Lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở Quỳnh Lưu?

Xuân Hoàng 18/03/2019 07:48

(Baonghean.vn) - Chỉ trong 4 ngày, từ 12 - 16/3, trên địa bàn xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu đã xảy ra 2 ổ dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, công tác phòng chống dịch ở đây chưa thực sự quyết liệt.

Thú y xã Quỳnh Hoa tắc trách khi có lợn chết?

Gần 16 giờ ngày 16/3, chúng tôi đến điểm chốt kiểm dịch tại địa phận giáp ranh giữa xóm 8, xã Quỳnh Mỹ và xóm 5, xã Quỳnh Hoa, bất ngờ thấy một người đàn ông chở 1 con lợn chết từ ngoài đường vào nhà dân. Sau đó là tiếng cãi nhau của nhiều người dân trong xóm.

Tìm hiểu được biết, người đàn ông chở con lợn chết ấy là anh Nguyễn Ngọc Thắng, con trai của bà Hà Thị Ngại ở xóm 5, xã Quỳnh Hoa.

Người dân xóm 5 phản đối khi gia đình bà Hà Thị Ngại định chôn con lợn chết do bệnh trong vườn nhà. Ảnh: Xuân Hoàng
Người dân xóm 5 xã Quỳnh Hoa phản đối khi gia đình bà Hà Thị Ngại định chôn con lợn chết do bệnh trong vườn nhà. Ảnh: Xuân Hoàng

Lý do hàng xóm to tiếng vì anh Thắng định chôn con lợn chết trong vườn nhà, nên bà con sợ ô nhiễm đến nguồn nước giếng và lây dịch bệnh qua lợn.

Anh Nguyễn Ngọc Thắng cho biết: "Con lợn của gia đình bị chết bệnh từ trưa 16/3, gia đình đã báo với xóm trưởng, sau đó khoảng 1 giờ chiều có thú y xã đến và nói với tôi chôn tại chỗ (tại khu vực trại) chứ không lấy mẫu xét nghiệm. Nhưng do khu vực trại không có đất trống, cùng với tiếc của nên tôi đưa con lợn về nhà để thịt. Vừa khi đó có anh vào (PV) hỏi nên tôi không thịt nữa mà đem chôn lợn ở góc vườn, nhưng bà con phản đối".


Sau khi PV liên lạc với Chi cục Thú y thì cơ quan chuyên môn mới tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy con lợn đó. Ảnh: Xuân Hoàng
Sau khi phóng viên liên lạc với Chi cục Thú y thì cơ quan chuyên môn mới tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy con lợn đó. Ảnh: Xuân Hoàng

Tôi liền liên lạc qua điện thoại với ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu và ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y biết để xử lý.

Ông Minh cho rằng, thời điểm dịch tả lợn đang xảy ra tại huyện Quỳnh Lưu thì dù ở đâu có lợn chết là phải khai báo với chính quyền địa phương, sau đó cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm, tiêu hủy lợn. Phóng viên trao đổi giải thích với anh Thắng, anh Thắng mới để lợn lại để chờ cơ quan thú y đến xử lý.

Ngay sau đó, ông Minh chỉ đạo cơ quan Thú y huyện Quỳnh Lưu giữ con lợn chết lại để lấy mẫu đi xét nghiệm và tiến hành tiêu hủy ngay trong chiều 16/3.

Qua đó cho thấy, công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi đối với đội ngũ thú y xã Quỳnh Hoa còn thiếu trách nhiệm khi phát hiện có lợn chết trên địa bàn xã.

Điểm chốt khử trùng "đối phó"

Chiều tối ngày 16/3, chúng tôi có mặt tại một số điểm chốt khử trùng dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương của huyện Quỳnh Lưu.

Chốt khử trùng cầu Giát, điểm giáp ranh với xã Quỳnh Mỹ trên Quốc lộ 48B hầu như không còn tác dụng. Ảnh: Xuân Hoàng
Chốt khử trùng cầu Giát (thị trấn Cầu Giát) điểm giáp ranh với xã Quỳnh Mỹ trên Quốc lộ 48B hầu như không còn tác dụng khi không được bổ sung vôi, hóa chất thường xuyên. Ảnh: Xuân Hoàng

Tại điểm chốt khử trùng dịch tả lợn châu Phi của thị trấn Cầu Giát lập trên Quốc lộ 48B, chúng tôi thấy mang tính "đối phó" hơn là một điểm khử trùng thật sự.

