĩ lại thấy biết ơn cấp trên, vì lệnh đó mà tui có vợ chú nà!”, ông Viện vừa kể vừa cười móm mém.
Cưới vợ chưa trọn 10 ngày, Trần Văn Viện lại phải trở vào chiến trường. Từ ngày cưới vợ ông bắt đầu hình thành thói quen viết thư, bởi sự xa cách trùng điệp của lứa đôi chỉ có thể gửi lời tâm tình hẹn ước qua những trang thư. Và cũng từ đó, ông không còn nghĩ về cái chết. Bản thân ông chỉ biết mình phải chiến đấu, phải chiến thắng để về với những người thân, về với gia đình và quê hương nơi chôn rau cắt rốn.
Huy hiệu 70 tuổi Đảng của bà Nhụ. Ảnh: Thanh Quỳnh |
“Những năm chiến tranh ác liệt đều là những ký ức không thể nào quên, nhưng ngay cả thời bình cũng là một câu chuyện dài vượt khó của vợ chồng tui”, bà Nhụ tiếp lời chồng: “Sau khi phục viên, ông Viện từng tham gia cán bộ Phó Bí thư trực Đảng, rồi giữ trọng trách Bí thư Đảng ủy rồi Chủ tịch UBND xã. Tui cũng tham gia cán bộ phụ nữ xóm, xã nhiều năm. Vì cả hai đều là đảng viên nên mình không chỉ làm tròn trách nhiệm với gia đình mà còn đối với xã hội. Nhớ nhất những ngày vận động bà con làm kinh tế mới.
Đây là những năm cam go nhất vì sau chiến tranh đời sống cả nước khó khăn, thiếu việc làm, thiếu vật tư tiền vốn, nghĩa là khủng hoảng toàn diện. Tân Thành đất chật người đông, phải vận động nhân dân đi di cư làm kinh tế mới hoặc khai hoang đồi rú trên địa bàn để giải quyết thêm vấn đề lương thực.
Hai vợ chồng tui có những ngày không thấy mặt nhau nhưng ai cũng hiểu đó không phải là thiệt thòi, mà chính là hạnh phúc của sự hy sinh. Hạnh phúc hơn khi 6 con của chúng tôi nay đã trưởng thành. Đến nay gia đình đã có tới 4 người con trong hàng ngũ Đảng. Tôi nghĩ, đấy là hạnh phúc lớn bởi không có Đảng thì chúng tôi không có tình yêu hạnh phúc được như rứa, giống như ông Viện nhà tui vẫn thường nói: “Đảng đã cho tôi tình yêu và hạnh phúc khi nên duyên vợ chồng”!