Nguyên nhân nào dẫn đến bạo lực học đường?

Mỹ Hà - Đức Anh 03/04/2019 11:28

(Baonghean.vn) - Trong những ngày qua, bạo lực học đường đã trở thành nỗi ám ảnh đối với rất nhiều phụ huynh, học sinh và các nhà trường. Xung quanh vấn đề này, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau nhằm tìm ra một giải pháp tối ưu để xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn.

Bạo lực học đường đã trở thành nỗi ám ảnh đối với rất nhiều phụ huynh, học sinh và các nhà trường. Ảnh: Đức Anh
Để tránh bạo lực học đường, phải xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn. Ảnh: Đức Anh

Học sinh Nguyễn Chiến Thắng - lớp 11 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Đại học Vinh

Học sinh Nguyễn Chiến Thắng – lớp 11 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Đại học Vinh. Ảnh: Đức Anh
"Khi chứng kiến những vụ bạo lực học đường, em không thể tin được vì không nghĩ học sinh lại có thể đối xử với nhau như vậy. Thực tế, ở nhiều trường học, bạo lực học đường xảy ra rất nhiều, nó không thể hiện ở việc đánh nhau, rủ nhau đánh đập nhưng có thể bắt nạt nhau qua mạng, mình gặp đối phương phải cúi chào hoặc ép nạn nhân thỉnh thoảng phải đem tiền...

Nhưng vì sao nạn nhân không dám “đứng lên”, vì họ sợ, sợ bị đánh. Vấn đề nhức nhối này không chỉ năm nay mà diễn ra nhiều năm rồi và chưa có một giải pháp triệt để nào cả. Nguyên nhân sâu xa nhất là mạng xã hội và tranh chấp nhau trên Facebook. Chỉ vì những tin nhắn rất nhỏ cũng có thể dẫn đến kéo nhau, xô xát ngoài đường và quay video rồi up lên mạng".

Ý kiến của học sinh Nguyễn Chiến Thắng. Clip: Đức Anh

Học sinh Lương Thị Thảo Bân - Lớp 11C6, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu

Học sinh Lương Thị Thảo Bân - Lớp 11C6, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Đức Anh
"Trong quá trình thực hiện dự án “Bắt nạt trực tuyến ở học sinh”, chúng em đã phỏng vấn gần 500 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, tại 4 trường THCS và THPT trực thuộc thành phố Vinh. Kết quả thật bất ngờ khi có đến 299 học sinh (chiếm 62,8%) là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến. Tuy nhiên cũng có đến 285 học sinh (chiếm 59,9%) là thủ phạm của bắt nạt trực tuyến... Như vậy, tỉ lệ số học sinh vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm cao hơn tỉ lệ học sinh không phải là nạn nhân cũng không phải là thủ phạm.

Trong các hành vị bắt nạt có rất nhiều hành động dễ dẫn đến các xung đột như: gửi các bình luận đe dọa, gây tổn thương thông qua email hoặc tin nhắn; chế nhạo các bình luận trong nhóm, diễn đàn; đăng tải công khai những bức ảnh gây xấu hổ. Bắt nạt trực tuyến cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn học đường và có thể dẫn đến bạo lực học đường".

Cô giáo Đoàn Thị Thủy Chung - Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng

Giáo viên Đoàn Thị Thủy Chung - Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Đức Anh
"Tôi nhận được rất nhiều thông tin về bạo lực học đường và thực sự lo lắng. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng gần đây nhiều vụ việc điển hình đã báo động cho tất cả các trường học nói chung.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nguyên nhân xảy ra bạo lực học đường ngày càng nhiều là do nhiều trường học đang né tránh vấn đề này. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Như ở trường chúng tôi, nhà trường rất quan tâm, trong đó trước hết là về mặt tư tưởng, có các biện pháp để cho học sinh nhận diện bạo lực học đường để phòng tránh.

Bên cạnh đó, chúng tôi hướng học sinh đến các hoạt động lành mạnh, trang bị cho các em kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng kiềm chế xung đột. Chúng tôi cũng thành lập các phòng hỗ trợ tư vấn và nếu xảy ra mâu thuẫn xung đột khi chưa ai phát hiện ra thì các em có thể gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm sự trợ giúp.

