Dân không thiếu lãnh đạo, chỉ thiếu đầy tớ trung thành

TS Đinh Đức Sinh 05/04/2019 10:24

Nhân dân không chỉ cần có người lãnh đạo mà cần có người vừa là lãnh đạo vừa là đầy tớ thật trung thành của mình.

Dân không thiếu người lãnh đạo

Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại, Bác Hồ đã đau đáu một ý nguyện “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Không chỉ để lại ý nguyện đó, Bác còn để lại một tấm gương cụ thể về một con người vừa là lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân, đó chính là Bác. Các văn kiện của Đảng và Nhà nước đã bao lần nhấn mạnh về vị trí trung tâm của con người, về tầm quan trọng của cán bộ trong mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhân dân ta đã không thiếu những người vừa là lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân nên đã đi tới thắng lợi cuối cùng, trở thành lá cờ đầu của cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới.

Ngày nay, công cuộc Đổi mới đã đi được chặng đường 33 năm (1986 - 2019), tức dài hơn chặng đường 30 năm (1945 - 1975) của cuộc cách mạng giải phóng, nhưng thắng lợi chỉ đạt được chừng một nửa so với những quốc gia đi đầu trong sự nghiệp trở thành hùng cường.

Đã có nhiều lý giải về thắng lợi một nửa đó. Nếu cần thêm một lý do nào nữa, đó là vì trong công cuộc đổi mới, nhân dân Việt Nam tuy không thiếu người lãnh đạo, nhưng lại thiếu đầy tớ thật trung thành của mình.

Nếu dựa vào dân thì “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nếu dựa vào dân thì “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thật vậy, trong tất cả các nhiệm kỳ, tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể bao giờ cũng đều bầu được đầy đủ số cán bộ lãnh đạo theo quy định. Nếu bầu một lần chưa đủ thì bầu bổ sung, hoặc cấp trên cử xuống, không để ghế trống. Đối với những cán bộ không bị chi phối bởi nhiệm kỳ thì sự bổ nhiệm không bao giờ để thiếu, thậm chí luôn thừa, nhất là với các cấp phó trong nhiều ngành, nhiều cấp.

Đã không ít tổ chức có biên chế lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Ngay từ khi nền kinh tế thị trường trong thời kỳ đổi mới còn đang manh nha thì thị trường chạy chức, chạy quyền đã trên đà tăng tốc và liên tục hoàn thiện. Chưa bao giờ người lãnh đạo lại được trân trọng và vui mừng giới thiệu tại các sự kiện đủ loại với một danh sách đã dài và ngày càng dài như những năm qua.

Đến dự sự kiện, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đông đảo nhân dân chưa bao giờ và ở đâu được giới thiệu đầu tiên. Việc giới thiệu đầu tiên luôn là các chức vụ cán bộ đang đảm nhiệm, đồng thời không kiệm lời khi nhắc lại đầy đủ các chức vụ đó khi mời cán bộ phát biểu và khi cảm ơn cán bộ phát biểu xong.

Trong các hình thức khen thưởng, tôn vinh cao nhất, cán bộ lãnh đạo luôn chiếm số đông. Đối với cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, nhân dân yêu cầu xử lý thì cấp trên giải thích “nếu xử lý hết thì lấy ai làm việc”. Cán bộ lãnh đạo tuy lương không cao quá nhiều so với cấp dưới, nhưng các điều kiện làm việc như trụ sở, nhà công vụ, xe công, diện tích đất xây nhà riêng… mỗi nhiệm kỳ đều có thay đổi theo hướng tăng lên.

Tóm lại, chưa bao giờ nhân dân bị thiếu người lãnh đạo của mình. Chưa bao giờ người lãnh đạo lại không được ưu tiên tôn vinh, khen thưởng. Người lãnh đạo cũng chưa khi nào bị cắt giảm thu nhập và điều kiện làm việc. Nếu có sai phạm, cán bộ được cấp trên cho qua, nhân dân cũng chưa bao giờ nỡ nặng nề về việc này. Rõ ràng, nhân dân luôn bao dung với người lãnh đạo của mình.

Dân thiếu đầy tớ trung thành

Nhưng nhân dân không chỉ cần có người lãnh đạo mà cần có người vừa là lãnh đạo vừa là đầy tớ thật trung thành của mình. Số người này tuy có nhưng chỉ là một phần trong số những người lãnh đạo. Chưa có số liệu điều tra về số cán bộ không phải vừa là lãnh đạo vừa là đầy tớ của dân, nhưng Đảng, Nhà nước đã định lượng được khi cho rằng một bộ phận nhỏ (và nay đã không còn nhỏ) trong đội ngũ cán bộ đã nhúng chàm, cần loại bỏ.

Trên thực tế, từ sau Đại hội XII, đã có trên 60 cán bộ cấp cao và trên 53.000 cán bộ các cấp khác bị xử lý. Riêng Hà Nội, 3 năm qua đã có tới 98 người là Chủ tịch và Phó chủ tịch xã, phường, thị trấn và tương đương bị kỷ luật, cách chức.

