Khắc phục những sai sót khi cấp “sổ đỏ” cho người dân

K. Ly - H. Thu 30/03/2019 10:59

(Baonghean) - Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất không đầy đủ người đồng sử dụng; không mở sổ chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; văn bản thỏa thuận phân chia di sản, nhận quyền thừa kế quyền sử dụng đất không đúng quy định... Đó là những hạn chế cần khắc phục liên quan đến việc cấp “sổ đỏ” hiện nay.

Còn nhiều hạn chế

Thực tế cho thấy, trong số những đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến đất đai, có không ít vụ việc bắt đầu từ những hạn chế trong trách nhiệm quản lý Nhà nước về cấp GCNQSD đất, sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với chính quyền các cấp. Nhiều vụ việc công dân kiện ra tòa chính quyền bị xử thua phải thu hồi quyết định cấp GCNQSD đất.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát tại Văn phòng đăng ký QSD đất huyện Diễn Châu, ảnh Thành Duy.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát tại Văn phòng đăng ký QSD đất huyện Diễn Châu. Ảnh: Tư liệu

Như vụ việc ông Phan Văn Trung (SN 1963) ở xóm 7, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành khiếu kiện quyết định hành chính về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND huyện Yên Thành. Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã thụ lý vụ án ban hành phán quyết hủy quyết định, hành vi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số I 535042 ngày 20/10/1996 của UBND huyện Yên Thành cấp cho ông Phan Văn Hiền (là em trai ông Tuyên) tại thửa 502 (bản đồ 299) tờ bản đồ số 6 tại xóm 6, xã Tăng Thành, buộc UBND huyện Yên Thành phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định pháp luật.

Trong năm 2018, Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) đã thành lập đoàn giám sát về công tác cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: tình trạng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sai sót phải làm thủ tục đính chính vẫn còn nhiều.

Vẫn còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp sai phải thu hồi theo quy định của Điểm d, Khoản 2, Điều 106, Luật Đất đai năm 2013. Bên cạnh đó còn có những sai sót khác như việc giấy chứng nhận của một số hộ dân thuộc xã Nghi Ân, Nghi Đức (TP Vinh) tại phần sơ đồ thửa đất ghi thêm “thửa đất nằm trong phạm vi nghiên cứu của Đại lộ Vinh - Cửa Lò, thuộc KCN cây xanh” là chưa phù hợp với quy định tại Thông tư 23/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Minh họa
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Minh họa

Tại Báo cáo số 723/BC- UBND ngày 21/12/2018 của UBND tỉnh về kết quả thực hiện các kiến nghị, đề xuất sau giám sát từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh cũng nêu: Qua tiến hành thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước về TNMT. Trong đó có việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với UBND cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh cho thấy: 12 đơn vị được kiểm tra đều có sai phạm.

Các sai phạm chủ yếu gồm: Cấp GCNQSD đất không đầy đủ người đồng sử dụng; không mở sổ chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; văn bản thỏa thuận phân chia di sản và văn bản nhận quyền thừa kế quyền sử dụng đất không đúng quy định; không lưu trữ hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất.

Đối với một số trường hợp nhận thừa kế thì trình tự chứng thực văn bản chưa đảm bảo, chưa công khai danh sách thừa kế. Bên cạnh đó việc xác nhận nguồn gốc, thời điểm và quá trình sử dụng đất không chính xác: Không làm rõ nguồn gốc là Nhà nước cấp đất, giao đất thừa kế, khai hoang, tặng cho, hóa giá thanh lý, tự ý sử dụng đất, tự ý chuyển mục đích; xác định thời điểm sử dụng đất không chính xác qua các mốc thời gian trước 18/12/1980, trước 15/10/1993, trước 1/7/2004; trước 1/7/2014 và quá trình sử dụng đất để xác định mục đích sử dụng ổn định là đất ở.

Người dân xã Lưu Sơn đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa của xã. Ảnh: Tư liệu
Người dân xã Lưu Sơn đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa của xã. Ảnh: Tư liệu

Một số địa phương cấp giấy chứng nhận cả phần diện tích đất công cộng (thửa đất hình thành sau đất công trình công cộng) như đất hành lang ATGT đường bộ, hành lang lưới điện cao áp, hành lang đê điều; hành lang công trình thủy điện, đường sắt.

