Ác
(Baonghean.vn) - Những khái niệm về giáo trí, quan trí, rồi thì dân trí được đem ra mổ xẻ đã đành nhưng chữ “ác” trong từ “tội ác” được người ta xềnh xệch kéo tách riêng ra để “quy trách nhiệm” thậm chí chì chiết không nương tay.
Còn nhớ vào khoảng giữa thập niên những năm 2000, một lãnh đạo của tỉnh nhà đã có phát biểu làm dậy sóng báo chí rằng: “Nếu duy trì quá lâu đội ngũ giáo viên dạy yếu, dạy kém thì có thể coi là một tội ác đối với thể hệ trẻ”. Ngày ấy mạng xã hội chưa bùng nổ, hạ tầng thông tin cũng thưa thớt về mật độ và lề mề về tốc độ chứ làm gì nhạy và mắn như bây giờ thành thử “không gian diễn xướng” của các luồng ý kiến trái chiều chủ yếu thông qua báo giấy, vậy mà nó vẫn hút hàng trăm ngàn độc giả suốt một thời gian khá dài. Những khái niệm về giáo trí, quan trí, rồi thì dân trí được đem ra mổ xẻ đã đành nhưng chữ “ác” trong từ “tội ác” được người ta xềnh xệch kéo tách riêng ra để “quy trách nhiệm” thậm chí chì chiết không nương tay. “Cuộc cách mạng về chất lượng giáo viên” vì thế cũng hình như không giòn giã giống như không khí tiến công ban đầu.
Nhận thức là một quá trình, thiết nghĩ nếu lời phát biểu được coi như bạo miệng ngày ấy được đưa ra thời điểm này chắc đã được dư luận xã hội tiếp nhận với một thái độ ít đối đầu hơn nhiều. Giáo viên cũng là một con người, đi dạy cũng là một nghề. Đã làm nghề thì phải học nghề, phải trau nghề, và muốn sống được với nghề thì phải giỏi nghề. Tuy nhiên khác với phần còn lại, nghề giáo mang một trọng trách xã hội đặc biệt. “Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên” (Gôlôbôlin). Ngẫm lại câu danh ngôn mới thấy họ giống nhau một chút mà cũng khác nhau một chút: sai lầm của những người kỹ sư có thể làm hỏng những cây cầu, sai lầm của những người nông dân có thể làm thất bát những cánh đồng lúa… Nhưng sai lầm của những người thầy chắc chắn làm mất đi cơ hội của cả một thế hệ.
Dùng chữ “tội ác” cho cái “duy trì đội ngũ giáo viên dạy yếu, dạy kém” là nặng lời hay không hậu bàn, nhưng nếu không dùng chữ ấy, không quan điểm ấy, không thái độ quyết tâm ấy thì hẳn gì đã có chuyện để chúng ta nhớ về sự việc ấy với một cảm xúc đượm tiếc nuối như hôm nay. Đã gần 15 năm trôi qua, phần nhiều những cô bé, cậu bé thuộc nhóm học trò của “đội ngũ giáo viên dạy yếu, dạy kém” ngày ấy giờ chắc cũng đã trưởng thành. Những cô giáo trình độ “10+1” thắc thỏm ngày ấy chắc cũng đã hoàn thành sứ mệnh gieo con chữ để về vui thú điền viên bên những cuốn sổ hưu dung dị. Vậy liệu cái “ác” đến từ phía những người cầm phấn đã được giải phóng triệt để hay chưa? Rất đau lòng để phải nói rằng, chưa! Vụ việc hàng trăm học sinh đại học chuẩn bị “hồi hương” sau gian lận điểm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động. Giáo dục vẫn ngồn ngộn những vấn đề cam go. Có thể việc tồn tại đội ngũ giáo viên dạy yếu, dạy kém không là tội ác nhưng nếu tồn tại một bộ phận giáo viên thoái hóa biến chất, suy đồi chắc chắn không phải là tội… hiền. Giáo trí xứng đáng được đề cao nhưng giáo đức cũng không thể bị đối xử bạc đãi. Giáo trí suy giảm đáng lo bao nhiêu thì giáo đức suy đồi đáng sợ bấy nhiêu. Mường tượng rằng, nếu có một thiết bị cảnh báo cấp độ giáo đức như kiểu cháy rừng thì chiếc biểu kế ấy liệu có thường xuyên hiển thị màu đỏ “cấp cực kỳ nguy hiểm”? Mong là không nhưng lại sợ là có! Giáo đức, cần lắm một báo động để hạn chế vụ việc, ít nhất thì cũng hạn chế những vụ việc rùng mình! Ví dụ kinh hãi nhất có lẽ là Hiệu trưởng Sầm Đức Xương mấy năm trước. Đẵng đẵng, liên tục quan hệ với nhiều “bạn tình nhí” không phải tuổi con mà là tuổi cháu. Không chỉ người ngoài mà cả học trò làm nô lệ tình dục. Y còn môi giới mại dâm, đã môi giới mại dâm lại còn môi giới mại dâm trẻ vị thành niên! Không chỉ dẫn trò vào các nhà nghỉ để thỏa mãn thú tính mà ông giáo này còn hành sự ngay trong phòng làm việc của mình, sự táng tận khi được ngụy trang sau vỏ bọc mô phạm rất không giới hạn. Ấy vậy mà “thầy” đòi… cởi quần trước tòa để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Tất nhiên cuối cùng “thầy” cũng phải sướt mướt nhận tội. Bản án 10 năm cho một gã hoang giáo biến thái, đồi bại vẫn không nặng bằng vết nhơ mà Xương đã vấy bẩn lên hình ảnh người thầy. Một sự việc động trời khác, ngày 15/12/ 2018, cơ quan điều tra - Công an huyện Thanh Sơn đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Đinh Bằng My- Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn vì tội dâm ô hàng chục nam sinh của mình. Mỉa mai nhất là trước đó không lâu Đinh Bằng My còn là diễn giả cho một buổi thuyết trình về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Cạn lời.
