Hoạt động giết mổ gia súc tại gia tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh
(Baonghean.vn) - Sau khi đóng cửa lò giết mổ gia súc tại xóm 5, xã Nghi Phú, TP. Vinh có chủ trương vận động dân đến lò mổ Hưng Chính để tiếp tục hành nghề. Tuy nhiên, các hộ này không chấp nhận, tự xây dựng lò mổ tại gia gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư; tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Người dân tự ý xây lò mổ
Lò giết mổ gia súc có công suất giết mổ từ 200 - 250 con lợn/ngày đêm tập trung tại xã Nghi Phú (TP. Vinh) được khai thác, sử dụng từ năm 2013 đến nay. Tuy nhiên, do ô nhiễm nặng nên vào đầu tháng 3/2019 vừa qua, TP.Vinh đã đóng cửa lò mổ này để xử lý môi trường.
Tại cuộc họp đối thoại giữa thành phố Vinh với các hộ dân làm nghề giết mổ gia súc, các hộ đều đồng ý việc đóng cửa lò mổ; Đồng thời đề nghị UBND thành phố sớm xây dựng lò giết mổ mới để người dân đưa gia súc vào giết mổ tập trung.
Trong thời gian chờ xây dựng lò, những hộ giết mổ này muốn thành phố chấp thuận cho người dân đưa gia súc về giết mổ tại nhà. Đề xuất này không được đồng ý bởi lẽ việc giết mổ tại gia sẽ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh.
Một số lò mổ tại gia ở xã Nghi Phú rất ẩm thấp và mất vệ sinh. Ảnh: Quang An |
Chủ trương của thành phố là vận động những hộ này lên lò mổ Hưng Chính để tiếp tục hành nghề và được theo dõi, kiểm tra thú y hàng ngày. Thành phố sẽ nâng công suất lò mổ Hưng Chính lên để đáp ứng nhu cầu, không cho phép các hộ dân giết mổ tại gia.
Mặc dù đã có chủ trương của thành phố nhưng từ ngày đóng cửa lò mổ Nghi Phú, theo tìm hiểu của phóng viên, không có hộ dân nào từ Nghi Phú lên lò mổ Hưng Chính để hành nghề mà họ giết mổ gia súc tại gia.
Gia đình anh Lê Văn H ở xóm 5, xã Nghi Phú là một trong những hộ tham gia nghề mổ lợn lâu năm tại địa phương. Sau khi đóng cửa lò mổ Nghi Phú, anh đã làm lò mổ tại gia với tổng chi phí đầu tư khoảng 40 triệu đồng.
Hàng ngày, anh H nhập lợn từ trang trại tại xã Nam Thái, huyện Nam Đàn về giết mổ. Anh H chia sẻ: "Trong thời gian đóng cửa lò mổ Nghi Phú, chúng tôi mong muốn được giết mổ tại gia vì thuận tiện cho đi lại, nếu vận chuyển lên lò Hưng Chính thì xa quá, vừa tốn thời gian vừa ảnh hưởng đến chất lượng thịt, nhất là trong lúc thị trường thịt lợn đang ế ẩm như hiện nay. Trước và sau khi làm tôi đều vệ sinh chuồng và khu vực giết mổ sạch sẽ, lợn nhập về cũng có giấy kiểm dịch rõ ràng".
Tương tự, anh Nguyễn Hữu Ph ở xóm 13, xã Nghi Phú cũng mang lợn về nhà mổ…
Lợn được đưa về nhốt tại lò giết mổ tại gia của hộ gia đình anh Lê Văn H ở xóm 5, xã Nghi Phú. Ảnh: Quang An |
Kiên quyết xử lý việc giết mổ gia súc sai quy định
Mặc dù các hộ đã có ý thức về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch tả lợn châu Phi, nhưng các biện pháp phòng, chống vẫn chưa triệt để, hàng ngày các hộ này đều không phun hóa chất khử trùng sau mỗi lần giết mổ lợn…
Điều đó làm tăng nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nói chung và bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng cho đàn lợn nuôi trên địa bàn thành phố.
Ông Võ Bá Đương - cán bộ Thú y xã Nghi Phú cho biết: Các hộ này nhập lợn về và mổ theo ngày, chúng tôi cũng chỉ đạo các hộ phải vệ sinh thường xuyên. Đối với việc phun tiêu độc khử trùng thì phun theo tuần, chứ không thể phun theo ngày vì chi phí cao và nhân viên thú y cũng không đủ người để thực hiện. Chúng tôi đã vận động họ lên lò mổ Hưng Chính để được kiểm tra thú y hàng ngày và đảm bảo cho việc giết mổ nhưng họ không đồng tình.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Kinh tế TP. Vinh cho biết: Quan điểm nhất quán của thành phố là không cho phép các hộ dân tự ý giết mổ tại gia. Chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra, nếu phát hiện sẽ kiên quyết xử lý theo quy định.
Về lâu dài, sau khi khôi phục môi trường xong tại lò mổ Nghi Phú, đảm bảo các điều kiện vệ sinh cho hoạt động giết mổ, chúng tôi sẽ vận động họ trở lại hành nghề và kiểm soát chặt chẽ.
Khu vực giết mổ mới được xây dựng tại xóm 5, xã Nghi Phú (TP. Vinh). Ảnh: Quang An |
Theo Chỉ thị số 07 của UBND tỉnh về phòng dịch tả lợn châu Phi, các lò mổ tập trung và nhỏ lẻ tại các hộ, ngoài nhập lợn có nguồn gốc còn phải phun hóa chất khử trùng trước và sau khi kết thúc mổ; thu dọn vệ sinh sạch sẽ, kết hợp rắc vôi bột khu vực lò mổ. Chính quyền cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát lò mổ tập trung; UBND các xã kiểm tra, kiểm soát lò mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư.