Màn phối hợp tác chiến của bộ ba máy bay tàng hình Mỹ ở Thái Bình Dương
Kịch bản tác chiến mô phỏng cuộc chiến quy mô lớn, đòi hỏi toàn bộ sức mạnh quân sự Mỹ nhằm đối phó với cường quốc đối địch.
Chiếc F-35B Mỹ trong chế độ "Quái thú". Ảnh: US Navy. |
Tiêm kích tàng hình F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ hôm 3/2 cất cánh từ tàu đổ bộ USS Wasp hoạt động trên Thái Bình Dương, mang theo 4 quả bom dẫn đường GBU-12 và hai tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9X. Đây là lần đầu tiêm kích F-35 Mỹ sử dụng chế độ "Beast" (Quái thú) trong tác chiến, cũng là một phần nội dung huấn luyện phối hợp của bộ ba máy bay tàng hình Mỹ trên Thái Bình Dương, Business Insider đưa tin.
"Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ gồm cất cánh từ USS Wasp, giao chiến với máy bay đóng vai quân địch, không kích mục tiêu giả định bằng vũ khí chính xác treo dưới cánh và giấu trong thân, sau đó trở về hạ cánh trên tàu đổ bộ", trung tá Michael Rountree, chỉ huy phi đội F-35B trên USS Wasp, cho biết.
Chế độ "Quái thú" được các tiêm kích F-35B sử dụng trong "Ngày thứ ba" của kịch bản cuộc chiến tổng lực trên Thái Bình Dương, khi lực lượng không quân và phòng không đối phương đã bị chế áp hoàn toàn. Nhiệm vụ chế áp lưới phòng không, không quân đối phương được giao cho cặp "sát thủ tàng hình" gồm oanh tạc cơ B-2 và tiêm kích F-22 được tung ra trong "Ngày thứ nhất" của chiến dịch.
"Những chiếc B-2 đã hoạt động trên không phận Hawaii, tham gia huấn luyện đối phó các mối đe dọa thực tế dưới sự hộ tống của chiến đấu cơ F-22. Thái Bình Dương là khu vực tác chiến rất quan trọng trong tương lai", trung tá Robert Schoeneberg, chỉ huy Phi đoàn ném bom số 393 không quân Mỹ, tiết lộ.
B-2 có khả năng mang nhiều loại vũ khí hạng nặng như bom xuyên phá bê tông và bom nhiệt áp, còn F-22 được coi là mũi nhọn trong mọi đòn phủ đầu của Mỹ, mở đường cho các chiến đấu cơ không có khả năng tàng hình.
Biên đội B-2 và F-22 trên bầu trời ngoài khơi Hawaii. Ảnh: USAF. |
Đợt diễn tập diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động quân sự trên Thái Bình Dương. Bắc Kinh đã nhiều lần triển khai oanh tạc cơ chiến lược và tiêm kích, cũng như tên lửa phòng không và radar tới quần đảo Hoàng Sa và các đảo nhân tạo bị nước này cải tạo trái phép ở Trường Sa của Việt Nam, đồng thời biên chế tên lửa đạn đạo DF-26, được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" có tầm bắn bao trùm Biển Đông.
Những động thái này cho thấy Trung Quốc đang tìm cách khóa chặt hoạt động của Mỹ trên Biển Đông, khiến hải quân và không quân nước này chỉ có thể tác chiến ở vùng biển tây Thái Bình Dương. Nhiều tướng quân đội Trung Quốc từng công khai đề cập tới chiến tranh với Mỹ và đề xuất giải pháp đánh chìm các siêu tàu sân bay của Washington.
Bắc Kinh cũng đang tìm cách phát triển công nghệ chống tàng hình, nhằm vô hiệu hóa lợi thế lớn nhất của bộ ba F-22, F-35 và B-2 Mỹ.
"Mạng lưới radar dày đặc trên Biển Đông có thể giúp Trung Quốc phát hiện máy bay tàng hình từ mặt bên hoặc bán cầu sau, nơi có tín hiệu phản xạ radar lớn hơn bán cầu trước. Dữ liệu mục tiêu có thể được chuyển tới các hệ thống phòng không để tấn công những chiếc F-35B", Bryan Clark, chuyên gia tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách Quốc phòng Mỹ (CSBA), nhận xét.