Hiện, trong môi trường giáo dục chúng ta cũng không thể lường trước các vấn đề có thể xảy ra. Trong tình huống đó, giáo viên phải là những người có những kỹ năng cơ bản để các xung đột giảm xuống nhỏ nhất có thể. Phải làm sao hòa giải cho học sinh, đừng để mâu thuẫn leo thang, hạn chế ít nhất đưa mâu thuẫn trong lớp học ra ngoài xã hội. Điều đó, sẽ gây hậu quả rất lớn".

Ý kiến của cô giáo Đoàn Thị Thủy Chung. Clip: Đức Anh

Tiến sỹ Dương Thị Thanh Thanh - Trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Giáo dục, trường Đại học Vinh

Tiến sỹ Dương Thị Thanh Thanh - Trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Giáo dục, Trường Đại học Vinh. Ảnh: Đức Anh
"Về quan điểm cá nhân tôi, với vấn đề bạo lực học đường hiện nay chúng ta phải xem xét trên một số nguyên nhân của nó, đặc biệt với học sinh ở giai đoạn lứa tuổi THCS, THPT.

Đây là lứa tuổi có nhiều biến động về tâm sinh lý cũng như trẻ có nhiều mong muốn khẳng định bản thân. Vì vậy, đối với trẻ nói chung, đối với học sinh nói riêng cần giáo dục để trang bị kiến thức và hình thành các kỹ năng sống cơ bản trong giao tiếp ứng xử và kỹ năng ứng phó với các tình huống khác nhau trong cuộc sống, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng giải quyết vấn đề...

Những kỹ năng đó được giáo dục như thế nào thì phụ thuộc vào gia đình, nhà trường, xã hội. Nếu thiếu sự quan tâm của gia đình, hình thành những hình ảnh, tấm gương chưa đẹp của gia đình hay với nền tảng của gia đình có bạo hành thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ, làm nên nhận thức hay dẫn đến thái độ, hành vi lệch lạc. Ngoài ra, những mặt trái không mong muốn của cơ chế thị trường, trong đó có sự ảnh hưởng trong phim ảnh, trò chơi game tác động tiêu cực và tạo nên hành vi lệch lạc của trẻ.

Trong giáo dục của nhà trường cũng cần phải có sự song hành của dạy chữ và dạy người. Chính việc giáo dục sẽ tác động tích cực hay tiêu cực của học sinh.

Bên cạnh đó, cần trang bị cho trẻ các kỹ năng cơ bản, cho trẻ nền tảng vững chắc để ứng phó giải quyết các vấn đề khác nhau trong cuộc sống, cũng như vấn đề bạo lực hiện nay. Nếu học sinh vướng sai lầm nhất định phải tìm ra giải pháp để trẻ có cơ hội dần dần hoàn thiện mình.

Ý kiến của Tiến sỹ Dương Thị Thanh Thanh. Clip: Đức Anh
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Ảnh: Đức Anh
Trong vụ việc ở huyện Diễn Châu, cả 2 bên đều có cái sai. Phía em nói sai, tung tin xấu không có căn cứ cũng không được, mà phía các em kéo nhau đánh bạn cũng không chấp nhận được, nhất lại là nữ sinh.

Theo quy định, các em phải chịu trách nhiệm. Nhưng việc kỷ luật phải làm sao để các em ý thức được hành vi sai trái của mình, để các em biết khắc phục sửa chữa, trở thành những học sinh tốt, tự tu dưỡng rèn luyện để trưởng thành.

Sau sự việc này, Sở sẽ chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện, các trường THPT rà soát lại công tác giáo dục đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị cho học sinh, quan tâm hình thành kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử các tình huống trong cuộc sống.

Sở cũng đã có kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ tư vấn tâm lý học đường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với gia đình, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền xây dựng lối sống, đặc biệt là giáo dục kỹ năng hành vi thao tác ứng xử với mạng Internet, mạng xã hội.

Mỹ Hà - Đức Anh