Được biết điểm chốt khử trùng này được địa phương lập từ sáng ngày 15/3, với mục đích khử trùng bánh xe cơ giới mỗi khi đi qua điểm chốt này. Tuy nhiên, do thiếu quan tâm trong thời gian dài nên điểm chốt khử trùng này hầu như mất tác dụng: Tấm bạt dùng để rải rơm, vôi, hóa chất... đã bị bánh xe cuốn nhàu rách, rơm và vôi bột trông như bùn đất, không còn nguyên vẹn là điểm chốt khử trùng nữa.


Do không được chính quyền địa phương quan tâm nên điểm chốt khử trùng cầu Giát như thế này sau 2 ngày lập chốt. Ảnh: Xuân Hoàng
Do không được chính quyền địa phương quan tâm nên điểm chốt khử trùng cầu Giát như thế này sau 2 ngày lập chốt. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Trần Minh Quân - Trạm trưởng Thú y huyện Quỳnh Lưu cho rằng, để hố khử trùng có hiệu quả, phải thường xuyên bổ sung vôi bột và hóa chất, đặc biệt là trên quốc lộ có lượng xe qua lại nhiều thì cần phải bổ sung liên tục, đảm bảo lúc nào cũng có tác dụng khử trùng.

Người dân băn khoăn, đáng lẽ các cấp ngành phải có người trực để bổ sung vôi, hóa chất... mới đảm bảo phòng dịch, chứ để phơi khô như thế này thì phòng dịch sao được?

Chốt kiểm dịch khử trùng của thị trấn Cầu Giát khi mới lập là như thế này. Ảnh: Xuân Hoàng
Chốt kiểm dịch khử trùng của thị trấn Cầu Giát khi mới lập là như thế này. Ảnh: Xuân Hoàng

Được biết, sau khi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Quỳnh Mỹ, UBND huyện Quỳnh Lưu đã chỉ đạo các địa phương trong vùng dịch uy hiếp và có nguy cơ cao phải lập chốt khử trùng trên các trục đường chính.

Ổ dịch mất vệ sinh

Đến xóm 8, xã Quỳnh Mỹ, nơi vừa xảy ra ổ dịch thứ 2 trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, chúng tôi vào khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn của gia đình bà Hồ Thị Thủy là chủ của con lợn nái vừa bị chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Khu vực chuồng trại của gia đình bà Hồ Thị Thủy mất vệ sinh sau khi xẩy ra ổ dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng
Khu vực chuồng trại của gia đình bà Hồ Thị Thủy xóm 8, xã Quỳnh Mỹ mặc dù đã được rắc vôi bột nhưng không được thu dọn sạch chất thải, rác. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Hồ Văn Thường, con trai của bà Thủy cho biết: Gia đình không hiểu vì sao lợn nhà mình lại nhiễm bệnh tả lợn châu Phi, bởi thời gian qua gia đình không đi đâu xa, từ Tết đến nay không mua thịt lợn ngoài chợ về ăn, cũng không có người lạ bước chân vào khu vực chuồng trại chăn nuôi. Chỉ có thức ăn cho lợn là cám công nghiệp, trước khi cho lợn ăn gia đình không nấu chín.

Quan sát cho thấy, toàn bộ khu vực chuồng trại đã được rắc vôi bột và anh Thường cho biết, gia đình đã phun hóa chất khử trùng.

Khu vực chuồng trại không được vệ sinh sạch trước khi rắc vôi. Ảnh: Xuân Hoàng

Tuy nhiên, công tác vệ sinh chuồng trại sau khi có lợn chết do dịch tả lợn châu Phi chưa được đảm bảo. Toàn bộ khu vực chuồng trại không được quét dọn, lau chùi chất thải dưới nền và dính trên tường. Phía trước cửa chuồng trại là rác rưởi, cây que, máng lợn ăn không được chùi rửa sạch, rất mất vệ sinh. Nguy cơ tiềm ẩn dịch tả lợn châu Phi tại ổ dịch là rất cao.

Phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiện đang nóng trên địa bàn Nghệ An. Để công tác phòng dịch được hiệu quả, thiết nghĩ vai trò của chính quyền địa phương và đội ngũ thú y cơ sở là rất quan trọng. Bởi họ là lực lượng trực tiếp theo dõi, xử lý khi có tình huống xảy ra. Do vậy, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương sở tại cần vào cuộc một cách quyết liệt, có trách nhiệm./.


Xuân Hoàng