Kim Jong-un và Donald Trump đến Hà Nội, chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh
(Baonghean.vn) - Kim Jong-un và Donald Trump đến Hà Nội, chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh; Phái viên Mỹ gặp thủ lĩnh cấp cao Taliban tại Cata; Ấn Độ không kích khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát; Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất thỏa thuận mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga... là những tin tức nổi bật của thế giới 24h qua.
Kim Jong-un và Donald Trump đến Hà Nội, chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh
Sau cuộc gặp đầu tiên tại Singapore, ông Trump bị chỉ trích vì đã ký một tuyên bố mơ hồ, nhưng mặt khác, các chuyên gia cho rằng quá trình phi hạt nhân hóa phải diễn ra song song với sự nhượng bộ từ Mỹ. Ảnh: AFP. |
Sáng 26/2, đoàn tàu hỏa bọc thép chở nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn). Sau khi thực hiện nghi thức ngoại giao với lễ đón tại Ga Đồng Đăng, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã lên xe và hướng thẳng về Hà Nội. Tối 26/2, chuyên cơ Không lực một của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Sau nghi lễ đón ở sân bay Nội Bài, đoàn xe đã đưa Tổng thống Donald Trump về khách sạn Marriott.
Nhà Trắng thông báo hội nghị thượng đỉnh lần haigiữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên tại Hà Nội sẽ kéo dài 2 ngày. Hai lãnh đạo sẽ có cuộc trao đổi riêng vào tối 27/2, sau đó dùng bữa tối cùng các cố vấn. Lịch trình của hai lãnh đạo ngày 28/2 chưa được công bố, nhưng hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ cuộc gặp trong ngày này sẽ có hình thức tương tự sự kiện ở Singapore hồi tháng 6/2018, với một cuộc họp riêng, sau đó hai đoàn dùng bữa trưa làm việc, họp mở rộng với các trợ lý và tổ chức lễ ký tuyên bố chung.
Ấn Độ không kích khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát
Chiến đấu cơ Ấn Độ. Ảnh: indianairforce.nic.in. |
Các máy bay chiến đấu của Ấn Độ hôm 26/2 đã tiến vào khu vực Kashmir thuộc quản lý của chính phủ Pakistan, với tuyên bố tiến hành một cuộc không kích vào căn cứ khủng bố. Động thái này có nguy cơ sẽ khiến căng thẳng giữa 2 nước tiếp tục leo thang.
Vụ việc diễn ra sau vài ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, mà nước này đổ lỗi cho chính phủ quốc gia láng giềng Pakistan gây ra bất chấp việc quốc gia láng giềng này bác bỏ. Phía Pakistan lập tức xác nhận vụ không kích. Người phát ngôn quân đội Pakistan, Thiếu tướng Asif Ghafoor hôm 26/2 khẳng định, Lực lượng Không quân Ấn Độ đã vi phạm Ranh giới kiểm soát (LoC), vốn phân chia khu vực Kashmir do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát.
Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới lên các quan chức Venezuela
Tổng thống Maduro và phu nhân Ciliaedom Flores de Maduro. Ảnh: Reuters |
Theo hãng Sputnik, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với một số đồng minh thân cận của Tổng thống Nicolas Maduro trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Venezuela. Danh sách những cá nhân hứng chịu lệnh trừng phạt bao gồm: bà Ciliaedom Flores de Maduro - Phu nhân của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Phó tổng thống Delcy Eloina Coleues Lopez và Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino Lopez. Động thái mới trên nhằm ngăn họ không được thực hiện các giao dịch tài chính hoặc thương mại với công dân hoặc tổ chức của Mỹ.
Mỹ đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Venezuela và cũng đã tịch thu tài sản của nước này. Vào tháng 1, Washington đã đóng băng 7 tỉ USD tài sản thuộc về tập đoàn dầu mỏ quốc gia Venezuela (PDVSA) và bắt đầu chuyển quyền kiểm soát tập đoàn này cho “tổng thống lâm thời” tự xưng Juan Guaido.
Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất thỏa thuận mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga
Hệ thống tên lửa phòng không S-400. Ảnh: Army-technology |
Reuters dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 26/2 cho biết thỏa thuận Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga đã hoàn tất, bất chấp việc Washington nỗ lực thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống Patriot của Mỹ, thay vì S-400.
Các quan chức Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng hệ thống S-400 không thể tương thích với hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của NATO. Đồng thời, các quan chức trên cho rằng việc mua hệ thống phòng thủ này của Nga sẽ đe dọa thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua lô máy bay chiến đấu F-35 của tập đoàn Lockheed Martin cũng như có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ nhằm hủy bỏ thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Phái viên Mỹ gặp thủ lĩnh cấp cao Taliban tại Cata
Ảnh minh họa: Getty |
Ngày 25/2, phái viên Mỹ về hòa bình Afghanistan Zalmay Khalilzad đã có cuộc gặp với thủ lĩnh cấp cao của Taliban tại Cata khi hai bên nối lại đàm phán nhằm chấm dứt 17 năm xung đột. Phái viên Khalilzad lần đầu tiên gặp ông Ghani Baradar, người đồng sáng lập Taliban và là nhà lãnh đạo chính trị mới của Taliban tại thủ đô Cata. Cuộc đàm phán sẽ kéo dài ít nhất 4 ngày. Bất chấp các cuộc hòa đàm được tiến hành, xung đột ở Afghanistan trong năm 2018 đã khiến 4.000 dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em.
Các nhà ngoại giao ở Kabul hy vọng các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Taliban sẽ tập trung vào việc đưa ra 1 lệnh ngừng bắn trước khi thời tiết ấm lên trong mùa Xuân, vốn là thời điểm leo thang chiến sự.
Cựu bộ trưởng Israel nhận án 11 năm tù do làm gián điệp cho Iran
Cựu Bộ trưởng Gonen Segev trong phiên tòa diễn ra vào năm 2018. Ảnh: Reuters |
Ngày 26/2, Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin ông Gonen Segev là Bộ trưởng Năng lượng Israel từ năm 1995 tới 1996. Trong tháng 1, ông đã nhận tội làm gián điệp cho Iran. Theo các nhà điều tra, ông Segev đã liên lạc với quan chức tại Đại sứ quán Iran ở Nigeria vào năm 2012. Bên cạnh đó, ông Segev từng đến Iran hai lần để trao đổi với "người quản lý".
Bộ Tư pháp Israel cho biết sau đó ông Segev sau đó nhận thiết bị liên lạc mã hóa từ các điệp viên Iran. Phía Israel đồng thời cáo buộc cựu Bộ trưởng Segev cung cấp cho Iran “thông tin liên quan tới lĩnh vực năng lượng, an ninh tại Israel”. Ông Segev bị bắt vào tháng 5/2018 trong chuyến thăm Guinea Xích Đạo, tiếp đó cựu Bộ trưởng này bị dẫn độ đến Israel.