Phát hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở Việt Nam
Tại Việt Nam đã phát hiện có 2 ổ dịch tả lợn châu Phi ở tỉnh Hưng Yên và Thái Bình - ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp & PTNT xác nhận thông tin này tại cuộc họp báo chiều 19/2.
Cụ thể, tại tỉnh Hưng Yên đã phát hiện có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) ở hộ ông Dương Văn Vũ (Trung Nghĩa, TP. Hưng Yên) và hộ ông Lê Xuân Tình (Yên Hòa, Yên Mỹ). Trong khi đó, tại Thái Bình có phát hiện một số hộ dân ở xã Đông Đô (Hưng Hà) có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng đàn lợn bị phát hiện mắc bệnh là 257 con.
Theo Cục Thú y, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Nông nghiệp - PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương và chính quyền các cấp của địa phương thực hiện ngay các biện pháp tiêu hủy toàn bộ số lợn của các hộ chăn nuôi.
Tại buổi họp báo mới đây, Bộ Nông nghiệp - PTNT chính thức thông tin đến nay đã phát hiện ra các ổ dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam và chỉ ra cách ứng phó tạm thời dịch bệnh này. |
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng tiến hành tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao; thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn ở vùng có dịch;
Đồng thời, tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm các hộ nuôi lợn xung quanh hộ có dịch và kết quả là âm tính.
Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cũng thông tin, tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng, đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.
Đáng chú ý, tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và FAO, từ 3/8/2018 đến ngày 18/2/2019, nước này thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh. Tổng cộng đã có hơn 950 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Ngoài ra, theo một số nguồn tin, khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại một số nước trong khu vực nhưng chưa được thông tin chính thức. Như vậy, nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng ở các nước trong khu vực là rất cao.
Việc lây lan chủ yếu là do vận chuyển sản phẩm thịt lợn bị nhiễm mầm bệnh. Bản thân chủng virus bệnh này lây lan rất chậm trong đàn lợn nhiễm bệnh, song lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi lại có tỷ lệ chết 100%. |
Trước đó, ông Ken Inui - chuyên gia bệnh lợn của FAO, cho hay, bệnh này không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Mầm bệnh không những sẽ tiêu diệt đàn lợn mà tự chúng ta phải tiêu diệt đàn lợn nhiễm bệnh này. Khi bị lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào một trang trại nào đó thì rất khó nhận biết con mắc bệnh, bởi, lợn mắc bệnh sẽ chết dần dần một vài con chứ không chết cả loạt.
Theo ông Ken Inui, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện vào năm 1921 tại châu Phi, năm 1957 lan sang châu Âu và châu Mỹ. May mắn một số nước đã thanh toán được dịch bệnh này, tuy nhiên, như Tây Ban Nha phải mất 30 năm mà biện pháp quan trọng nhất chính là tiêu hủy đàn lợn
Việc lây lan chủ yếu là do vận chuyển sản phẩm thịt lợn bị nhiễm mầm bệnh. Bản thân chủng virus bệnh này lây lan rất chậm trong đàn lợn nhiễm bệnh, song lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi lại có tỷ lệ chết 100%. Đặc biệt, sau gần một thế kỷ phát hiện ra, đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, vị này cho hay.