Trong “tai mắt nhân dân” thì số người bị xử lý đó chưa phải đã là tất cả. Trong đó, số đã nhúng chàm nhưng chưa ra đầu thú còn nhiều. Số nhúng chàm đã bị phát hiện, đang chờ xử lý không ít. Số người tiếp tục nhúng chàm vẫn diễn biến mặc dù đã bớt trắng trợn. Số muốn nhúng chàm vẫn có cơ hội để thực hiện không hiếm. Số không muốn nhúng chàm đã tăng nhưng không khó để quay lại.

Chưa thể kể ra hết, nhưng chỉ chừng đó thôi cũng đã thấy nhân dân đang bị thiếu đầy tớ thật trung thành của mình tới mức nào. Con sâu làm rầu nồi canh, nhưng cả bầy sâu thì còn đâu nồi canh nữa.

Từ chỗ chưa nỡ nặng nề, nay đã quá ngưỡng, nhân dân đang lo lắng về sự thiếu hụt này bởi hậu họa rất khó lường, nhất là khi lợi ích của nhân dân bị đặt thấp hơn lợi ích của những người đã là lãnh đạo nhưng chưa kịp trở thành đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Những hậu họa không còn ở thì tương lai, mà đã và đang hiện sinh trong đời sống kinh tế, xã hội.

Nhân dân rất cần “điện, đường, trường, trạm” tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhưng tới nay nhiều nơi còn chưa được đáp ứng, hoặc đáp ứng chưa đầy đủ, chất lượng thấp, thiếu bền vững.

Trong khi đó các dự án tượng đài to lớn, quảng trường hoành tráng, trụ sở khang trang tuy nhân dân chưa thấy cấp thiết nhưng lại đua nhau được lập quy hoạch, khẩn trương khởi công, nhanh chóng khánh thành.

Nhân dân rất cần sắp xếp lại khu vực doanh nghiệp Nhà nước, phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Nhưng đã qua hai, ba thập kỷ, cái cần sắp xếp vẫn ngổn ngang, cái cần phát triển vẫn gặp nhiều trở ngại.

Nhân dân rất cần sắp xếp bộ máy công quyền, tinh giảm biên chế cán bộ, công chức, nhưng làm mãi vẫn chưa xong, thậm chí bộ máy càng phình ra, biên chế càng tăng thêm. Đặc biệt, nhiều đoàn thể tuy không phải là công quyền nhưng cũng tổ chức như công quyền, ăn lương ngân sách Nhà nước.

Nhân dân rất cần công khai, minh bạch, giải trình việc sử dụng các công cụ, nguồn lực của các cơ quan, công sở, nhưng không được đáp ứng bởi những danh mục “bí mật”, “nhạy cảm”, “cấm kỵ” được dăng ra quá mức cần thiết.

Nhân dân rất cần chớp thời cơ, nắm cơ hội để sớm làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhưng nhiều thời cơ đã bị bỏ qua, nhiều cơ hội đã bị tuột khỏi tầm với, đất nước dừng lại quá lâu ở mức phát triển trung bình thấp.

Đằng sau những nghịch cảnh trên đây đều có bàn tay, khối óc của những người lãnh đạo chưa kịp là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Những người này sở dĩ lọt được vào bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể là do chưa được sàng lọc kỹ lưỡng trong quy trình bầu cử tại Đại hội Đảng các cấp, trong quy trình Đảng cử dân bầu đại biểu nhân dân các cấp, trong quy trình bổ nhiệm cán bộ các cấp.

Các quy trình này tuy đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều lần nhưng vẫn dễ dàng để “voi chui qua lỗ kim”. Các bộ sàng lọc hiện có đã không loại ra được những người không cần kiệm liêm chính, chí công vô tư như Bác Hồ đã chỉ ra tám 8 chữ vàng đó trong Di chúc.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết “Sang năm là đại hội các cấp, bây giờ bắt đầu bàn nhân sự rồi”. Lúc này là thời khắc có ý nghĩa đặc biệt. Các tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể đang khẩn trương chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ mới. Mong rằng, dù khẩn trương đến đâu thì danh sách những người ứng cử, đề cử vào các chức vụ lãnh đạo sẽ chỉ bao gồm những người đã và đang là những đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Việc nhận ra những người này tuy không hề đơn giản, nhưng hoàn toàn có thể làm được nếu đặt 8 chữ vàng vào bộ sàng lọc để loại ra tất cả những ai không là người cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Đây thực sự là một thách thức đối với từng ban lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, các đoàn thể. Ở đó, những người vừa là lãnh đạo vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân đã đến lúc phải nhất thiết thắng cuộc chứ không phải ngược lại.

Tuy khó, nhưng nếu dựa vào dân thì “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

TS Đinh Đức Sinh