Giúp giới trẻ giác ngộ điều đẹp đẽ, hướng thiện
(Baonghean) - Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ trên địa bàn Nghệ An đang tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cộng đồng ở trong các chùa; điều đó giúp họ được giác ngộ những điều đẹp đẽ, học hỏi cách hướng thiện “cho đi mà không cần nhận lại”.
Sống đẹp là được "cho đi mà không cần nhận lại"
Trong lễ cầu quốc thái dân an tại chùa Đức Hậu (TP. Vinh), chúng tôi được chứng kiến rất nhiều nam, nữ thanh niên tuổi chỉ từ 18, 20 thực hiện những phần việc với tên gọi là công tác phật sự rất nhuần nhuyễn. Được biết, đây là các phật tử đã quy y tu tập tại chùa Đức Hậu từ nhiều năm, yêu thích các hoạt động trong nhà chùa và tìm thấy nhiều ý nghĩa khi được đồng hành với ban quản lý nhà chùa trong các hoạt động phật sự và hoạt động thiện nguyện.
Lễ Khai bút và cho chữ đầu Xuân được chùa Đức Hậu tổ chức trang nghiêm, ý nghĩa. Thu hút rất nhiều phật tử và nhân dân trên địa bàn tham gia. Đây là nét đẹp văn hóa của dân tộc, thể hiện ước vọng về những điều an lành, thuận lợi trên con đường học hành, thi cử. Ảnh: Đức Anh |
“Gia đình vườn Tuệ” là tổ chức hội thanh niên Phật giáo tại chùa Đức Hậu, có hơn 100 thanh niên tuổi từ 16 – 25 tham gia. Nguyễn Thành Nam - một phật tử của nhà chùa cho biết: “Em tình cờ được gặp Đại đức trụ trì trong một lần vào chùa và được nhà chùa bao bọc, che chở. Từ đó em cảm thấy đây chính là ngôi nhà thứ hai của mình. Ngôi nhà cho em sự bình yên, cho em thấy được cần phải biết yêu thương những người xung quanh mình để nhận được những yêu thương từ người khác”. Nam kể, em như được sinh ra lần thứ hai, vì trước đó em là người khiến bố mẹ phiền lòng, không có việc làm ổn định. Vào chùa em được sư thầy phân công vào các ban công tác tổ chức, từ đó em ngấm dần những việc làm tốt, những cách suy nghĩ tích cực, và em đã thay đổi hoàn toàn, cuộc đời cũng vì thế rẽ sang con đường mới tươi sáng. Em còn lấy được vợ cũng là phật tử lâu năm tại “vườn Tuệ”. Tại chùa Đức Hậu còn có nhiều phật tử tình cờ đến chùa vì những lý do khác nhau, nhưng chung nhất là các bạn muốn được giác ngộ, hồi hướng tâm linh để thấy mình cần được sống chậm, cần được “cho đi” nhiều hơn.
Phật tử "Gia đình Vườn Tuệ" trong buổi lễ cầu quốc thái dân an. Ảnh: Đức Anh |
Sư thầy Thích Định Tuệ - trụ trì chùa Đức Hậu cho biết: “Gia đình vườn Tuệ” là tên gọi mà tôi đặt với ngụ ý, mỗi bạn trẻ sinh hoạt tại chùa chính là những đứa con trong gia đình lớn. Đã là con thì cha mẹ phải hướng cho con tìm thấy giá trị chân - thiện - mỹ để sống đẹp hơn, có trách nhiệm hơn. Vì thế mỗi phật tử trong “Gia đình vườn Tuệ” đều luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, trách nhiệm từ trong suy nghĩ đến hành động”. Mỗi tháng nhà chùa lại tổ chức các khóa tu để thuyết giảng những giáo lý nhà Phật cho các nam, nữ thanh niên. Các bạn trẻ sẽ được nghe giảng về thuyết nhân quả, trong đó chú trọng về sự công bằng trong cuộc sống, về việc đề cao chiến thắng bản thân mình, từ đó mà tìm ra cho mình một cách suy nghĩ và hành động tốt đẹp nhất. “Sao cho để tâm được thanh tịnh, không phải hối tiếc khi nhìn lại quãng thời gian ta đã đi qua” - Sư thầy Thích Định Tuệ nói.
