Công Phượng, Xuân Trường, Văn Lâm: Lửa thử vàng!
Công Phượng, Xuân Trường mòn đũng quần ở Incheon United và Buriram United, trong khi Văn Lâm bắt chính ở Muangthong United, nhưng đội bóng này lại khởi đầu rất kém cỏi. Ba chàng ngự lâm của tuyển Việt Nam đều đang đối mặt với những thách thức thực sự.
1. Khi Soukaphone Vongchiengkhem tung cú sút xa cực kỳ đẹp mắt vượt khỏi tầm với của Đặng Văn Lâm và ấn định chiến thắng 3-0 cho Chainat Hornbill, không ít người hâm mộ bóng đá Việt cảm thấy một nỗi buồn xen lẫn… uất ức đến khó hiểu. Chưa thể khẳng định “Messi Lào” sẽ thành công ở Thai League hơn hai tuyển thủ Việt Nam, song ít nhất, anh đã để lại dấu ấn rõ rệt hơn.
Văn Lâm không khó để chiếm vị trí chính thức trong khung gỗ Muangthong United, bởi vị thế đặc biệt khi anh được mời về. Nhưng vấn đề ở chỗ bóng đá là môn thể thao tập thể, và cho dù Lâm đã thể hiện rất tốt, thì anh cũng không thể kéo cả đội bóng đang khủng hoảng đi lên. Trận thua đội bét bảng Chainat vừa rồi là một minh chứng khi 2/3 bàn thua có lỗi nghiêm trọng của các hậu vệ và tiền vệ Lee Ho.
Bên cạnh đó, ngôi sao Aung Thu sa sút khó tin, trong khi Charyl Chappuis còn mất luôn cả vị trí. Kết quả, Muangthong xếp áp chót trên bảng xếp hạng, và thủng lưới nhiều thứ 4 Thai League với 9 bàn thua, chỉ ít hơn Trat, Ratchaburi (10), và Chonburi (14).
Văn Lâm duy trì phong độ xuất sắc trong khung gỗ nhưng các đồng đội của anh ở Muangthong United thì không được như vậy. |
Trái với Muangthong, Buriram đang dẫn đầu Thai League, nhưng điều đáng buồn là trong thành công ấy không có dấu ấn của Xuân Trường. Anh đá vỏn vẹn 2/7 trận (111 phút, và đều bị thay ra), và Buriram đều hòa. So với Soukaphone (đá 205 phút, ghi 1 bàn), Xuân Trường khởi đầu ở Thai League kém hơn thật.
2. Công Phượng đã chọn giải đấu khó khăn hơn cả Thai League. Ở Incheon United, anh đã ghi bàn trong các trận giao hữu, đã cố gắng trong những lần được tung vào sân song chưa tạo dấu ấn cụ thể. Đến khi Phượng được đá trọn 90 phút thì đội nhà thua đậm trước Daegu và rớt xuống áp chót.
Công Phương đá chính trong thất bái của Incheon trước Daegu. |
Lối thoát nào cho cả ba ngôi sao của bóng đá Việt Nam? Đối với Văn Lâm, có lẽ vấn đề nằm ở các đồng đội cũng như vị trí trên băng ghế huấn luyện (HLV Pairoj Borwonwatanadilock vừa từ chức) chứ không phải đẳng cấp và kinh nghiệm của anh.
Ở Buriram, vị trí tiền vệ trung tâm là cuộc chiến khốc liệt với toàn đối thủ cứng cựa như đội trưởng Suchao Nutnum, đội phó Jakkaphan, và tuyển thủ Nhật Bản Hajime Hosogai, trong khi bản thân Trường thì không có phong độ ổn định trong gần 1 năm qua.
Còn Công Phượng? Có thể thấy HLV Jorn Andersen chủ ý không vội sử dụng “số 23”, để anh dần thích nghi cũng như không phải chịu quá nhiều áp lực từ sự kỳ vọng.
Mọi khó khăn cũng chỉ là thử thách, và chỉ những người đủ tài năng và nghị lực mới xứng đáng gặt hái thành công. Xét về mặt này, Văn Lâm xứng đáng được kỳ vọng thành công nhất. Hành trình từ một tài năng trẻ bị ruồng bỏ đến thủ thành số một trong khung gỗ tuyển Việt Nam của anh là một minh chứng.