BIDV: Tiếp tục khẳng định vị thế ngân hàng chủ lực
Năm 2018, tổng tài sản Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt trên 1.283.000 tỷ đồng, giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 9.625 tỷ đồng.
Vượt khó, bền vững, hiệu quả
Có thể kể đến những điểm sáng trong hoạt động của BIDV trong năm 2018 như: Duy trì tăng trưởng quy mô ổn định, giữ vững vị thế trên thị trường; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu tài sản - nguồn vốn theo hướng gia tăng quy mô tài sản sinh lời tốt, nâng cao tính bền vững và hiệu quả; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng.
BIDV còn nâng cao chất lượng tài sản, đẩy mạnh thu hồi và xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết số 42 của Quốc hội và Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ; Chênh lệch thu - chi đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay, chuyển dịch cơ cấu thu nhập theo hướng ngày càng bền vững...
BIDV nhận giải thưởng Ngân hàng bán lẻ tiêu biểu năm 2019. Ảnh Hoài An |
Bên cạnh đó, với tư cách là một thành viên của thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu BIDV có mức tăng 27,4% so với đầu năm; duy trì được mức tăng trưởng ngay cả trong những giai đoạn biến động, thanh khoản ở mức cao với số lượng giao dịch bình quân 2,7 triệu cổ phiếu/phiên.
Đến hết năm 2018, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 3,1%; hệ số giá trên lợi nhuận 1 cổ phiếu nằm trong top 5 ngân hàng có mức vốn hóa lớn nhất thị trường,... điều này phản ánh kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển của BIDV.
Mục tiêu và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2019
Năm 2019, BIDV đề ra phương châm hoạt động là “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hiệu quả - Bứt phá”.
BIDV xây dựng chương trình hành động với quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh năm 2019 với những mục tiêu chính như: tín dụng và huy động vốn tăng trưởng 14%; thu dịch vụ ròng đạt 6.300 tỷ đồng; tổng thu nợ ngoại bảng và nợ bán VAMC đạt 6.000 - 6.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%, chênh lệch thu - chi đạt 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng đạt 10.000 tỷ đồng, hợp nhất đạt 10.500 tỷ đồng...
Giao dịch tại Ngân hàng BIDV |
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, BIDV xác định sẽ tập trung khắc phục những hạn chế về chất lượng tài sản, năng lực tài chính; đồng thời tiếp tục kiên định với các mục tiêu định hướng chiến lược, tái cơ cấu đã đề ra,... tạo dựng những nền tảng then chốt cho phát triển bền vững, hội nhập quốc tế.
Theo đó, BIDV đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong năm 2019.
Thứ nhất, ưu tiên phát triển chiến lược ngân hàng số một cách toàn diện để bắt nhịp với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án thành lập Trung tâm Ngân hàng số.
Thứ hai, nâng cao năng lực tài chính với trọng tâm là tăng vốn điều lệ từ bán chiến lược, phấn đấu gia tăng mức vốn tự có, đảm bảo hệ số an toàn vốn theo chuẩn mực của Basel II và đáp ứng yêu cầu theo lộ trình quy định tại Thông tư 41.
Thứ ba, tập trung xây dựng, ban hành và triển khai Chiến lược phát triển của BIDV; Chiến lược phát triển đối với phân khúc khách hàng bán lẻ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ tư, duy trì tăng trưởng quy mô gắn liền với chất lượng, củng cố vị trí dẫn đầu trên các phân khúc thị trường chủ đạo; đồng thời nâng cao chất lượng tài sản, đặc biệt là chất lượng tín dụng.
Thứ năm, đẩy mạnh các nguồn thu phi lãi theo đúng định hướng tại Đề án phát triển hoạt động dịch vụ; triển khai có hiệu quả Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 theo định hướng của NHNN, gia tăng nền khách hàng bền vững bằng chất lượng sản phẩm dịch vụ và phương thức phục vụ khách hàng.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 300 triệu USD để hỗ trợ sự phát triển và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam. |
Thứ sáu, cấu trúc lại toàn diện hoạt động đầu tư.
Thứ bảy, gia tăng hiệu quả sử dụng chi phí, cân đối khả năng tài chính để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời kiểm soát đầu tư tài sản thông qua kế hoạch đầu tư tài sản cố định phù hợp định hướng.
Thứ tám, nâng cao năng lực quản trị, phát triển thể chế, cơ chế, chính sách nội bộ; hoàn thiện và nâng cấp hệ thống quản trị rủi ro theo đúng lộ trình áp dụng Basel II tại BIDV.
Thứ chín, kiện toàn hệ thống nhân sự các cấp, thực hiện cơ cấu, sắp xếp lao động đảm bảo tính dân chủ, khách quan, công khai, theo lộ trình Đề án quản trị nhân tài BIDV.
Thứ mười, quán triệt nội dung Chỉ thị 07 của NHNN để lường tránh các sai sót, vi phạm; gia tăng tính tuân thủ trong kỷ cương, kỷ luật điều hành và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, kiểm tra nội bộ.
Mười một, tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các điểm mạng lưới truyền thống và hiện đại; phát huy vai trò mũi nhọn của các phòng giao dịch.
Mười hai, xây dựng và triển khai chiến lược phát triển thương hiệu gắn với việc thực hành văn hóa doanh nghiệp, phong trào học hỏi sáng tạo trong toàn hệ thống.
BIDV MetLife khẳng định vị thế của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ luôn hướng tới sự đổi mới. |
Bên cạnh đó, BIDV cũng sẽ nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, khẩn trương sắp xếp kiện toàn mô hình tổ chức Đảng theo quy định của Bộ Chính trị, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương; các tổ chức, đoàn thể chú trọng phát động các phong trào thi đua nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao...
Năm 2018, BIDV tiếp tục nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, được các tổ chức định hạng tín nhiệm nâng hạng tín nhiệm cơ sở; Top 15 công ty có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam (theo Forbes Việt Nam); Top 2.000 công ty đại chúng lớn và quyền lực nhất thế giới (theo Forbes); Top “500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới năm 2018” (theo Brand Finance); được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xác định là đối tác hàng đầu tại Việt Nam.