Khởi sắc một vùng “đất Phật”

Huy Thư 02/04/2019 19:09

(Baonghean.vn) - Là địa phương có bề dày trầm tích văn hóa, huyện Yên Thành có nhiều mái chùa làng đã từng là một phần hồn cốt của quê hương.

Chùa Gám - Trung tâm Phật giáo Yên Thành. Ảnh: Huy Thư

Chùa Gám - Trung tâm Phật giáo Yên Thành. Ảnh: Huy Thư

Chỉ sau một thời gian chấn hưng, khôi phục, Phật giáo trên quê lúa Yên Thành đã có nhiều khởi sắc, góp phần thiết thực trong việc xây dựng cuộc sống an vui, tốt đời đẹp đạo.

Theo Đại đức Thích Tuệ Minh - trụ trì chùa Gám, sau khi chùa được UBND tỉnh chấp thuận khôi phục (năm 2012), cùng với sự chung tay của các tăng ni, phật tử, khu di tích đền - chùa Gám đã được mở mang, tôn tạo, ngày thêm khang trang. Từ những công trình cổ khiêm tốn ban đầu, khuôn viên chùa đã được mở rộng, xây dựng thêm nhiều công trình mới, như cổng tam quan, nhà tăng, nhà khách, giảng đường, lầu chuông, lầu trống, vườn tượng, thư viện, nhà ăn… tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa.

Cùng với đó là việc đẩy mạnh hoạt động tu tập, quy y, thiện nguyện, tổ chức các khóa tu, nhằm đem giáo lý, đạo đức Phật học đến với người dân. Hàng năm, chùa tổ chức nhiều ngày lễ trọng, đặc biệt là lễ hội chùa Gám thu hút hàng vạn người tham gia.

Chùa Bảo Lâm (Hoa Thành) ngày trước tọa lạc cạnh đình Bảo Lâm tạo nên một quần thể di tích có kiến trúc đẹp, linh thiêng. Ngày nay, chùa đang trong quá trình khôi phục tôn tạo. Điều đặc biệt là tại đây còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ bằng đá, gỗ được chế tác từ hàng trăm năm trước.

Tại xã Hoa Thành, chùa Bảo Lâm vốn là ngôi chùa cổ có từ thời Lý, sau một thời gian dài “rơi vào quên lãng” cũng đã được “hồi sinh”, tôn tạo.

Nhờ sự đồng tâm của “những tấm lòng hướng Phật”, sau một thời gian ngắn bắt tay vào xây dựng, chùa Bảo Lâm từ một vùng ao tù nước đọng mênh mông đã trở thành một khu di tích cao ráo với những vườn cây xanh cùng những công trình kiến trúc mới như nhà khách, giảng đường, nhà tăng, thiền đường, vườn tượng…

“Đi chùa với tôi là một nhu cầu thiết yếu, để chuyển hướng thân tâm. Qua những khóa tu, những buổi thuyết pháp, giảng đạo tại chùa, tôi đã thấm dần giáo lý mà bớt sân si, sống an lạc và thanh thản hơn”.

Phật tử Nguyễn Thị Hân (65 tuổi) quê ở xã Phúc Thành

Lung linh đêm hoa đăng tại chùa Gám.

Lung linh đêm hoa đăng tại chùa Gám.

Cho đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Yên Thành đã có 3 ngôi chùa được UBND tỉnh chấp thuận phục hồi: chùa Gám (xã Xuân Thành), chùa Bảo Lâm (xã Hoa Thành), chùa Hương (xã Mỹ Thành).

Riêng Thiền viện Trúc lâm Yên Thành (xã Xuân Thành) đã và đang được xây dựng, nằm trong quần thể Khu văn hóa tâm linh Rú Gám, gồm nhiều công trình, mang dấu ấn văn hóa Phật giáo Việt Nam đương đại là một điểm nhấn quan trọng của Phật giáo khu vực Bắc Trung bộ.

Ngoài ra, nhiều ngôi chùa ở các địa phương như: chùa Tạnh (Hợp Thành), chùa Hậu (Bắc Thành), chùa Non Nước (Khánh Thành), chùa Trung (Trung Thành), chùa Bảo Lương (Bảo Thành), chùa Văn Sơn (Vĩnh Thành), chùa Thiên Tại (Phúc Thành), chùa Thiên Tâm (Lý Thành), chùa Kim Liên (Liên Thành), chùa Yên (Nhân Thành), chùa Truyền Thạch (Mã Thành)… đang trong quá trình hoàn tất thủ tục hồ sơ xin phục hồi.

Hiện cả huyện có 32 đạo tràng sinh hoạt ở 27/39 xã, thị trấn với tổng số phật tử khoảng 12 nghìn người và hàng vạn người có cảm tình với đạo Phật. Một số vị tăng ni ở các chùa đã tham gia hoạt động xã hội (đại biểu HĐND huyện, MTTQ huyện) góp phần nâng tầm vị thế của Phật giáo ở địa phương.

Chùa Chí Linh xây cầu vượt lũ, “mang điện về bản” cho người dân vùng sâu vùng xa
Chùa Chí Linh xây cầu vượt lũ, “mang điện về bản” cho người dân vùng sâu vùng xa. Ảnh tư liệu

Hàng năm, các chùa còn mở các khóa tu đào tạo và nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao với người dân các địa phương.

Các nhà chùa cũng thường xuyên phát tâm kêu gọi, tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện về với vùng sâu vùng xa, như: “Nhip cầu yêu thương”, “Mang điện về bản” “Bảo trợ học đường”… xây dựng nhiều ngôi nhà tình thương, nhiều cây cầu vượt lũ, trao hàng nghìn suất quà chia sẻ khó khăn với các gia đình hoàn cảnh, chính sách…

“Phật giáo ở Yên Thành đã có từ lâu đời, tuy mới chấn hưng, nhưng đã có nhiều khởi sắc, tích cực. Hy vọng Phật giáo trên quê hương “sông Dinh rú Gám” sẽ tiếp tục phát triển đúng đường hướng của giáo hội và sớm thành lập được Ban trị sự Phật giáo Yên Thành”.

Ông Nguyễn Danh Tuệ - Chủ tịch UBMTTQ huyện Yên Thành

Thi đánh trống tế tại chùa Gám.

Thi đánh trống tế tại chùa Gám.

Huy Thư