Phật tử chùa Viên Quang tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Nhà chùa cung cấp |
Dạy Phật Quang Quyền miễn phí tại chùa Viên Quang, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn. Ảnh: Huy Thư |
Tại chùa Viên Quang hằng năm đều tổ chức các khóa tu cho đại chúng, điều rất đáng trân trọng là trong cái không gian tĩnh đó, có rất đông các bạn trẻ tham gia. Họ đến đây không phải vì tò mò, mà với họ đó là một nhu cầu, một cách mà họ muốn được chiêm nghiệm bản thân. Thượng tọa Thích Chân Quang trong một lần giảng pháp tại nhà chùa cho biết: “Bạn trẻ vào chùa mà hiểu biết nhiều về giáo lý nhà Phật thì không nhiều, nhưng bằng những việc làm, bằng sự lan tỏa những chân lý về giá trị cốt lõi của cuộc sống khi được nghe giáo lý thì dần dà họ bị hấp dẫn. Và dĩ nhiên khi họ đã vào chùa có nghĩa là được định hướng để khi ra ngoài cuộc sống họ cư xử, hành động có lý trí và có niềm tin về cái đẹp trong cuộc đời”.
Lan tỏa điều tốt đẹp ra cộng đồng
Phật tử chùa Chí Linh xã Xuân Thành - Yên Thành trao tặng cầu vượt lũ cho người dân bản Lưu Tân - xã Nậm Cắn - Kỳ Sơn. Ảnh: Nhà chùa cung cấp. |
Cũng theo đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Nghệ An thì: “Đến nay các phật tử là các bạn trẻ của các nhà chùa là thành viên tích cực trong công tác phật sự, họ là nhân tố tích cực lan tỏa những điều tốt đẹp ra cộng đồng. Họ cũng là những thành viên tích cực trong các phong trào tại địa phương như xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư... Vì thế với phật tử là thanh niên chúng ta sẽ có những cách thuyết giảng và thu hút các bạn vào các hoạt động có tính lan tỏa cao trong cộng đồng. Từ đó giáo dục lòng yêu nước, tình yêu quê hương, dân tộc... ”.
Hàng vạn người tham gia Lễ cầu Quốc thái dân an tại chùa Đức Hậu. Ảnh: Đức Anh |
Trong những năm gần đây Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An và các nhà chùa đã vận động các nhà hảo tâm, tăng ni, phật tử tích cực ủng hộ, tham gia các hoạt động thiện nguyện; từ năm 2011 đến nay đạt trên 25 tỷ đồng, góp phần đưa hình ảnh Phật giáo xứ Nghệ đi vào lòng quần chúng một cách thân thiện.Trong đó, các phật tử có độ tuổi từ 16 - 30 là nhân tố tích cực.
Nhiều phần quà đã được phật tử chùa Đức Hậu trao trong chương trình "Vui trung thu - Cùng em đến trường" năm 2018. Ảnh: Thành Cường |
Điển hình như chùa Đức Hậu hằng năm đã huy động được hàng trăm triệu đồng để thực hiện công tác thiện nguyện cho trẻ em vùng cao, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sư thầy Thích Ninh Lâm ở chùa Đức Hậu, cho biết: “Mỗi năm chúng tôi tổ chức từ 5 - 10 chuyến thiện nguyện tới các vùng sâu, vùng xa, và các bạn trẻ là những người tiền trạm liên lạc, đồng thời là những thành viên tích cực tham gia các chuyến đi. Và rất mừng là mỗi năm lại có thêm nhiều bạn đăng ký tham gia”.
Những bạn trẻ tại gia đình “vườn Tuệ” chùa Đức Hậu trong buổi học giáo lý.Ảnh: T.C |
Thượng Tọa Thích Chân Quang cho biết: “Người trẻ thường có nhiều cảm xúc và ham muốn, thuyết vô thường trong đạo Phật có thể giúp người trẻ chuyển hóa được những tham sân si. Bởi khi thấm nhuần ý nghĩa rằng, mọi thứ trên đời đều không có gì là mãi mãi thì họ sẽ biết cho đi mà không đòi hỏi nhận lại những điều tương xứng. Hơn nữa người trẻ, với kiến thức của mình, kết hợp thực tập giải thoát khỏi sự thiếu sáng suốt trong nhận định sự vật, sự việc, thì họ sẽ có trí tuệ sáng suốt để làm những việc có lợi cho chính bản thân, biết đi con đường đúng đắn, từ đó đóng góp hữu ích cho cộng đồng. Vì thế việc những người trẻ quy y trở thành phật tử để tham gia các hoạt động trong nhà chùa là điều rất đáng khích lệ, biểu dương…”.