5 biện pháp giúp con trẻ an toàn khi lên mạng

Hà Ly 31/03/2019 07:46

Không thể phủ nhận rằng thế giới internet đã len lỏi vào mọi nhà, mọi văn phòng và mọi ngõ ngách. Nó không chỉ thâm nhập vào cuộc sống giới văn phòng, thanh niên, các nhà kinh doanh mà còn cả thế giới của trẻ nhỏ.

Dưới đây là 5 mẹo hàng đầu của Google dành cho phụ huynh để đảm bảo trẻ vào mạng an toàn.

1. Hãy thông minh

Luôn chú ý xem người mà con đang chơi cùng là ai và làm những gì. Dặn con ghi nhớ lời khuyên: "Không bao giờ nói chuyện với người lạ". Dạy cho con những gì là phù hợp để chia sẻ trực tuyến với chỉ những người mà chúng tin tưởng. Giữ bí mật thông tin cá nhân về gia đình và bạn bè.

2. Hãy cảnh giác

Đừng sẵn sàng tin tưởng mọi thứ con thấy trên mạng xã hội. Hãy sáng suốt giữa những gì thực tế và giả mạo

Trong một thế giới nơi thông tin được chia sẻ dễ dàng bằng một cú click chuột, có nhiều thứ xấu xí cũng len lỏi vào theo. Điều quan trọng là giúp trẻ nhận thức được rằng mọi người và các tình huống trên mạng không phải luôn tốt đẹp.

Giúp con nhận ra dấu hiệu của một trò lừa đảo: Luôn suy nghĩ chín chắn trước khi hành động trực tuyến và học cách tin vào trực giác. Giải thích cho trẻ rằng đôi khi mọi người có thể dùng một danh tính giả để lừa đảo.

3. Bảo mật thông tin cá nhân

Sự riêng tư và bảo mật cá nhân của trẻ luôn quan trọng trên mạng xã hội. Bảo vệ tốt các thông tin có giá trị giúp con tránh bị lâm vào tình trạng nguy hiểm.

Tạo một mật khẩu mạnh và độc đáo, dễ nhớ, nhưng tránh sử dụng thông tin cá nhân như tên hoặc ngày sinh nhật. Sử dụng các mật khẩu khác nhau cho nhiều trang web

4. Hãy tử tế

Internet là một công cụ truyền thông mạnh mẽ nhưng lại mang theo nhiều thông điệp cả tích cực và tiêu cực. Với phương tiện truyền thông xã hội là một phần lớn trong cuộc sống của nhiều trẻ em, điều quan trọng là giúp nuôi dưỡng các hành vi đúng đắn trên mạng xã hội.

Bắt đầu một cuộc trò chuyện với con về thói quen tham gia internet của trẻ và dạy cho chúng khái niệm về cách đối xử với người khác như những gì mà con muốn nhận được, điều này sẽ tạo ra tác động tích cực cho người khác và ngăn chặn hành vi bắt nạt.

Khuyến khích trẻ em sử dụng sức mạnh của Internet để truyền bá tính tích cực và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Ngăn chặn sự lây lan của các tin nhắn có hại hoặc không đúng sự thật bằng cách không chuyển chúng đến người khác.

5. Khi nghi ngờ, hãy nói chuyện với người mà bạn tin tưởng

Dạy con nếu cảm thấy đang trong một tình huống nghi ngờ có khả năng đem lại nguy hiểm, hãy nói ngay với một người lớn đáng tin cậy như cha, mẹ, anh, chị hay thầy cô giáo... Người lớn có thể hỗ trợ trẻ để giải quyết các vấn đề này.

Hà Ly