Tướng Cương: Việt Nam là “nhịp cầu nối những bờ vui” của các quốc gia

Đức Chuyên (Thực hiện) 28/02/2019 19:55

(Baonghean.vn) - Đó là một trong những nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an trao đổi với P.V Báo Nghệ An về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tổ chức tại Hà Nội.

Hai ông bắt tay một lần nữa khi ngồi xuống bàn.
"Chúng ta đã vượt qua tất cả những thách thức và chúng ta đã tới đây hôm nay", ông Kim nói với Tổng thống Trump khi hai nhà lãnh đạo ngồi xuống để bắt đầu trò chuyện ngày 27/2 tại Hà Nội. Ảnh: AP.

Cuộc gặp thượng đỉnh đã có kết quả

P.V: Chiều 28/2/2019, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội đã kết thúc. Dư luận quốc tế đã có những đánh giá, nhận xét khác nhau về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này. Với vai trò là một nhà nghiên cứu, Thiếu tướng đánh giá về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh lần này như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về vấn đề này, theo quan điểm của tôi, chúng ta phải bắt đầu từ thực trạng quan hệ Mỹ - Triều, để đánh giá cuộc họp thượng đỉnh lần này là thành công hay thất bại. Để có một hệ quy chiếu nhất định và dựa vào hệ quy chiếu đó để chúng ta đánh giá khách quan và tránh được sự cảm tính.

Tôi cho rằng 66 năm nay, kể từ 1953 đến nay, Hoa Kỳ và Triều Tiên đứng hai bên bờ chiến tuyến, họ coi nhau là kẻ thù. Triều Tiên tìm con đường phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo để buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán với họ. Riêng chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã tồn tại khoảng 20 năm nay rồi.

Và từ ngày 12/6/2018 trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra một tuyên bố chung mang tính chính trị. Hai bên cam kết sẽ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng rất tiếc tuyên bố này không có những điểm ràng buộc cụ thể, không có lộ trình, bước đi, không có giải pháp để thanh tra, kiểm sát, kiểm chứng, nên sau hơn 7 tháng quá trình phi hạt nhân hóa vẫn chững lại. Trong bối cảnh đó họ buộc phải gặp nhau, mà phần chủ động thuộc về Tổng thống Trump.

Ông Kim Jong-un từng tuyên bố chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã hoàn thành sứ mệnh
Ông Kim Jong-un từng tuyên bố chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã hoàn thành sứ mệnh.

Nếu căn cứ vào mục đích phi hạt nhân hóa để đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 này, thì rõ ràng là chưa có kết quả. Nhưng nếu lấy mục đích dài hạn cho hàng chục năm, để đặt vào một cuộc họp thượng đỉnh rồi cho là không thành công, tôi cho như vậy là không hợp lý, không khách quan và không thực tế. Bởi quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên phải diễn ra trong một lộ trình, với độ dài thời gian ít ra cũng bằng độ dài 50% thời gian mà Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân (khoảng từ năm 1994 đến bây giờ).

Tôi nghĩ rằng quá trình phi hạt nhân hóa này sẽ diễn ra trong một chặng dài, trong một, hai nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ. Yêu cầu chỉ trong một cuộc họp thượng đỉnh để giải quyết những chuyện đã tồn đọng hơn nửa thế kỷ, những vấn đề tích dồn trong hai thập niên là không thực tế. Nhưng khách quan mà nói rằng, nếu như trong chiều 28/2/2019, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký một tuyên bố chung thì cuộc gặp này sẽ trọn vẹn.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Tuy họ không ký tuyên bố chung, nhưng họ vẫn cam kết với nhau bằng miệng những vấn đề lớn. Đó là thống nhất, quyết tâm tìm kiếm giải pháp hợp lý, thỏa đáng, đạt mục đích phi hạt nhân hóa.

Thứ hai, họ cam kết cả Hoa Kỳ và phía Triều Tiên tiếp tục nghiên cứu những đề xuất từ phía bên kia để có cách, tìm giải pháp mỗi bên đều xuống thang, nhân nhượng, đáp ứng một phần nào đấy yêu cầu của phía đối phương.

