Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo
(Baonghean.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi tôn giáo đều có những ý nghĩa tốt đẹp, trong đó: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái/Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi/Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”.
Đồng bào các tôn giáo từ xưa đến nay là bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Năm 1952, trong Báo cáo tại Hội nghị lần 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa II, khi đề cập đến Tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Phần lớn đồng bào tôn giáo, nhất là các tầng lớp lao động đều yêu nước kháng chiến”.
Hiện nay, các tôn giáo ở Việt Nam đã xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc. Các tổ chức tôn giáo tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, như: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của đạo Tin lành; “Nước vinh, đạo sáng” của đạo Cao Đài; “Vì đạo pháp, vì dân tộc” của Phật giáo Hòa Hảo...
Các phật tử tại chùa Đại Tuệ. Ảnh: Thành Cường |
Tín ngưỡng, tôn giáo tự do và lương giáo đoàn kết
Một ngày sau khi đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 02/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Chính phủ cách mạng, đó là: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: “TÍN NGƯỠNG TỰ DO VÀ LƯƠNG GIÁO ĐOÀN KẾT” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, Tập 4, Trang 9).
Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc các tôn giáo nước ngoài du nhập vào cùng với những tôn giáo nội sinh đã làm cho bức tranh tôn giáo nước ta ngày càng đa sắc màu, Việt Nam trở thành một quốc gia đa tôn giáo.
Do đó, hơn lúc nào hết, việc đoàn kết tôn giáo, đoàn kết lương giáo đang đặt ra cho chúng ta một nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp. Bởi, mỗi một tôn giáo có tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo, phát triển tín đồ khác nhau, nếu công tác quản lý nhà nước không tốt sẽ dễ dẫn đến nguy cơ mất đoàn kết giữa các tôn giáo, giữa đồng bào theo tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo.
Giáo dân Nghệ An trong một lần đi lễ nhà thờ. Ảnh: Giáo phận Vinh |
Phát huy những điểm tương đồng
Khác với những người cộng sản trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm rất nhân văn và tiến bộ về tôn giáo và những giá trị tích cực của tôn giáo đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái/Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi/Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”.
Với Hồ Chủ tịch, những giá trị đạo đức của tôn giáo: bác ái, từ bi, nhân nghĩa… rất phù hợp với đạo đức của truyền thống của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người đã nêu ra sự tương hợp giữa học thuyết các tôn giáo và học thuyết cách mạng.
“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao?
Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy” - (Về Tôn giáo, Nxb KHXH, Hà Nội 1994, Tập 1, Trang 6-7).
Các tôn giáo chân chính trên thế giới, nếu bỏ qua các yêu tố hư ảo, cũng có những tôn chỉ, mục đích tốt đẹp: Phật giáo quan niệm muốn tìm đến chân lý của hạnh phúc là “diệt khổ” để giải thoát, chứng được Niết bàn. Trong đạo đức Kitô giáo, yêu thương được xem là nền tảng, con người trước hết phải yêu Thiên Chúa rồi yêu thương đến bản thân mình. Kinh thánh khuyên con người phải yêu chồng vợ, cha mẹ, con cái, anh em, làng xóm, cộng đồng…
Chúng ta cần có nhận thức khoa học để chấp nhận về những khác biệt để có cách ứng xử phù hợp với các tôn giáo: con đường giải phóng con người của tôn giáo; thế giới quan, nhân sinh quan tôn giáo; đạo đức tôn giáo...