Còn nhiều “sạn” trong hoạt động lễ hội

Nhóm PV - CTV 14/03/2019 15:42

(Baonghean.vn) - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều lễ hội diễn ra, thu hút đông đảo người dân bản địa và du khách thập phương. Họ đến với lễ hội để mong được tắm mình trong không gian linh thiêng với những hoạt động mang tính cộng đồng đặc sắc. Tiếc rằng, nhiều lễ hội đã không tạo được dấu ấn đó.

Thiếu điểm nhấn

Lễ hội đền Pu Nhạ Thầu ở huyện Kỳ Sơn từ lâu được đánh giá là lễ hội tiêu biểu của miền Tây xứ Nghệ. Từ bao đời nay, lễ hội được xem là nơi để bà con thể hiện tinh thần và bản sắc của mình thông qua những hoạt động trong cả phần lễ và phần hội. Hằng năm, Lễ hội đền Pu Nhạ Thầu luôn được người dân trong và ngoài địa phương háo hức chờ đón. Năm 2019, sau khi được trùng tu, tôn tạo, cảnh quan trong khu đền được bài trí rộng và đẹp hơn, thuận tiện cho du khách về dự hội. Cũng như các năm trước, nghi thức phần lễ như: lễ yết cáo, lễ rước, lễ tế trâu, đại tế… đều được tiến hành tương đối bài bản từ hành trình rước kiệu và bài vị đến việc rước trâu về tế lễ.

Năm nay, phần hội tại Lễ hội đền Pu Nhạ Thầu có nhiều thay đổi như: Giảm bớt các lán trại của một số đơn vị, thêm phần uống rượu cần và đốt lửa trại trong đêm thi trang phục người đẹp… Tuy nhiên, các hoạt động này không nằm trong kịch bản. Theo bà Vi Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, đó chỉ là những hoạt động góp vui giúp đồng bào gắn kết hơn. Tuy nhiên, việc thêm và bớt này không làm cho lễ hội thêm phần hấp dẫn bởi cái mà người dân, du khách thập phương mong muốn và chờ đợi chính là việc được hóa thân, tham gia vào các phần chính của lễ hội.

Lễ hội gồm 3 phần chính gồm phần lễ, phần văn nghệ thể thao và phần thi trang phục người đẹp. Trong đó, đối với phần hội, người dân hầu như không hào hứng với các trò chơi tò mạc lẹ, bắn nỏ, ném còn; cũng không thích thú với phần lán trại bởi năm nào cũng là những kịch bản đã nhàm, nhưng lại rất mất công sức, thời gian chuẩn bị. “Riêng phần hội chợ sản vật địa phương được Ban tổ chức kỳ vọng nhiều vì đa số các xã đăng ký các sản phẩm về văn hóa vật thể như túi, khăn, váy thổ cẩm của đồng bào Mông, Thái, Khơ mú, Lào... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sơ suất trong công tác quản lý, quy hoạch khu vực hội chợ nên nhận được những ý kiến phản hồi chưa tích cực”, bà Vi Thị Quyên cho hay.

Nhóm PV - CTV