Sẽ nghiên cứu các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn đối với hộ nghèo

Thanh Nga 19/02/2019 12:39

(Baonghean.vn) - Sáng 19/2, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2012-2018.

Làm việc với đoàn có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Minh Thông- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh & Xã hội.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Nga
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Nga

Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo

Từ năm 2012 – 2018, Chương trình giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh nói chung, vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng; tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, cơ sở hạ tầng được tăng cường. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 5,54%; vùng dân tộc thiểu số, miền núi giảm xuống còn 17,1%.

Tặng áo ấm cho học sinh nghèo Keng Đu, Kỳ Sơn. Ảnh: Tư liệu
Tặng áo ấm cho học sinh nghèo Keng Đu, Kỳ Sơn. Ảnh: Tư liệu

Giai đoạn 2012-2018, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số miền núi Nghệ An đạt gần 21.800 tỷ đồng, bình quân hàng năm đạt trên 3.100 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương đầu tư 20.711 tỷ đồng, trong đó vùng dân tộc thiểu số miền núi là 15 nghìn 740 tỷ đồng, chiếm 76% so với nguồn Trung ương đầu tư thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135…

Cán bộ Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Nghĩa Đàn hướng dẫn kỹ thuật trồng khoai lang cho bà con. Ảnh: Tư liệu
Cán bộ Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Nghĩa Đàn hướng dẫn kỹ thuật trồng khoai lang giống mới cho nông dân. Ảnh: Tư liệu

Qua triển khai các chính sách giảm nghèo đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân vùng dân tộc thiểu số, miền núi đạt 8,4%, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 29,09 triệu đồng, bằng 76,8% so với toàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế thực hiện chương trình giảm nghèo tại các huyện miền núi vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Mô hình giảm nghèo quy mô còn nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo còn thấp, công tác lồng ghép nguồn lực khó khăn, thiếu bền vững; một bộ phận người nghèo còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo…

Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tỉnh làm rõ việc triển khai hệ thống các văn bản hướng dẫn tới các địa phương; việc bố trí nguồn vốn đến thời điểm hiện tại; nêu rõ những bất cập về cách xác định tiêu chí theo chuẩn đa chiều.

Phát huy làng nghề thổ cẩm tại đồng bào dân tộc Thái ở các huyện miền núi. Ảnh: Tư liệu
Phát huy làng nghề thổ cẩm tại đồng bào dân tộc Thái ở các huyện miền núi. Ảnh: Tư liệu

“Tỉnh cũng cần làm rõ việc chồng chéo của các quyết định từ trung ương đến địa phương để có những tham mưu kịp thời. Bên cạnh đó nên chia các đối tượng nghèo thành hai nhóm, để có những chính sách hỗ trợ thường xuyên với những hộ nghèo không thể thoát nghèo, đồng thời có chính sách hỗ trợ thúc đẩy đối với những hộ vươn lên thoát nghèo.” – Đồng chí Hoàng Xuân Lương thành viên đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ý kiến.

Tìm giải pháp hỗ trợ người nghèo hiệu quả hơn

Đồng chí Thái Thanh Quý phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Nga
Đồng chí Thái Thanh Quý phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Nga

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Thái Thanh Quý khẳng định: Trong những năm qua, tỉnh ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững cho bà con địa bàn dân tộc thiểu số, miền núi; đặc biệt lựa chọn những cây con có hiệu quả kinh tế, đưa nông nghiệp công nghệ cao về vùng miền núi.

Trăn trở về các giải pháp thoát nghèo đối với địa bàn vùng dân tộc thiểu số, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, không nên giao chỉ tiêu mệnh lệnh hành chính, hộ nghèo nào tiệm cận với thoát nghèo cần đưa lên hộ cận nghèo để có những chính sách hỗ trợ thiết thực. “Hiện toàn tỉnh còn 9.500 hộ đặc biệt khó khăn, trong đó có gần 2.500 hộ không có khả năng thoát nghèo, sắp tới tỉnh sẽ có chính sách bảo trợ từ 300 – 400 ngàn đồng để các hộ này đảm bảo cuộc sống" - Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.

“Tuy nhiên hiện vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại trong nhân dân, nên sắp tới cần hạn chế đầu tư trực tiếp để bà con vươn lên thoát nghèo” – Đồng chí Thái Thanh Quý nêu ý kiến.

Tiếp thu các ý kiến trong khuôn khổ cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Thúy Anh hứa sẽ tổng hợp các kiến nghị trình lên Quốc hội để có phương án điều chỉnh phù hợp các chính sách giảm nghèo cho các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi Nghệ An.

Thanh Nga