Nhu cầu đến với đạo Phật của phụ nữ

Sỹ Hào 11/03/2019 10:29

(Baonghean) - Trong văn hóa Việt, chùa luôn là nơi đến gần gũi với phụ nữ. Người phụ nữ lựa chọn đi chùa để đáp ứng nhu cầu tâm lý, tâm linh và đời sống tinh thần của mình, vừa để giảm tránh những khó nhọc, mất mát, thua thiệt trong cuộc sống hàng ngày, vừa tìm nơi chia sẻ với bạn bè, với phật tử.

Đi chùa để thanh thản

Chính vì vậy nên dễ dàng nhận ra trong các đoàn người đi lễ chùa, dù dịp lễ, Tết hay ngày thường thì phụ nữ vẫn chiếm phần lớn hơn.

Theo một thống kê sơ bộ trên báo chí, hiện nay Nghệ An có 55 ngôi chùa lớn được Giáo hội Phật giáo quan tâm và có quyết định nhà sư trụ trì quản lý, thu hút hơn 50 ngàn phật tử thường xuyên đi lễ. Con số này có lẽ còn khiêm tốn, bởi bên cạnh đó thì có hàng vạn người vẫn đi lễ chùa nhưng họ chưa nhận mình là phật tử. Phụ nữ chiếm một tỷ lệ áp đảo trong số người đi lễ chùa. Đặc biệt, ở các vùng có nhiều ngôi chùa cổ, vốn là những nơi phật giáo phát triển khá lâu đời như ở TP Vinh, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương,... thì số lượng phụ nữ đi chùa càng nhiều hơn.

Nhiều vùng ở Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TP Vinh, nhiều người phụ nữ còn tập hợp thành các nhóm bạn đi chùa, không chỉ thường xuyên lên chùa gần nhà lễ Phật, mà dịp đầu năm còn tổ chức thuê xe để cả nhóm cùng đi hành hương qua nhiều chùa khác nhau.

“Việc đi chùa lễ là rất tốt, nhất là đối với những người phụ nữ đã khá lớn tuổi. Sau bao năm vất vả lo cho gia đình, giờ họ cần được nghỉ ngơi, đi chùa để cho tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng, không phải giận hờn, cáu gắt với con cháu. Tôi và những người bạn trong nhóm bạn đi chùa thường xuyên tham gia đi làm từ thiện với nhà chùa, đọc kinh niệm Phật để cầu an yên cho cả gia đình. Hay nhiều khi, chỉ đơn giản là lên chùa để mình cảm thấy an yên, nhẹ nhõm, tránh được sự bon chen, ồn ào của cuộc sống, cũng là tránh được nhiều bệnh tật, tránh tai biến...”.

Bà Liên (Yên Thành)


Lễ Vu Lan ở một ngôi chùa thu hút đông đảo phật tử là phụ nữ. Ảnh:  Thành Cường
Lễ Vu Lan ở một ngôi chùa thu hút đông đảo phật tử là phụ nữ. Ảnh: Thành Cường

Trong một cuộc khảo sát nhỏ với 116 người phụ nữ có độ tuổi từ 16 đến 70 sống ở TP Vinh và huyện Yên Thành thì có 98 người đi lễ chùa vào tháng Giêng (chiếm hơn 84%), trong đó có 67 người thường xuyên đi chùa, còn lại mỗi năm chỉ đi lễ chùa 1-4 lần. Xét về nghề nghiệp, những người làm nghề buôn bán, kinh doanh tự do là đi chùa nhiều nhất, sau đó là các viên chức nhà nước (cả đang làm việc lẫn về hưu) rồi đến những người khác.

Về mục đích, hầu hết lên chùa làm lễ đều để cầu an, cầu phúc cho gia đình, một số còn thêm cầu tài, cầu lộc, một số chỉ lên chùa vãn cảnh. Điểm chung là hầu hết đều đi theo các nhóm. Nhiều người già thường chọn đi lễ chùa ở gần nhà và đi thường xuyên hơn.

