Nguyễn Duy, Trần Tiến, Nguyễn Cường về biên giới
Tròn 40 năm ngày diễn ra chiến tranh biên giới 17/2/1979, nhà thơ Nguyễn Duy, nhạc sĩ Trần Tiến, nhạc sĩ Nguyễn Cường cùng với hàng chục văn nghệ sĩ khắp trong Nam ngoài Bắc đã có mặt ở Lạng Sơn để nhớ về thời điểm họ cũng từng là chiến sĩ.
“Có cái nhìn như sỏi ném sau tôi”
Từ trái qua: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Định, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tham gia chương trình 40 chiến tranh biên giới cùng nhà thơ Nguyễn Duy Ảnh: A.T |
Cơ duyên của chuyến đi này bắt đầu từ Nguyễn Duy, khi ông gặp lại cô giáo Hoàng Thị Tú – một trong bốn giáo viên trụ lại trường Đông Kinh Phố (Lạng Sơn) trong thời điểm 17/2/1979 khi toàn thành phố bắt đầu sơ tán. Cô Tú hiện sinh sống tại Nga, chọn dịp về nước, cô và nhà thơ Nguyễn Duy đã đứng ra kêu gọi bạn bè ngược Lạng Sơn thăm lại chiến trường xưa.
Nhà thơ Nguyễn Duy cho biết: “Mục đích chuyến Bắc tiến lần này của tôi là để gặp lại các thầy cô giáo ở Lạng Sơn từng cùng chúng tôi trực chiến, tham chiến vào thời điểm chiến sự 17/2/1979. Những người còn sống sót qua thời đó gồm thầy Trương Hùng Anh (nguyên phó chủ tịch tỉnh Lạng Sơn), thầy Bạch Tiến Hạnh và cô giáo Hoàng Thị Tú. Vốn còn có cô Bình, nhưng cô Bình đã mất vì bệnh trọng”.
Đầu năm 1979, nhà thơ Nguyễn Duy lên Lạng Sơn với tư cách phóng viên của Tuần báo Văn Nghệ. Cùng đi với ông có nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Đỗ Chu, nhà văn Hồng Phi... Đoàn chốt ở thị xã Lạng Sơn cùng tổ giáo viên trực chiến của trường Đông Kinh Phố cho đến ngày được lệnh rút lui.
Trong buổi giao lưu với học sinh trường chuyên Chu Văn An tại Lạng Sơn, Nguyễn Duy 72 tuổi khiến tất cả bè bạn ngạc nhiên vì khả năng đọc thơ “sung mãn” dù bình thường ông lên xuống bậc thang còn cần người dìu đỡ.
Vào đề, ông cũng báo trước “e rằng đọc không trọn vẹn những bài thơ viết về cuộc chiến 1979 vì quá xúc động”. Quả thật, đến đoạn sau, ông phải nhờ bác sĩ quân y Hải Đăng nhắc vở thậm chí lên sân khấu đọc giùm. Đây cũng là một nhân vật đặc biệt, mê thơ Nguyễn Duy và thuộc thơ hơn cả tác giả.
Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ về “Những đôi mắt mang hình viên đạn”Cả khán phòng lặng đi khi Nguyễn Duy đọc “Lên mặt trận ngày đầu”. Những người từng tham chiến lặng lẽ lấy khăn lau nước mắt khi nhớ lại hình ảnh “lũ trẻ con mắt tròn ngơ ngác/ chân trẻ con lũn cũn chạy như đùa”.
Câu kết bài thơ này được Nguyễn Duy viết như sau: “Quân đi quân đi ngược lên biên giới/ Có cái nhìn như sỏi ném sau tôi”. Ông kể, sau đó bài in trên Báo Văn nghệ, Ban biên tập đề nghị sửa lại một chi tiết, đổi thành “những cái nhìn như đạn gửi theo tôi”. Nhạc sĩ Trần Tiến thích ý này, lấy làm tứ để sáng tác bài “Những đôi mắt mang hình viên đạn”.
