Câu chuyện bộ óc, máy tính và bầu trời

Châu Phú 23/02/2019 16:01

(Baonghean.vn) - Bây giờ là thời của cách mạng công nghiệp 4.0. Ai đó đã nói đại ý, rằng tài nguyên trong lòng đất không còn, mà nếu còn cũng phải để dành cho mai sau. Đi lên bằng con đường khai thác tài nguyên là con đường hẹp, nếu không nói là con đường cụt, bế tắc và thất bại.

Đi trước, làm trước có nhiều cái hay, cái được nhưng đồng thời cũng không tránh khỏi những vấp váp, rủi ro không lường nổi - bạn tôi nói chuyện vẻ nghiêm túc hiếm thấy. Thì đây, thu hút, mời gọi đầu tư hấp dẫn, cơ chế linh hoạt, nhà máy nọ, công trình kia mọc lên, trước mắt thu ngân sách tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng, được chấm điểm nâng hạng cấp tỉnh, được khen tặng đủ thứ, tha hồ “vênh” với tỉnh trong, tỉnh ngoài.

Nhưng chưa đi được nửa nhiệm kỳ đã gặp ngay cảnh dân khiếu kiện về chuyện đền bù đất đai, rồi cán bộ dự án tham nhũng, rồi đau đầu nhức óc về chuyện môi trường, chuyện dân ngăn đường không cho xe công trường đi lại, chuyện đổi cá, đổi tôm… Mất cán bộ không lớn bằng chuyện mất lòng tin trong dân, gỡ cho xong có khi phải mất cả mấy nhiệm kỳ!

Bạn tôi thở dài đánh sượt và lại tiếp câu chuyện…

Một chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ là… bóng đá. Chuyển từ bao cấp, phong trào sang bóng đá chuyên nghiệp, doanh nghiệp, có chuyện bây giờ vỡ ra mới thấy đau lòng, còn hơn cả một bài học cay đắng.

Thành phố nọ vốn có đội bóng A1 cực mạnh, nhiều nơi từng phải vào học, phải “xin” điểm người ta để mình trụ hạng. Chuyển đổi cơ chế, nơi này đi đầu bán luôn sân vận động, giao đội bóng cho doanh nghiệp quản lý, thành phố chỉ việc… đi xem! Vài mùa đầu, cầu thủ hưởng lương cao, thưởng hậu, khí thế đang lên nên mọi việc xem ra vô cùng xuôi chèo mát mái.

Vậy mà bây giờ thành phố phải tìm cách mua lại sân vận động nổi tiếng (đang để cỏ mọc sum suê và chờ chia lô bán nền) mấy năm vẫn chưa có cách gì lấy lại được. Còn đội bóng thì thay thầy đổi quân như cơm bữa, tụt hạng thê thảm.

Nói thế để thấy, ta đi chậm, chịu khó mang tiếng đội bóng nghèo, năm nào cũng có tình trạng “chảy máu nhân tài” cái cốt tử là giữ được thương hiệu, giữ được công tác đào tạo trẻ, không vươn hẳn lên đầu đàn nhưng cũng không đến nỗi ngoi ngóp, lẹt đẹt sau chót.

Thử hỏi, người Nghệ hâm mộ bóng đá đến thế, trước những kết quả được/mất như thế đã bằng lòng, thỏa mãn chưa, sẽ chấp nhận đi tiếp con đường cũ hay phá cách tìm con đường mới?

Tất nhiên phải có cách đi riêng, hiệu quả riêng chứ, nếu cứ chờ người ta… thất bại rồi mình rút kinh nghiệm thì người khác đã vọt đi xa lắc xa lơ! Tôi khẽ nhắc khi ông bạn vẫn say sưa, hào hứng.

Từ từ nào, thế ông quên câu cửa miệng của cha ông ta “lật đật, đất đè” rồi ư?

