Huyện miền núi Nghệ An huy động toàn bộ thú y viên cơ sở kiểm soát điểm giết mổ lợn

Xuân Hoàng - Quang An - Bá Hậu 06/03/2019 15:23

(Baonghean.vn) - Huyện Nghĩa Đàn giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa, nơi đang xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Trong khi chưa có lò mổ gia súc tập trung, địa phương này đang kiểm soát chặt các điểm giết mổ lợn nhỏ lẻ.

Có mặt tại chợ Nghĩa Hội, xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) sáng 6/3, chúng tôi thấy mặt hàng thịt lợn vắng khách, thỉnh thoảng mới có một vài người đến hỏi mua. Hiện trong khu vực chợ có trên 10 hàng thịt lợn đang bày bán.

Thịt lợn vắng khách tại chợ Nghĩa Hội, xã Nghĩa hội, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Quang An

Thịt lợn vắng khách tại chợ Nghĩa Hội, xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn). Ảnh: Quang An

Bà Trần Thị Hà, chủ hàng thịt lợn cho biết: Mỗi ngày vợ chồng bà mổ 1 - 2 con lợn. Toàn bộ sản phẩm thịt lợn mang ra chợ bán lại cho các tiểu thương trong chợ. Trước khi mổ lợn, có cán bộ thú y xã đến kiểm tra lợn, sau đó cấp giấy kiểm dịch. Trước đây chưa có dịch tả lợn châu Phi, giá thịt lợn 85.000 đồng/kg, mỗi phiên chợ bán 40 - 45 kg thịt, nhưng mấy ngày nay mặc dù dịch tả lợn chưa xảy ra ở Nghệ An, nhưng người tiêu dùng đã e dè với thịt lợn, vì thế, giá thịt lợn đã giảm xuống còn 80.000 đồng/kg, nhưng rất khó bán.

Theo tìm hiểu, toàn bộ các gian hàng thịt lợn trong chợ Nghĩa Hội đều có giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thú y của cơ quan thú y cấp trong ngày. Tuy nhiên, trên sản phẩm thịt lợn lại không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.

Giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thú y được cấp cho các điểm giết mổ lợn nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Quang An

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn, trên địa bàn huyện hiện chưa có lò giết mổ tập trung, nhưng có tới 70 điểm giết mổ nhỏ lẻ tại gia đình. Chính vì vậy, công tác kiểm dịch rất khó khăn. Thời điểm dịch tả lợn đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là tỉnh sát bên Thanh Hóa, huyện Nghĩa Đàn chỉ đạo các ngành chuyên môn đẩy mạnh công tác phòng dịch tả lợn châu Phi bằng cách, kiểm soát vận chuyển lợn ra vào địa bàn và giết mổ lợn. Toàn bộ đội ngũ thú y các xã trên địa bàn huyện được giao nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát giết mổ gia súc trên địa bàn xã phụ trách.

Hàng ngày người dân vẫn vận chuyển lợn thịt qua lại trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, do vậy cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt. Ảnh: Xuân Hoàng

Hàng ngày, người dân vẫn vận chuyển lợn qua lại trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, do vậy, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt. Ảnh: Xuân Hoàng

Ngày 53/3, UBND huyện Nghĩa Đàn ra Quyết định thành lập tổ công tác lưu động liên ngành kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát, không để vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc từ huyện khác vào địa bàn huyện Nghĩa Đàn trong thời gian có dịch tả lợn châu Phi. Kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật đối với các trường hợp cơ sở giết mổ lợn, các cơ sở mua bán lợn, thịt lợn trên địa bàn toàn huyện. Trường hợp phát hiện lợn bệnh, chết do bệnh thì lấy mẫu đi xét nghiệm và xử lý theo quy định.

Cơ quan chức năng chốt chặn, phun hóa chất khử trùng tại chốt kiểm dịch Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn)) trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Hoàng

Cơ quan chức năng chốt chặn, phun hóa chất khử trùng tại chốt kiểm dịch xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn)) trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Hoàng

Ở Con Cuông, các trang trại, gia trại cũng đang phòng chống dịch. Tại trang trại lợn của gia đình anh Phan Đức Chiến ở bản Kẻ Sùng, xã Mậu Đức đã được phun khử trùng tiêu độc theo đúng quy trình; tăng cường theo dõi đàn lợn và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm bảo vệ an toàn cho đàn lợn.

Toàn huyện Con Cuông hiện có gần 30 nghìn con lợn với hơn 15 trang trại chăn nuôi quy mô từ 10 - 150 con. Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, huyện chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật, tập trung vào dịch tả lợn châu Phi đến từng thôn, bản, hộ chăn nuôi nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nhanh khi có ổ dịch phát sinh; chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay tại địa phương.

Phun độc khử trùng tại các trang trại lợn ở xã Mậu Đức (Con Cuông). Ảnh: Bá Hậu

Huyện đã ban hành các chỉ thị, đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát, tuyệt đối cấm không để các lái buôn đưa lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn; buộc tiêu hủy ngay cả đàn khi phát hiện chỉ một con lợn trong đàn, hay các đàn lân cận nhiễm bệnh; cấm vận chuyển lợn ra vào vùng đã nhiễm bệnh.

Xuân Hoàng - Quang An - Bá Hậu