Sau khi phát hiện các sai phạm, đoàn thanh tra đã yêu cầu UBND các huyện và xã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh và khắc phục các sai phạm, nhất là việc xác nhận trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 2018, kiểm tra 5 xã, phường trên địa bàn thành phố Vinh, đều phát hiệnlỗi chung như thực hiện thủ tục xác lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dựng đất cho hộ gia đình.

Ông Phan Duy Hùng - Chánh Thanh tra Sở TN&MT cho biết: Năm 2017, Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra việc lập hồ sơ xin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 5 UBND cấp xã trên địa bàn huyện Yên Thành. Kết quả cho thấy còn có những hạn chế như: đơn đăng ký, đơn tách thửa, đơn đăng ký biến động không ghi phần nội dung cán bộ tiếp nhận. Có một số hồ sơ hộ gia đình không ghi ngày tháng và không có chữ ký của chủ hộ. Bản giải trình chênh lệch diện tích xã xác nhận không ghi ngày tháng, hợp đồng chuyển nhượng, không ghi ngày tháng, số...; trong hồ sơ không có biên bản kiểm tra hiện trạng...

Năm 2018, tiếp tục kiểm tra 5 xã, phường trên địa bàn thành phố Vinh đều mắc lỗi chung như thực hiện thủ tục xác lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dựng đất cho hộ gia đình. Nhiều hồ sơ không đảm bảo thời hạn, vi phạm Khoản 2, Điều 22, Quyết định số 49/2014/QĐ- UBND của UBND tỉnh Nghệ An; xác nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sự dụng đất không vào sổ tiếp nhận hồ sơ, không ghi ngày tiếp nhận hồ sơ vào đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sự dụng đất...

Giải pháp nào?

Theo ông Thái Minh Tuấn - Phó trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh thì nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, sai sót trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như cấp không đúng quy trình thủ tục, không đúng đối tượng, không đúng nguồn gốc đất... Ngoài hạn chế về công tác quản lý đất đai qua các thời kỳ, còn do trình độ, năng lực của cán bộ

"Có trường hợp khi người dân khiếu kiện, cán bộ chủ quan, không xem xét lại, cũng có trường hợp phát hiện sai nhưng vì nhiều lý do nên lờ đi, cố tình bảo vệ cho cái sai, không sửa sai nên khi công dân kiện ra tòa bị xử thua, phải hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp”. Bên cạnh đó, nhận thức về chính sách, pháp luật của cán bộ còn hạn chế, chưa đầy đủ và đồng bộ. Trong khi đó chính sách pháp luật về đất đai, tài nguyên khoáng sản có thay đổi nhưng chưa nắm bắt, thích ứng kịp thời các yêu cầu đặt ra... dẫn tới sai sót trong cấp giấy chứng nhận''

Ông Thái Minh Tuấn- Phó trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh

Để khắc phục hạn chế này, ngoài việc nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai; chú trọng bố trí cán bộ có năng lực, tinh thần trách nhiệm, nắm vững, hiểu rõ chính sách, pháp luật để thực hiện cho đúng, cho trúng, các ngành liên quan cần tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai, trong đó có việc cấp GCGQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Cán bộ xã Nghi Đức ( TP Vinh) hướng dẫn người dân làm hồ sơ cấp GCN QSD đất. Ảnh: Khánh Ly
Cán bộ xã Nghi Đức ( TP Vinh) hướng dẫn người dân làm hồ sơ cấp GCN QSD đất. Ảnh: Khánh Ly

Bên cạnh đó, cũng theo ông Thái Minh Tuấn - Phó trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh: Quá trình ban hành các quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai nói chung, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói riêng vẫn thường xảy ra sai sót, thậm chí vi phạm các quy định, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau.

Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền và các ngành và đội ngũ cán bộ tham mưu liên quan phải sẵn sàng nhận thức lại vấn đề để sửa sai, giải quyết theo hướng chấm dứt vụ việc chứ không phải giải quyết hết thẩm quyền hay đổ lỗi do “lịch sử để lại” để trốn tránh trách nhiệm. Đây cũng là một trong những bài học kinh nghiệm để hạn chế, chấm dứt đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài liên quan đến lĩnh vực đất đai.

K. Ly - H. Thu