4 công nghệ hỗ trợ lái xe trên địa hình phức tạp, tài mới nên biết

thanhnien.vn 21/03/2019 19:23

Nắm rõ chức năng cũng như cách sử dụng các hệ thống hỗ trợ lái trang bị ngày càng phổ biến trên ô tô, đặc biệt là xe SUV 7 chỗ, bán tải... sẽ giúp “tài mới” giảm căng thẳng, lái xe an toàn trên các cung đường địa hình phức tạp.

Trên nhiều mẫu ô tô hiện nay, đặc biệt là các dòng xe SUV 7 chỗ hay xe bán tải... các nhà sản xuất đều trang bị nhiều hệ thống công nghệ hỗ trợ lái. Tuy nhiên có một nghịch lý, nhiều người lần đầu chọn mua ô tô thường chọn các phiên bản có trang bị nhiều công nghệ hỗ trợ lái… nhưng thực tế lại hiếm khi dùng đến, thậm chí một số “tài mới” còn không biết tính năng, công nghệ đó để làm gì!?

Dưới đây là 5 hệ thống hỗ trợ lái mà các “tài mới” nên nắm rõ khi lái xe trên đường địa hình phức tạp hay đi off-road:

1. Hệ thống khởi hành ngang dốc

Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc sẽ duy trì lực phanh trên 4 bánh xe giữ xe đứng yên trong khoảng 3 - 5 giây khi đang giữa dốc

Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc sẽ duy trì lực phanh trên 4 bánh xe giữ xe đứng yên trong khoảng 3 - 5 giây khi đang giữa dốc

Trên những địa hình phức tạp việc dừng xe, rồi khởi hành xe khi đang ở giữa lưng chừng dốc là tình huống tương đối khó mà bất cứ một lái xe nào kể từ khi bắt đầu làm quen với vô lăng cho đến khi tự tin đánh lái trên đường đều đã một lần trải qua.

Tình huống này đối với các xe không được trang bị hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc sẽ rất nguy hiểm. Bởi, nếu người lái không kịp thời vào ga khi buông chân phanh, xe rất dễ bị trôi về phía sau và có thể xảy ra va chạm. Với những mẫu xe được trang bị công nghệ này, khi người lái cho xe dừng ngang dốc cảm biến trên xe sẽ được kích hoạt để phát hiện độ nghiêng. Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc sẽ duy trì lực phanh trên 4 bánh xe giữ xe đứng yên trong khoảng 3 - 5 giây, tùy từng mẫu xe. Khoảng thời gian này dù khá ngắn nhưng đủ để người lái thoải mái chuyển từ chân phanh sang chân ga để xe tiếp tục di chuyển.

2. Hệ thống hỗ trợ đổ dốc

Hệ thống sẽ ngừng kích hoạt khi nhận thấy tài xế đạp ga hoặc khi xe đã di chuyển trên đường bằng phẳng.

Hệ thống sẽ ngừng kích hoạt khi nhận thấy tài xế đạp ga hoặc khi xe đã di chuyển trên đường bằng phẳng.

Trong thực tế, nhiều người sử dụng ô tô đặc biệt là các lái mới do không nắm rõ cơ chế hoạt động của hệ thống hỗ trợ đổ dốc - DAC hay còn có tên gọi khác là HDC (Hill Descent Control), nên không tự tin khi sử dụng và thậm chỉ còn lãng quên luôn tính năng này khi lái xe trên đường đèo dốc hay địa hình khó.

Hệ thống hỗ trợ đổ dốc tích hợp trên các mẫu ô tô hiện nay rất dễ sử dụng. Khi đi cho xe xuống dốc, người lái chỉ cần kích hoạt hệ thống thông qua nút bấm thường được bố trí trên bảng điều khiển trung tâm hay khu vực gần cần chuyển số. Khi hệ thống hỗ trợ xuống dốc hoạt động, lái xe không cần phải đạp phanh mà chỉ cần tập trung quan sát, điều chỉnh vô lăng. Với những con dốc sâu, nếu tốc độ xe bị đẩy lên cao do quán tính, xe tự động thêm lực phanh để giữ tốc độ phù hợp. Hệ thống sẽ ngừng kích hoạt khi nhận thấy tài xế đạp ga hoặc khi xe đã di chuyển trên đường bằng phẳng.

3. Hệ thống kiểm soát lực kéo

Hệ thống kiểm soát lực kéo giúp hạn chế trượt bánh, trên mặt đường trơn hay những địa hình không bằng phẳng

Hệ thống kiểm soát lực kéo giúp hạn chế trượt bánh, trên mặt đường trơn hay những địa hình không bằng phẳng

Hệ thống này giúp hạn chế trượt bánh và hỗ trợ người lái kiểm soát tốt xe đặc biệt trên mặt đường trơn trượt hay những địa hình không bằng phẳng. Hệ thống kiểm soát lực kéo sẽ tự kích hoạt khi phát hiện ra dấu hiệu bánh xe đang quay trơn và bắt đầu mất lực kéo. Khi đó, hệ thống sẽ tác động lực phanh vào các bánh xe đang quay trơn, mất độ bám và giảm công suất động cơ để hãm bánh xe quay. Hệ thống được bật tự động khi xe khởi động và bắt đầu di chuyển.

4. Hệ thống cảnh báo va chạm và camera hỗ trợ quan sát

Một số xe còn hiển thị hình ảnh trên màn hình trung tâm, gương chiếu hậu bên trong từ các camera gắn trên xe

Một số xe còn hiển thị hình ảnh trên màn hình trung tâm, gương chiếu hậu bên trong từ các camera gắn trên xe

Hệ thống này trên các xe phổ thông thường được nhà sản xuất sử dụng các cảm biến gắn phía trước, phía sau hoặc bên hông xe để tính toán khoảng cách giữa xe và các phương tiện, vật thể xung quanh sau đó phát ra cảnh báo cho người lái. Một số xe còn hiển thị hình ảnh trên màn hình trung tâm từ các camera gắn trên xe.

Khi di chuyển trên đường địa hình phức tạp, hệ thống sẽ cảnh báo cho người lái nguy cơ xảy ra va chạm thông qua âm thanh, đèn báo hay hình ảnh hiển thị trên màn hình. Công nghệ này giúp người lái phát hiện nguy cơ xảy ra va chạm, dễ dàng quan sát qua đó đánh lái cho xe di chuyển phù hợp.

thanhnien.vn