Nguyễn Duy cũng cho biết, đây không phải lần đầu ông quay lại Lạng Sơn. Năm 1989 cũng vào dịp 17/2 ông đã về đây. “Lúc đó trên đống đổ nát của chợ Kỳ Lừa, những người buôn bán nhỏ của Việt Nam bắt đầu chở nông thổ sản qua biên giới, và cửu vạn Trung Quốc chở bia Vạn Lực sang Việt Nam. Giữa trưa, anh cửu vạn người Việt và anh cửu vạn người Hoa ngồi uống bia Vạn Lực cùng nhau say la đà ở chợ Kỳ Lừa. Tôi chạnh nghĩ, giá như mười năm trước không xảy ra cuộc chiến ấy, tất cả ngồi uống bia say la đà với nhau như thế này thì cuộc đời đã tươi đẹp biết bao nhiêu”.
Cũng dịp đó ông viết: “gió đi để lại mưa dầm/ Người đi để buốt dấu chân trên đường/ Đồng Đăng, Ải Khẩu, Bằng Tường/ Chợ giời bán bán buôn buôn tít mù/ Ta đầy một bụng ưu tư/ Giá như cũng bán được như bán hàng”.
“Những đôi mắt mang hình viên đạn” từng bị “ém” bốn năm
Nhạc sĩ Trần Tiến như mọi lần, nhanh chóng trở thành tiêu điểm của đám đông khi ông ôm guitar và hát.
“Những đôi mắt mang hình viên đạn” được ông viết vào đúng đầu năm 1979. Nhạc sĩ kể: “Tôi rất thích thơ Nguyễn Duy. Luôn nghĩ “Những đôi mắt mang hình viên đạn” là phổ thơ anh, nhưng Nguyễn Duy bảo: ông không phổ thơ tôi, tôi viết là những viên sỏi cơ, sau được sửa thành viên đạn”.
Nhà thơ Nguyễn Duy thăm lại cột mốc biên giới Hữu Nghị quanVề số phận lênh đênh của ca khúc này, Trần Tiến cho biết: “Lúc đó tôi thân nhất với Nguyễn Cường. Chiến tranh nổ ra, Hà Nội sôi sùng sục. Tôi mới tìm đến nhà Cường, rủ nó: thôi cậu đừng viết ca khúc tán gái nữa, chúng mình viết về biên giới đi”!
“Những đôi mắt mang hình viên đạn” hoàn thành, Trần Tiến mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu nhưng bị từ chối vì trong ca từ không có các từ trực tiếp lên án kẻ thù…
Sau đó, trong một lần Nam tiến, ngồi uống rượu với các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, được khuyến khích: “Tiến có bài gì mới hát đi” Trần Tiến mới đem “Những đôi mắt mang hình viên đạn” ra biểu diễn.
Nhạc sĩ nhớ lại: “Tôi hát xong, mọi người lặng đi, vỗ tay rất phấn khích. Hai anh bảo: Tiến có bài hát hay thế mà sao không ai hát? Tôi bảo, ngoài Bắc họ từ chối. Anh Cầu bảo Tiến chép cho anh. Ai ngờ, không tới một tháng sau toàn bộ Sài Gòn hát bài này, band nào cũng thử, như là một thứ mốt”.
Nhưng cũng phải đến 4 năm sau “Những đôi mắt mang hình viên đạn” mới chính thức được biểu diễn ở Hà Nội. Nó cũng là một cái “giấy thông hành” để Trần Tiến quyết tâm Nam tiến và ở lại đất phương Nam cho đến giờ.
Nguyễn Cường kể chuyện “Rừng biên cương…”
Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết: “Tôi nhận được lời rủ rê của Trần Tiến, lên Lạng Sơn đi, để nhớ lại sáng tác của chúng mình cách đây 40 năm, thế là đi luôn”.
Cùng là “lính mới” trong đội ngũ sáng tác, nhưng Nguyễn Cường may mắn hơn Trần Tiến, bài hát về biên giới của ông “Rừng biên cương âm vang điệu then mới” qua cửa của Đài Tiếng nói Việt Nam (một thế lực to lớn thời điểm đó – như lời Nguyễn Cường) và được trình diễn ngay.
Đích thân Nguyễn Cường vừa đàn vừa hát lại “Rừng biên cương âm vang điệu then mới”.
Tối cùng ngày 16/2/2019, đúng 12h nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đưa ra ý kiến đề nghị tất cả mọi người có mặt dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đồng bào chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới. Đây cũng là một kỷ niệm xúc động mà như nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ, ông sẽ mang theo trong hành trình xuôi Nam của mình.