Người tiêu dùng cẩn trọng hơn khi mua thịt lợn thay vì tẩy chay

Thanh Phúc 11/03/2019 17:17

(Baonghean.vn) - Tính đến ngày 11/3, dịch tả lợn châu Phi đã lan trên diện rộng tại 13 tỉnh, thành trong cả nước. Nghệ An mặc dầu chưa xuất hiện dịch nhưng người tiêu dùng không khỏi băn khoăn. Tuy nhiên, thay vì tẩy chay, người tiêu dùng cẩn trọng hơn khi chọn mua thịt lợn và các sản phẩm từ lợn.

Không tẩy chay thịt lợn, người tiêu dùng cẩn thận hơn khi tìm mua thịt có nguồn gốc, có kiểm dịch. Ảnh: Thanh Phúc
Không tẩy chay thịt lợn, người tiêu dùng cẩn thận hơn khi tìm mua thịt có nguồn gốc, có kiểm dịch. Ảnh: Thanh Phúc

Thịt lợn là món ăn quen thuộc, thường xuyên có mặt trong thực đơn hàng ngày của các gia đình và các nhà hàng, quán cơm. Bà Nguyễn Thị Bùi, người dân phường Đông Vĩnh (TP. Vinh) cho biết: "Thịt lợn là món dễ chế biến, hợp khẩu vị với mọi thành viên trong gia đình. Giờ có dịch, dù rất ngại khi mua thịt lợn để chế biến món ăn nhưng nếu không ăn thịt lợn thì cũng chẳng biết ăn gì khác. Chỉ mong các cơ quan chức năng làm tốt công tác kiểm dịch, đảm bảo thịt lợn ở chợ là lợn khỏe mạnh, không mắc dịch bệnh”.

Không chỉ các bà nội trợ e ngại, chủ các cửa hàng ăn uống cũng khá cẩn trọng khi chọn mua thịt lợn về làm thực đơn hàng ngày. Anh Nguyễn Hữu Tuất, chủ một quán cơm bình dân ở thị trấn Dùng, Thanh Chương cho biết: "Thịt lợn giá thành thấp, hợp với thực đơn cơm bình dân nhất. Những ngày qua, khi thông tin dịch tả lợn châu Phi lan rộng ở các tỉnh, thành, một số thực khách “né” không gọi thịt lợn trong khẩu phần ăn của mình, song phần đa vẫn chọn thịt lợn là món chính. Giờ đi chợ phải đặt thịt của những người quen, có dấu kiểm dịch hẳn hoi. Nhiều nhà ở nông thôn còn góp tiền “đụng” lợn để đảm bảo an toàn”.

Một số trường học trên địa bàn tỉnh có tổ chức bán trú cho học sinh cũng đã “loại” thịt lợn ra khỏi thực đơn hàng ngày với lý do: “Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp nên nhà trường ngừng chế biến các thực phẩm từ lợn và thay thế bằng nguồn thực phẩm khác”.

Tuy nhiên thực tế ở các chợ, mọi hoạt động buôn bán thịt tại các chợ dân sinh vẫn diễn ra bình thường dù giá thịt lợn có giảm và tiêu thụ chậm hơn.

Điều đáng ghi nhận là người tiêu dùng đã cẩn trọng hơn khi lựa chọn mua sản phẩm từ thịt lợn; chọn mua ở địa chỉ uy tín, có dấu kiểm dịch, có nguồn gốc hoặc mua tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị; tránh mua ở các điểm bán lẻ trôi nổi...

Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, cần chế biến kỹ, đảm bảo vệ sinh khi ăn thịt lợn, tránh ăn gỏi, ăn nem chạo, tiết canh... Ảnh: Thanh Phúc
Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, thịt lợn để ăn trong thời điểm đang có dịch cần được chế biến kỹ, đảm bảo vệ sinh, tránh ăn gỏi, ăn nem chạo, tiết canh lợn... Ảnh: Thanh Phúc

Theo chuyên gia y tế, dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người, nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Về nguyên tắc, tất cả các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản mắc bệnh đều phải tiêu hủy để tránh gây bệnh. Do đó, người tiêu dùng cần bình tĩnh, thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và tiếp nhận thông tin chính thống thay vì thông tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội để rồi lo lắng thái quá.

Hiện, các cơ quan chức năng của tỉnh đang tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống bệnh dịch, ngăn chặn tình trạng tuồn lợn từ vùng có dịch nên người tiêu dùng có thể yên tâm, nhất là khi mua thực phẩm đã được kiểm dịch, rõ nguồn gốc.

Thanh Phúc