Dung lượng của một bài viết không thể liệt kê hết hàng ngàn vụ việc liên quan đến giáo đức mà có vẻ hình như tần suất xuất hiện ngày càng rậm hơn, mức độ nghiêm trọng ngày càng ghê gớm hơn và thái độ vi phạm ngày càng ngang nhiên thách thức hơn, dư luận xã hội vì thế cũng ngày càng phẫn nộ hơn. Súc miệng bằng xà phòng, lau ghế bằng lưỡi, quỳ gối liên thôn - chổng mông lên trời… Những hình phạt quái đản nhất mà chúng ta từng nghe đâu đó thời trung cổ thì giờ cũng đã được không ít “mẹ của em ở trường” áp dụng thành thạo dưới những tán lá bàng xanh thơ mộng. Có những thời điểm vụ nhúng đầu trẻ vào thùng nước chưa giải quyết xong thì vụ bắt trò uống nước giặt giẻ lau bảng đã lên sàn. Vụ cô giáo Quảng Bình chỉ đạo bạt tai học trò đạt “chỉ tiêu” 231 cái chưa hết vết hằn tay thì cô giáo thành phố Hà Nội tiếp tục tát “bổ sung” 50 cái. Chỉ trong vòng 1 tháng nay thôi liên tiếp xuất hiện hàng loạt vụ bê bối liên quan đến hành vi đạo đức của giáo viên. Thầy giáo chủ nhiệm trường chuyên nhắn tin gạ tình nữ sinh lớp 10; thầy giáo tiểu học sờ soạng tập thể… rồi thì cô giáo đưa nam sinh dưới 16 tuổi vào nhà nghỉ “hỏi thuê phòng”. Trong lúc cả 3 vụ việc đang nhồi cục với nhau chưa kịp gỡ thì người ta phát hiện ra hàng trăm học sinh mầm non ở Bắc Ninh nhiễm sán vì ăn phải thịt bẩn. Người ta đưa thịt nhiễm sán vào bữa ăn học sinh mầm non, không phải một lần mà là nhiều lần, không phải vô tình mà là hữu ý, không phải vô tâm mà là vô nhân tính. Người nhà học sinh phát hiện, nhắc nhở mà vẫn lì đòn, họ ngang nhiên vi phạm ngay bên dưới câu khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Hình ảnh những miếng thịt lợn lúc nhúc sán cứ ám ảnh đến rùng mình. Ác kinh khủng. Hỏi thì bà hiệu trưởng lại trả lời ráo hoảnh “Tôi từ chức rồi, không trả lời ai nữa”. Chao ôi, mấy ngày trước đó “cô” và đồng sự của mình vẫn bắt nhịp cho các cháu hát bài “Đứng bên sông kìa trông chú cò/ Chân bước dài cò ta đi mò/ Vớ cái gì ăn liền vội vã/ Uống nước lã, rồi lại quả xanh/ Ăn tham nên tối đến về nhà/ Đau bụng rên hừ hừ suốt 3 ngày đêm/ Ê ê... cái con cò kia thật đáng chê”. Con cò ăn quả xanh về đau bụng còn “thật đáng chê”, vậy cô giáo nhắm mắt cho tuồn thịt lợn nhiễm sán vào cho chính những học trò non nớt của mình để cả xã hội choáng váng thì thật đáng gì hả trời?
Ác, có lẽ chúng ta hoàn toàn có thể dùng chữ này mà không còn sợ bị cho là… ác khẩu. Nếu vụ bắt tay cấu kết tuồn thịt bẩn vào trường học không phải là một cơn ác mộng mà là hành vi khiếp đảm của một bên là ác quỷ và bên còn lại là ác ôn thì những kẻ tạo ra ác nghiệp sẽ trả giá. Sợ là con sán này bị trục xuất bằng một quyết định kỷ luật hầm hố thì con sán khác lại lặng lẽ chui vô. Nếu không có một cuộc cách mạng về giáo đức, nếu cứ an bài nhau theo kiểu “Ác giả ác báo” thì những con sán mang danh sư phạm ấy lại biến thể sang loài sán khác. Không chừng trở thành sán tử tế cũng nên!