5 kỹ thuật lái xe phòng vệ tài mới cần nắm

Ngọc Anh 10/04/2019 11:07

(Baonghean.vn) - Khi tham gia giao thông, các tình huống khác nhau sẽ đòi hỏi cách xử lý khác nhau, nhưng có 5 kỹ thuật lái xe phòng vệ cơ bản mà tài xế lúc nào cũng nên tuân thủ để đảm bảo an toàn cũng như giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn.

1. Nhìn xa

Những lái mới chưa có kinh nghiệm thường có thói quen chỉ nhìn ngay phía trước xe mà không phóng tầm mắt ra xa hơn. Có thể người điều khiển ô tô cho rằng mình không phải kiểu đó, nhưng điều này thường xảy ra trong vô thức.

Vậy câu hỏi đặt ra là nên nhìn xa bao nhiêu? Câu trả lời là xa nhất có thể; thậm chí là hàng cây số. Hầu hết các tai nạn đều có thể tránh được nếu tài xế nắm rõ tình huống và lên kế hoạch trước bằng cách nhìn ra xa.

2. Nhìn toàn cảnh

Trong khóa học lái xe ô tô, hầu hết các tài xế đều nghe đi nghe lại lời nhắc nhở "nên nhìn toàn cảnh". Tuy nhiên, nếu yêu cầu định nghĩa "nhìn toàn cảnh" là gì thì sẽ có rất nhiều câu trả lời khác nhau.

Điều quan trọng nhất là đừng bao giờ cố định ánh nhìn về một phía. Thay vào đó, người cầm vô lăng cần quan sát bên trái, bên phải, phía trước và cả phía sau qua gương chiếu hậu để có thể nhận biết, lường trước các mối nguy hiểm từ mọi phía để lên kế hoạch giải quyết xử lý.

3. Duy trì khoảng cách thích hợp

Đây là một trong những kỹ thuật lái xe phòng vệ phổ biến nhất. Duy trì khoảng cách an toàn quan trọng không kém việc giữ tốc độ an toàn. Xét cho cùng, tài xế có thể chạy đến 200km/h, miễn khoảng cách giữa các xe phải hợp lý... Mọi người có xu hướng túm tụm lại khi dừng đèn đỏ, và nếu bạn cách xe phía trước quá xa, chắc chắn sẽ có người khác chen lên. Vì thế, áp dụng thuần thục kỹ thuật này có thể giúp chuyến đi an toàn hơn.

4. Có kế hoạch thoát hiểm

Để lái xe an toàn phải luôn có kế hoạch thoát hiểm; dù là "tay lái lụa" đến đâu cũng không thể dự đoán được hành vi của các tài xế xung quanh. Ngoài ra, các yếu tố ngoài tầm kiểm soát có thể nhanh chóng biến tình huống thông thường thành trường hợp khẩn cấp. Chẳng hạn, một con chó bất chợt xồ ra khiến các xe phải phanh gấp. Hoặc có xe phía trước bị xịt lốp và mất kiểm soát... Chính vì vậy, bạn cần có kế hoạch phù hợp cho những tình huống khẩn cấp.

5. Giảm yếu tố gây mất tập trung

Nhiều người vừa điều khiển xe vừa ăn, nghe điện thoại, nhắn tin hoặc thậm chí bị phân tâm bởi hành khách khác hay thú cưng trong xe. Những nhân tố gây mất tập trung khi lái xe ô tô xuất hiện ở mọi nơi trong khi các tài xế không thể kiểm soát được tất cả.

Trong hầu hết các vụ tai nạn liên quan đến nhân tố nằm ngoài tầm kiểm soát, theo các chuyên gia kinh nghiệm về xe hơi, nguyên nhân không phải ở các nhân tố gây mất tập trung mà là phản ứng của tài xế. Giải pháp tối ưu chỉ có thể là tập trung vào lái. Đừng chú ý đến bất cứ điều gì khác cho đến khi an toàn dừng xe bên lề đường.

Ngọc Anh