***

Một vị lãnh đạo tỉnh kể chuyện, từ cách đây cả chục năm, một nhà đầu tư tư nhân hàng đầu Việt Nam đã theo chân ông đi khảo sát Cửa Lò, Cửa Hội để tìm cách phát triển du lịch. Đeo bám đến cùng, ông được nghe một câu trả lời chân thật, cụ thể của nhà đầu tư, đại ý là nếu được giúp đỡ, từ thiện việc gì đó cho quê hương thì chúng tôi không tiếc một cái gì, nhưng đây là làm kinh tế, phải tính toán, sắp xếp, có thứ tự!

Một nhà đầu tư khác, khi nghe tôi thuật lại câu chuyện trên, còn nói thêm rằng, đúng là chuyện du lịch một mùa sẽ rất “kén chọn” nhà đầu tư nhưng môi trường xã hội và môi trường đầu tư là điều không thể xem nhẹ, ví như khách đến bị chặt chém mà chính quyền không biết/xử lý, hệ thống liên kết du lịch - vui chơi - nghỉ dưỡng… chưa hình thành thì không ai dám đi đầu đầu tư.

Nhà đầu tư hàng đầu đó nói là làm. Họ đã chọn nơi du lịch bốn mùa tấp nập, nơi mọi điều kiện được thỏa mãn để xây dựng những khu du lịch nổi tiếng thu hút du khách trong và ngoài nước. Khu vực Cửa Lò, Cửa Hội tất nhiên cũng được lựa chọn, nhưng chắc chắn không phải là lựa chọn đầu tiên, ngay lập tức mà gần như được xếp hàng theo thứ tự!

Thế bao nhiêu công sức, trí tuệ, nhà đầu tư lớn nhỏ, bao nhiêu khu này, khu kia làm lâu nay ở quê mình thì sao? Tôi cãi.

Thì có ai phủ nhận điều đó đâu! Khó mà làm được, làm tốt thì mới đáng nói, chứ dễ như trở bàn tay, người ta bê đến tận miệng, chỉ ngồi thu tiền thì nói làm gì? Chưa kể việc mèo to bắt chuột cống, mèo nhỏ bắt chuột nhắt, theo sự phân công mà…

Quê mình đi chậm, khá chắc, phát triển chưa thuộc vào loại nhanh nhưng chắc chắn là bền vững, đúng không? Nói thẳng ra là chưa có bước đột phá cần thiết, vẫn cứ bình bình và cứ đà này thì sẽ thua em, kém chị, sẽ đi sau xóm giềng cùng điều kiện, hoàn cảnh.

Đi chậm, chắc không mất gì nhưng cũng không được gì đáng kể, đáng nói. Giờ đột phá, đi nhanh, hiệu quả ở một mũi, một cánh, một khâu nào đó thì trước hết phải chấp nhận mất một cái gì đó đáng mất, chấp nhận được, để mong có được những kết quả to lớn, bền vững, lâu dài. Nói thì dễ, phương án, đề án không thiếu nhưng làm cụ thể cái gì đây, ai làm, ai chấp nhận đi trước, ai chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng… mới là điều khó khăn, gian nan nhất.

Ừ thì phải vươn lên, học hỏi ý chí, cách làm của người Nhật. Từ gian khó, tro tàn, thất bại mà người Nhật vẫn tạo ra “sự thần kỳ” về phát triển kinh tế. Học ý chí, cách làm của người Israel lại càng đúng, khi đất nước này từ sa mạc mà vươn lên đỉnh cao của khoa học, công nghệ, trước hết là sản xuất nông nghiệp.

Kể cả học theo từ những việc làm nhỏ của thiên hạ lúc này cũng cần thiết, như người Philippines chẳng hạn. Đất nước này lấy Tiếng Anh làm ngôn ngữ chính từ năm 1935, là nước thứ 3 trên thế giới về nói Tiếng Anh. Từ cái gốc rất thuận lợi này, họ đã thu hút nhà đầu tư nước ngoài để mở các trung tâm đào tạo Tiếng Anh với cơ chế linh hoạt, cởi mở và ngay lập tức thu hút rất nhiều người trên thế giới đến học.

