Kỳ bí lễ rước thần được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Trung Hà 31/03/2019 10:43

(Baonghean.vn) - Lễ rước thần trên sông Lam là một trong những nghi thức truyền thống của lễ hội Đền Thanh Liệt, hay còn gọi là lễ hội rước hến (xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên). Lễ hội được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thu hút đông đảo người dân bản địa và du khách gần xa bởi sự linh thiêng, kỳ bí.

1
Quang cảnh Đền Thanh Liệt từ góc nhìn flycam. Tương truyền, đền được xây dựng từ thời Lê Thánh Tông, thờ Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, Nghĩa Liệt vương Nguyễn Biểu, Long Vương, Bà Chúa Liễu Hạnh, Sơn liêu Độc cước. Đền có bốn tòa: Nhà hạ điện, trung điện, thượng điện và hậu cung. Ảnh: Trung Hà

1
Qua bao thăng trầm lịch sử, hiện đền đã xuống cấp nhiều hạng mục. Tuy nhiên, vẫn còn thấp thoáng nhiều dấu ấn kiến trúc xưa như hai bên cổng tam quan có đắp ngựa, voi chầu; các chi tiết được chạm trổ tứ linh, tứ quý... Ảnh: Trung Hà
2
Ngôi đền cổ ven sông này gắn liền với một lễ hội linh thiêng, kỳ bí, phản ánh tâm thức và tín ngưỡng của cư dân miền sông nước. Đó là lễ hội rước hến. Theo truyền thống, lễ hội được thực hiện qua các bước: cúng thần tại đền Thanh Liệt, lễ rước thần trên sông Lam, thi vớt hến, cào hến... Ảnh: Trung Hà

3
Những người tham gia vào các nghi thức cúng tế đều là các bậc cao niên giàu tâm đức của làng. Nghi thức cúng thần gồm có lễ khai quang, lễ mộc dục, lễ yên vị, lễ yết cáo mời chư vị thần linh về dự, xin cho trời quang mây tạnh. Ảnh: Trung Hà
4
Đội nhạc lễ tập hợp những người thông thạo âm luật, hiểu rõ tuần tự các nghi thức. Đây là khâu quan trọng trong tổng thể các hoạt động, báo hiệu mở đầu, chuyển tiếp, kết thúc... các nghi thức, tạo không khí linh thiêng, "cầu nối" gắn kết tâm tưởng con người với cõi thần linh. Ảnh: Trung Hà
5
Sau nghi thức cúng thần tại đền là lễ rước thần trên sông Lam. Đoàn rước di chuyển từ đền ra bến sông cách đó không xa, dọc đường đi, các bậc chủ lễ sẽ đọc những bài văn cúng, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa... Ảnh: Trung Hà
6
Điểm đặc sắc của lễ rước là chiếc thuyền rồng bằng gỗ sơn son thiếp vàng, có chạm trổ hoa văn rất sống động, kỹ thuật tinh xảo. Chiếc thuyền là biểu tượng của ngư dân vùng sông nước Lam giang, được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là cổ vật độc đáo còn sót lại ở các di tích xứ Nghệ. Ảnh: Trung Hà

Hàng trăm người hình thành đoàn rước các thần ra sông Lam gồm: đức Vua Thủy quốc, đức Vua Thiên vương, Hà Bá, Sát Hải Đại vương, Mẫu Liễu Hạnh, Nghĩa Liệt vương, Độc Cước Đại vương; thuyền rồng… đưa lên đoàn thuyền ghép.
Đoàn rước hàng trăm người rước bộ băng qua các cánh đồng yên ả, hướng về bến sông thơ mộng. Lễ rước các thần ra sông Lam gồm: Đức Vua Thủy quốc, Đức Vua Thiên vương, Hà Bá, Sát Hải Đại vương, Mẫu Liễu Hạnh, Nghĩa Liệt vương, Độc Cước Đại vương... Ảnh: Trung Hà

8

Đoàn rước xuống thuyền, hai bên thuyền rồng đều có đội ngũ túc trực mặc đồng phục, tay cầm bát bửu, mái chèo đứng hộ vệ nghiêm trang. Dân gian có câu: Đưa các Hoàng Thượng qua sông/ Cầu lộc, hến, cá cùng một lòng vui vẻ... Ảnh: Trung Hà


9
Đoàn rước bơi đến thượng cận (làng Nghĩa Sơn, xã Hưng Long) làm lễ, rồi tiếp tục tiến đến ngã ba sông nơi sông La (Hà Tĩnh), gặp sông Lam (Nghệ An) thì dừng lại làm lễ kỳ yên. Sau các lễ thỉnh, tế các chư vị thần linh, chủ tế được thần linh ngự đồng, cầm hương vái lên mâm ngũ quả, cúng, sau đó rải xuống sông các thứ như cháo, nổ, ngô, lúa, gạo, muối, hoa quả, tiền vàng và đốt bài cúng (cỗ phùng tán). Nghi lễ cầu mong một năm sông nước an yên, tôm cá đầy khoang, đời sống thuận hòa, ấm no. Ảnh: Trung Hà

Trung Hà