Già rồi nên đi chùa cho thanh thản. Giờ các việc nặng không làm được nữa, nên đi chùa để cho bản thân thoải mái hơn, vừa cầu mong Đức Phật phù hộ, che chở cho con cháu, gia đình được bình an, hạnh phúc. Nhất là trong tháng Giêng thì càng nên lên chùa lễ Phật, cầu cho gia đình cả một năm bình an vô sự”

Bà Khánh, 69 tuổi ở TP Vinh

Tất nhiên, hiện nay, đi chùa không chỉ là thói quen của mỗi người già. Nhiều bạn nữ trẻ tuổi cũng lựa chọn đi lễ chùa vào dịp đầu Xuân.

“Đi chùa mình thấy thoải mái hẳn. Quanh năm buôn bán, chạy đôn chạy đáo khắp nơi, bon chen với cơm áo, với công việc, có lúc được, có lúc mất nhưng luôn phải lo lắng. Chỉ có vào chùa thì thấy mình nhẹ nhõm hơn. Vậy nên hàng tháng vẫn đi lễ chùa. Tháng Giêng thì mình đi hầu hết các chùa trong tỉnh mà mình biết đến, để cầu mong cả gia đình được một năm may mắn, hạnh phúc”.

Giang, một cô gái 21 tuổi, trong dịp đi lễ ở chùa Chí Linh (Yên Thành)

Hướng tới chân, thiện, mỹ

Về vai trò người phụ nữ, khi đến với nhà chùa, người phụ nữ có cơ hội thể hiện được đầy đủ hơn vai trò giới nữ của họ đối với xã hội theo nguyên tắc "Tích Thiện" của Phật giáo. Đó là họ có cơ hội thể hiện tình thương yêu, bao che, đùm bọc về tâm linh cho các thành viên trong gia đình.

Hơn nữa, họ có thể tham gia làm từ thiện cho xã hội mà nhà chùa (đại diện) tổ chức (như làm chấp tác giúp nhà chùa những ngày sóc, vọng hay giỗ Tổ..., tham gia truyền bá lợi ích ăn chay, phát cháo từ thiện tại các bệnh viện, đi thăm và giúp đỡ học trò nghèo và bà con các vùng bị thiên tai... Điều này giúp người phụ nữ cảm thấy mình có ý nghĩa tích cực hơn trong gia đình và xã hội.

Lễ cầu an tại chùa Đức Hậu, Tp Vinh. Ảnh: Đức Anh

Có thể nói Phật giáo bày vẽ cho người phụ nữ biết thể hiện vai trò tích cực (thiện tính) nhưng không dạy họ đòi hỏi gì từ xã hội và gia đình, nên hầu như khi đến với nhà chùa họ không hề bị ai phản đối, hay bêu xấu... Thật bình yên khi họ vẫn là họ, và cả gia đình và xã hội đều chấp nhận điều họ làm ở chùa là tốt, là Thiện!

Về kinh tế, người phụ nữ tìm thấy cộng đồng chia sẻ kinh tế với họ dễ dàng hơn: khi thiếu thốn nhà chùa sẵn sàng cưu mang, chia sẻ, dù là bữa cơm chay hay giúp việc trong chùa. Khi làm ăn được ít thì họ tự nguyện, tùy tâm đóng góp một chút "dầu đèn" cho nhà chùa, hoặc có thể đóng góp để làm chuông chùa, sửa cổng chùa, chống dột mái chùa,... mà không có quy định bắt buộc nào cả.

Lý giải về nguyên nhân làm cho chùa chiền và Phật giáo trở nên gần gũi với phụ nữ hơn, TS Đặng Hoàng Giang (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng: Phụ nữ trước nay đang thuộc về nhóm yếu thế trong xã hội và nhìn chung dễ tổn thương, chịu nhiều thiệt thòi nên họ luôn cần tôn giáo bảo hộ cho đời sống tinh thần của mình, cho gia đình mình và những người mình yêu thương. Trước năm 1945, đình nghiễm nhiên là nơi độc quyền của nam giới, còn chùa đền là không gian của nữ giới. Phụ nữ gần gũi với chùa từ lâu đời và chùa cũng mang tính nữ nhiều hơn các không gian thiêng khác. Hơn nữa, do đặc trưng tâm lý, nữ giới thường có xu hướng quan sát và cảm nhận cuộc sống bằng cảm xúc nên nữ dễ đồng cảm với đạo Phật hơn. Ở Việt Nam hiện nay, nữ đi tu và thuyết pháp về đạo Phật nhiều. Công nghệ đã mang tiếng nói của họ đến nữ giới nhiều hơn nên thu hút được nhiều người tham gia.