Dù nơi đây bình quân 23 cơn bão/năm từ cấp 12 trở lên quét qua thì việc mở trung tâm dạy Tiếng Anh của họ cũng không hề suy chuyển, vẫn cứ lợi nhuận ồ ạt. Đâu phải vì thiên nhiên khắc nghiệt nên đành bó gối, chùn chân. Đấy, qua đó thử xem ta có thứ tài nguyên nào trên trời, dưới đất và trong đầu (thế mạnh đặc trưng!) để mà lựa chọn, mà đẩy lên, bất chấp chuyện gió lào, cát bạc.

Rất có thể hình mẫu, cách làm của thời lo sao cho đủ lương thực, kể cả từ giống lai, thời tìm mọi cách để có cho được một nhà máy xi măng (dù láng giềng đã đi trước), chạy như chong chóng để mở rộng, nâng cấp cảng biển, sân bay, xuất lạc vỏ, đá khối… theo phong trào đến lúc này đã không còn phù hợp, không thể làm nổi.

Bây giờ là thời của cách mạng công nghiệp 4.0. Ai đó đã nói đại ý, rằng tài nguyên trong lòng đất không còn, mà nếu còn cũng phải để dành cho mai sau. Đi lên bằng con đường khai thác tài nguyên là con đường hẹp, nếu không nói là con đường cụt, bế tắc và thất bại.

Cách đây không lâu, một vị lãnh đạo tỉnh trưởng thành ra Trung ương, khi về quê đã mang theo một nhóm công tác, mời mọi người ngồi lại để nghe, để học câu chuyện về công nghệ, về việc sử dụng bộ óc, máy tính và bầu trời để làm ra những sản phẩm công nghệ thông tin có giá trị kinh tế cao.

Vị giám đốc công nghệ trẻ măng, chính là con em quê hương, cùng với nhóm kỹ sư, nhân viên khoảng 40 người đã tạo được ra được giá trị lợi nhuận doanh nghiệp hàng năm tương đương mức thu ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng của cả tỉnh thời điểm đó. 40 người tạo ra giá trị sản xuất tương đương 3.000.000 người là chuyện có thật không chỉ một năm mà kéo dài trong nhiều năm liền!

Người Nghệ, con em Nghệ An từng có thành tích ở trong tỉnh, trong nước và quốc tế trên mọi lĩnh vực, đã học tập, công tác và trưởng thành (như vị giám đốc công nghệ kia) thì không sao kể xiết.

Vấn đề là tại sao nguồn lực đó đang phân tán, đang đổ về nơi khác, đang kẹt trong suy tính giống như nhà đầu tư tư nhân hàng đầu nói trên? Hay chính họ đã và đang tập hợp lại, truyền đi những thông điệp về câu chuyện của người Nhật Bản, người Israel, về quá trình cụ thể hóa để xây dựng Vinh, rồi Nghệ An trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực và từng bước mở rộng hơn nữa, không phải rập khuôn theo cách thiên hạ đã thành công, mà bằng một cách làm khác, mới, chưa từng có theo đúng tinh thần của cách mạng công nghệ 4.0?

Câu chuyện dường như chưa có hồi kết bởi nói cho cùng, bạn tôi cũng chỉ là một người… lý thuyết, nghe rồi thưa thốt, trăn trở mà nói ra, tâm huyết có thừa nhưng thiếu thực tiễn và chưa bắt tay vào làm một việc cụ thể nên chưa biết được nó vướng mắc, trắc trở hay thuận lợi, dễ dàng ở đâu, kêu ai để đủ sức, đủ tầm tháo gỡ hay nản chí, tháo lui vì chỉ nghe người nói mà không thấy người làm…

Đi chậm mà chắc, dám đột phá, chấp nhận mất đi một số thứ để tạo ra bước phát triển mới chắc chắn vẫn là một câu hỏi khó, là một bài thi mà phần lý thuyết thì nhiều người trả lời ngon ơ, đến phần thực tiễn mới thấy toát mồ hôi, phải không bạn thân mến?

Châu Phú