Lòng tôn kính Đức Mẹ trong tháng Hoa
(Baonghean.vn) - Trong một năm, người Công giáo dành ra vài tháng để kính nhớ một nhân vật nào đó, cụ thể là: tháng 5 kính Đức Mẹ, tháng 6 kính Thánh tâm Chúa, tháng 10 kính Đức Mẹ Mân côi, tháng 11 nhớ các linh hồn đã qua đời.
Ngay từ tháng 4, muôn con tim người Công giáo lại rạo rực chuẩn bị hướng về Mẹ Maria như một ngọn hải đăng để tỏ lòng tôn kính, mến yêu. Tháng 5, còn được gọi là tháng Hoa, vì thế đối với người Công giáo mang một ý nghĩa đặc biệt. Trong đời, ai cũng một lần được nghe những lời yêu thương như sau:
“Mẹ là dòng suối ngọt ngào”
“Mẹ là bóng mát dịu dàng”
“Mẹ là nguồn thương yêu bất tận”
Hình ảnh người mẹ trần gian của người bên lương cũng thôi thúc, day dứt như người bên giáo hướng về Mẹ trên trời. Lòng sùng kính Đức Mẹ của giáo dân mang đậm nét kính trọng và mến yêu vì mang nặng tình mẫu tử.
Ý nghĩa của tháng Hoa
Mẹ Maria cũng được ví như Người Nữ tuyệt vời nhất. Mẹ đẹp tâm hồn, Mẹ đẹp thân xác. Vì thế, nơi hoa tỏa ra mùi thơm ngào ngạt, tượng trưng cho các nhân đức nơi Mẹ. Đồng thời, những sắc màu của hoa tượng trưng cho Mẹ là Mẹ muôn loài khi đón nhận vai trò làm Mẹ Thiên Chúa.
Đức Mẹ còn được ví như Hòm Bia của Thiên Chúa, mà hoa lại là vật được dùng để trang trí cho Hòm Bia Giao Ước thời Cựu Ước. Như thế, Đức Mẹ luôn ở bên Thiên Chúa. Và hoa lại ở bên Mẹ…!
Hẳn chúng ta còn nhớ, trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền lệnh cho Môsê làm những nụ và cánh hoa để trang trí nơi cây đèn 7 ngọn đặt trước Hòm Bia Giao Ước. Hay như Salomon, ông đã ra lệnh cho nghệ nhân điêu khắc những cánh hoa bên trong và bên ngoài để trang trí nơi Cực Thánh trong đền thờ.
Bắt nguồn từ đó, hoa trong phụng vụ hay truyền thống của người Công Giáo luôn được coi trọng. Nó được dùng để trang hoàng cung thánh, bàn thờ hay để tỏ lòng tôn kính với các vị thánh, đặc biệt là Đức Mẹ. Tức là hoa được dùng vào vị trí trang trọng trong đời sống phụng vụ của Giáo hội.
Mẹ Maria được ví như bông hoa thơm ngát trước tòa Chúa, nhưng trước đó Mẹ cũng là những con người rất đỗi bình thường như bao người phụ nữ khác. Tuy nhiên, được Thiên Chúa tuyển chọn, và qua tiếng “Xin Vâng” nên Mẹ đã trở nên tuyệt mỹ. Mẹ đã trở thành đóa hoa thơm ngát trước Ngai Thiên Chúa. Tại sao lại như thế, thưa, chỉ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và như một sự tất yếu.
Ý nghĩa của việc dâng Hoa kính Mẹ
Tại sao lại dâng hoa mà không dâng những thứ khác? Thưa! Rất đơn giản, vì hoa là thứ đẹp nhất trong mọi loài Chúa dựng nên, chẳng thế mà Đức Giêsu đã ví sự lộng lẫy, tươi đẹp của hoa còn hơn cả vua Salomon: “Chúng con hãy xem hoa huệ ngoài đồng. Chúng không canh cửa, không xe dệt, thế mà Thầy bảo cho chúng con biết, ngay cả Vua Salomon dù vinh hoa tột bậc, cũng không thể mặc đẹp bằng một bông hoa ấy”.
Các nhà thờ thường hay tổ chức dâng hoa kính Mẹ, lúc này, mỗi màu hoa lại tượng trưng cho một nỗi lòng của con cái muốn dâng lên Mẹ, hay ca ngợi một nhân đức nào đó của Mẹ. Như vậy, hoa là biểu trưng cho lòng Mẹ và cũng là biểu trưng của lòng người:
Hoa huệ trắng biểu trưng sự trong sạch khiết trinh nơi Mẹ;
Hoa hồng diễn tả lòng mến nồng nàn mà Mẹ dành cho Chúa;
Hoa lan toát lên sự trung thành, mạnh mẽ và can đảm nơi Mẹ;
Hoa sen tượng trưng phó thác, đại lượng và cung kính nơi Mẹ;
Hoa có màu tím tượng trưng cho sự khiêm tốn …
Người Việt Nam chúng ta không kể bên lương hay bên giáo mỗi khi biết ơn ai, hoặc kính trọng ai, thường hay biểu cảm qua bó hoa hay bông hoa.
Với người công giáo, những biến cố quan trọng trong đời sống đức tin như: khi Rửa tội; Thêm sức; lãnh nhận Hôn phối; hay Truyền chức thánh, người ta cũng tặng hoa cho những người được mừng, và ngay cả khi chết, người ta cũng biểu đạt bằng hoa trên quan tài, bên di ảnh hay nơi mộ phần.
Hay khi gặp rủi ro, tai nạn, bệnh tật, khi hết bệnh, người ta cũng dâng hoa để tỏ lòng biết ơn với Thiên Chúa, Đức Mẹ và các thánh…
Vì thế mỗi dịp tháng Năm về, từ khắp nơi, mọi thành phần, lứa tuổi, đều hân hoan, nô nức dâng kính Mẹ những đóa hoa tươi thắm./.