Xin chữ đầu năm tại các đền, chùa thu hút nhiều người tham gia. Ảnh Thành Cường
Xin chữ đầu năm tại các đền, chùa thu hút nhiều người tham gia. Ảnh Thành Cường

Trong khi đó, với cái nhìn theo chiều sâu hơn, PGS.TS Hoàng Thị Thơ (nguyên Trưởng phòng Triết học Phật Giáo, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phân tích rõ hơn trên nhiều khía cạnh. Về tâm lý, tâm linh, phái nữ tỏ ra nhạy cảm, yếu đuối, dễ tổn thương hơn nam giới...; thường ai nói gì cũng dễ nghe theo, hay làm theo phong trào, kể cả khi không hiểu gì. Chẳng hạn, khi chưa có gia đình riêng, còn ở cùng cha mẹ thì con gái hay theo mẹ, theo bà lên chùa hơn là con trai. Lớn lên một chút, đi học và khi vướng mắc chuyện tình cảm riêng tư ở tuổi thanh nữ hầu như không có tư vấn đặc biệt nên cũng theo bạn bè lên chùa cầu xin, van vái về chuyện học hành và cầu duyên. Đây là một mảng tâm lý của thanh thiếu niên bị gia đình, nhà trường và cả xã hội bỏ trống, các em phải tự mò mẫm..

Đến được với nhà chùa tốt là một may mắn vì trong giáo lý Phật giáo cũng có đôi chút hướng dẫn về làm chủ cái Tâm và phân tích nguồn gốc của mọi đau khổ là do Vô minh (ngu dốt) mà nảy sinh tham, sân, si nên tự mình chuốc lấy khổ... Song khi đến với nhà chùa, nhiều cô đã theo luôn Phật giáo và trở thành tu sĩ... khi thấy vào đó có thể ẩn được (chưa hẳn là giải quyết được) bế tắc của cuộc sống.


Ảnh Thành Cường
Lễ thắp nến tri ân ngày Thương binh liệt sỹ 27/7. Ảnh: Thành Cường

Về nghệ thuật, Phật giáo hướng đích vào nội tâm nên cả văn học, hội họa và kiến trúc đều có vẻ không ồn ào, mà hoài cổ, chia sẻ sự chiêm nghiệm nên khi chị em đến với Phật giáo họ cũng dễ dàng được chia sẻ, thậm chí có thể tự thể nghiệm.

Đặc biệt trong các lễ hội làng thường gắn liền với trung tâm văn hóa làng là Đình và Chùa. Nhiều môn chơi có tính nghệ thuật dân gian được thêm vào nội dung và các loại hình nghệ thuật của lễ hội (nấu ăn, ẩm thực, đặc sản, làng nghề... dân ca...) và rất cần sự góp mặt của chị em thanh nữ cũng như các nghệ nhân nữ lớn tuổi.

Như vậy, phụ nữ đi chùa đầu năm là một hoạt động mà họ hướng đến nhiều giá trị. Ngoài cầu phúc cầu an cho gia đình, họ cũng muốn khẳng định giá trị bản thân, được thể nghiệm khách quan đời sống cũng như về cuộc sống nội tâm.

Nói tóm lại, phụ nữ ngày nay đi lễ chùa ngày càng đông hơn là một biểu hiện quay về nguồn của văn hóa Phật giáo, bởi những người phụ nữ có mối quan hệ gắn bó với đạo Phật từ lâu trong lịch sử. Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày càng phức tạp, con người phải đối diện với nhiều rủi ro thì việc đi chùa càng giúp người ta giải tỏa tâm lý lo lắng, nên xu hướng đi lễ chùa có lẽ sẽ còn tăng trong tương lai gần.


Sỹ Hào