Điều thứ ba, chiều 28/2/2019, họ tiếp tục cam kết duy trì đối thoại ở nhiều cấp. Và cam kết cuối cùng của hai nhà lãnh đạo là bằng những công việc cụ thể để duy trì không khí hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, trước mắt là trong các năm 2019, 2020, 2021.

Họ cũng đã cam kết với nhau là phía Triều Tiên không thử vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo. Phía Mỹ sẽ không tập trận, xem xét những đề nghị từ phía Triều Tiên là gỡ bỏ một phần cấm vận, không để vũ khí hạt nhân ở Nhật Bản và Hàn Quốc... Và như vậy là cuộc gặp thượng đỉnh lần này là có kết quả, chứ không phải là thất bại.

Bao trùm cuộc gặp này là cộng đồng quốc tế đã chứng kiến mối quan hệ Mỹ - Triều đang duy trì đối thoại, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng lẫn nhau và họ cũng đang đi trên con đường đến đích cuối cùng là phi hạt nhân hóa.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Chính vì thế, theo quan điểm của tôi, không vì không ra được tuyên bố chung mà cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh này không thành công, tất nhiên có tuyên bố chung thì trọn vẹn. Nhưng phải nói rằng nó đã có kết quả thực sự, tiếp tục thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Và đặc biệt là nhân dân Hàn Quốc cũng như Triều Tiên sẽ tiếp tục sống trong không khí hòa bình, hợp tác hữu nghị với nhau trong thời gian tới đây.

Việt Nam đã tổ chức thành công cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều

P.V: Theo thiếu tướng, qua lần tổ chức hội nghị thượng đỉnh này, Việt Nam đã gặt hái được những thành công gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, Việt Nam đã tổ chức hoàn toàn thành công cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Điều này chính thức được Tổng thống Trump xác nhận, được nhà lãnh đạo Kim Jong- un ghi nhận, và quan trọng hơn là gần 3.000 nhà báo quốc tế có mặt tại Hà Nội trong những ngày vừa qua xác nhận: Việt Nam làm hết trách nhiệm của mình để bảo vệ thành công cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Văn phòng chính phủ trưa 27-2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Văn phòng Chính phủ trưa 27/2.

Đặc biệt, thông qua việc bảo vệ an toàn Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này, Việt Nam đã chuyển đến thế giới một thông điệp rằng: Dân tộc Việt Nam là một dân tộc nhân hậu, nước Việt Nam là một nước hòa bình, ổn định. Việt Nam sẵn sàng đón nhận, tạo điều kiện cho mọi quốc gia có những mâu thuẫn, xung khắc với nhau giải tỏa những vướng mắc, khó khăn, lựa chọn Việt Nam làm nơi đối thoại. Việt Nam trở thành một điểm đến lý tưởng cho các diễn đàn cấp cao, song phương, đa phương quốc tế.

Qua Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này, cộng đồng quốc tế đón nhận một hình ảnh về một Việt Nam hòa bình, ổn định, thân thiện, mến khách. Hơn nữa, Nhà nước Việt Nam có đủ trình độ để tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh song phương, đa phương. Và thực tế Việt Nam đã làm được điều này.

Cộng đồng quốc tế đã đặt niềm tin vào Việt Nam, là “nhịp cầu nối những bờ vui”. Việt Nam trở thành nơi có đủ điều kiện hóa giải các mâu thuẫn, các khác biệt giữa các quốc gia.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Báo chí quốc tế ca ngợi "chiến thắng ngoại giao" của Việt Nam sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tổ chức tại Hà Nội. Ảnh minh họa: AFP

Xét trên mọi phương diện thì Việt Nam đã thành công trong việc bảo vệ tuyệt đối an toàn cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ -Triều lần thứ 2. Qua đó, nâng cao vai trò vị thế của Việt Nam. Cộng đồng quốc tế nhìn Việt Nam với một cặp mắt thân thiện, thừa nhận Việt Nam là một quốc gia yêu hòa bình, dân tộc Việt Nam nhân hậu, cởi mở, mến khách. Đó là thắng lợi lớn nhất của Việt Nam thông qua tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này.

P.V:Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Đức Chuyên (Thực hiện)