Phát triển ngành y tế theo định hướng công bằng, hiện đại
(Baonghean) - Những năm gần đây, để đáp ứng xu hướng hội nhập, phát triển và yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, ngành Y tế Nghệ An đã đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, tạo được mối đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần dân chủ trong xây dựng và phát triển.
Hạnh phúc nhân đôi. Ảnh: Hồ Hải Đăng |
Nhiều khó khăn thách thức
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ban ngành đối với công tác y tế, năm 2018, toàn ngành đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành Y tế tỉnh Nghệ An vẫn còn những khó khăn như: Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng mặc dù tỷ lệ mắc có giảm qua các năm nhưng vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng còn thấp. Y tế cơ sở còn nhiều khó khăn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho người dân vùng sâu vùng xa. Ảnh: Từ Thành |
Ngoài ra, chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển kỹ thuật mới ở một số cơ sở khám chữa bệnh còn hạn chế; việc chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới triển khai chưa được nhiều, đặc biệt ở một số bệnh viện tuyến huyện, miền núi. Vấn đề quá tải bệnh viện, đặc biệt là ở bệnh viện tuyến tỉnh vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Cùng với đó, nhu cầu của người dân ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng dịch vụ làm cho chi phí y tế gia tăng rất nhanh, ngân sách có tăng nhưng mức tăng còn thấp nên chưa đáp ứng được các yêu cầu. Nguồn lực đầu tư cho y tế mặc dù được Đảng, Nhà nước, tỉnh nhà quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, đặc biệt là cho y tế dự phòng và y tế cơ sở. Việc khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển xã hội hóa tại các đơn vị y tế công lập tuy đã cố gắng song do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Đoàn công tác Sở Y tế kiểm tra công tác phòng chống Dịch sốt xuất huyết tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu. Ảnh: Từ Thành |
Tình hình cán bộ trong ngành y tế chưa đảm bảo cả về số lượng, cơ cấu trình độ giữa các tuyến, thiếu bác sỹ trình độ cao và bác sỹ chuyên khoa nên khó khăn trong việc phát triển kỹ thuật và thành lập các khoa, phòng của bệnh viện theo quy định... Cơ sở hạ tầng của một số đơn vị y tế vẫn còn tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, điều kiện vệ sinh phòng bệnh chưa tốt, thiếu trang thiết bị hiện đại để phát triển kỹ thuật nhưng chưa được đầu tư nâng cấp.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản giữa 2 ngành y tế và bảo hiểm xã hội chưa có sự thống nhất, không thực sự phù hợp với hoàn cảnh thực tế hiện nay gây khó khăn trong các hoạt động khám chữa bệnh...Công tác quản lý nhà nước về hành nghề y - dược tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, chưa chủ động theo định hướng lâu dài, nhiều địa phương còn mang tính thụ động.
Hướng tới nền y tế công bằng, hiện đại
Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, ngành y tế Nghệ An đã và đang đặt mục tiêu xây dựng, phát triển hệ thống y tế tỉnh Nghệ An theo định hướng công bằng, từng bước hiện đại, hiệu quả và phát triển; đảm bảo mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.
Các mục tiêu cụ thể là: Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và tàn tật; khống chế các bệnh truyền nhiễm, các bệnh gây dịch thường gặp và mới nổi, không để dịch lớn xảy ra; hạn chế, tiến tới kiểm soát các yếu tố nguy cơ của các bệnh không lây nhiễm, các bệnh liên quan đến môi trường, lối sống, hành vi, dinh dưỡng, bệnh học đường; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia ngành y tế.
Phẫu thuật tim tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Từ Thành |
Ngành tập trung phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến; phát triển y tế phổ cập, bác sĩ gia đình, coi trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao phủ y tế toàn dân kết hợp với phát triển y tế chuyên sâu; tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi; phát triển y tế ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa tại các đơn vị công lập, tăng cường phối hợp công - tư; tăng cường kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe.
Ngành sẽ chú trọng phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng; tăng cường nhân lực y tế cho khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và một số chuyên khoa; chú trọng phát triển nhân lực y tế có trình độ cao, phấn đấu tiến tới đạt cơ cấu hợp lý giữa bác sỹ và điều dưỡng, kỹ thuật viên... bảo đảm cân đối giữa đào tạo và sử dụng hiệu quả nhân lực y tế, coi trọng bồi dưỡng y đức.
Tiếp tục thực hiện các Đề án quan trọng về sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị trong ngành, cụ thể như: Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2021 và những năm tiếp theo; Đề án thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở sát nhập 6 trung tâm; Đề án sát nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tuyến huyện vào Trung tâm Y tế tuyến huyện.
Kiểm tra tiến độ xây dựng mô hình điểm tại Trạm y tế xã Nam Thái (Nam Đàn). Ảnh: Thành Chung |
Ngành thực hiện các giải pháp giúp đảm bảo quy mô dân số ở mức ổn định, chủ động duy trì mức sinh hợp lý, khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng đủ nhu cầu dịch vụ kế hoạch hóa gia đình của người dân, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản có chất lượng, tăng cường lồng ghép các yếu tố về dân số vào hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả; chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế...Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 29/1/2018 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đẩy mạnh việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ tài chính trong ngành y tế, tham mưu tăng nhanh đầu tư công cho y tế, phát triển y tế toàn dân; sử dụng nguồn tài chính y tế hiệu quả để giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế...Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, máu, chế phẩm máu và trang thiết bị y tế có chất lượng với giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá sự hài lòng người bệnh tại Bệnh viện Đa Khoa Tây Nam. Ảnh: Từ Thành |
Ngoài ra, ngành tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng y tế, nhất là công trình y tế trọng yếu, tạo điều kiện để phát triển chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật cao. Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện các chương trình, mục tiêu y tế; phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin có tính thống nhất quy hoạch; đảm bảo tính kết nối dọc, kết nối ngang trong toàn ngành y tế. Nâng cao năng lực quản lý và năng lực thực hiện chính sách y tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển hệ thống thông tin y tế đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển ngành y tế.
Để đạt được kết quả cao, trong thời gian tới, ngành Y tế Nghệ An ra sức phát huy tính dân chủ, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở, tranh thủ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, của cấp ủy và UBND các cấp, tạo sức mạnh để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng đã đề ra../.