Đại biểu Quốc hội chưa đồng tình điều chỉnh mức vốn đầu tư các dự án quan trọng
Các đại biểu chưa đồng tình việc điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng.
Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ngày 5/4, các đại biểu thảo luận về các nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Tại hội nghị, các ý kiến của đại biểu chưa đồng tình việc điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng và kiến nghị giải pháp quy định để đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn ODA.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công là tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia theo nhóm A, B, C. Theo các đại biểu, việc điều chỉnh tăng mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng là mức quá cao, dẫn tới khó kiểm soát.
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. |
Đại biểu Hoàng Quang Hàm, đoàn Phú Thọ nhận định, nếu như chưa có tiêu chí cụ thể thì đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành là 10.000 tỷ đồng. Mức vốn 10.000 tỷ đồng là không bất cập vì cả giai đoạn 2016-2020 có 2 dự án, thực hiện không vướng mắc gì.
“Đối với một quốc gia đang phát triển, cả giai đoạn phát triển 5 năm chỉ có 2 dự án là quá ít. Trong thời gian đó không có những biến động theo Luật điều chỉnh. Luật quy định những biến động lớn về giá cả mới được điều chỉnh. Trên thực tiễn, nếu Quốc hội quyết định có ngay vốn, có ngay chính sách đặc thù và được đại biểu đóng góp ý kiến tốt hơn. Mặt khác, hiện nay chúng ta coi mức vốn 10.000 tỷ đồng là bất hợp lý sau đó tính thêm trượt giá và tăng trưởng, dự kiến cho tương lai như thế là không hợp lý”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phan Thái Bình, đoàn Quảng Nam phân tích, nếu điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng có thể 5 năm tới Quốc hội không quyết định được dự án nào.
“Quan trọng là tính khả thi của dự án và thực tiễn đặt ra như nào? Vì sao lúc đầu là 35.000 tỷ đồng, xuống 20.000 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng cũng chỉ có 2 dự án. Nếu đưa lên 35.000 tỷ hay 20.000 tỷ đồng có khi cả giai đoạn Quốc hội không quyết dự án nào, sẽ không mang tính khả thi. Cần xem xét dự án đó giải quyết vấn đề gì cấp bách, vấn đề gì quan trọng đất nước đang đặt ra chứ không phải số tiền bao nhiêu nên giữ nguyên quy định là Quốc hội quyết các dự án từ 10.000 tỷ đồng trở lên”, đại biểu Phan Thái Bình chỉ rõ.
Theo các đại biểu, nếu Quốc hội quyết 10.000 tỷ đồng vẫn là con số lớn, quy định thấp hơn để đảm bảo tính khả thi. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, đoàn Cần Thơ; đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, đoàn Hòa Bình cũng nêu thực tế thời gian qua có việc chia nhỏ vốn của các dự án để không phải trình Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho biết, tình trạng công trình khan vốn trong khi nhà đầu tư dư vốn nhưng không giải ngân được. Do vậy, cần có quy định để đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn ODA.
Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Ảnh minh họa |
“Một công trình thì khát vốn trong khi nhà đầu tư dư vốn, nếu chỉ vì quy định mà không bố trí vốn để thực hiện dự án, để đảm bảo tiến độ và các cam kết đối với nhà thầu, tài trợ nước ngoài. Đây là thực tế đang diễn ra nên cần bộ nguyên tắc về bố trí vốn, đặc biệt vốn ODA. Vốn nhà nước thuộc thẩm quyền Việt Nam đã ký cam kết thì đề nghị tôn trọng các cam kết đó để tổ chức thực hiện tốt đảm bảo uy tín của Quốc gia đối với nhà tài trợ”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nêu rõ.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu nêu ý kiến về tiêu chí dự án liên quan đến tác động môi trường, sử dụng đất rừng, đất lúa, tác động đến dân cư... Đây là những vấn đề quan trọng của quốc gia, cần phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời để bảo đảm tính thống nhất về chính sách được quy định ở các luật khác./.