Tăng tiền phạt vi phạm giao thông khi sửa Nghị định 46

baogiaothong.vn 13/04/2019 07:44

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tới đây cần sửa đổi Nghị định 46 theo hướng tăng mức phạt tối đa với người vi phạm trong lĩnh vực đường bộ.

Sau 2 năm thực hiện Nghị định 46/2016 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt vẫn còn nhiều hành vi khó xử phạt trong thực tiễn, gây tranh cãi giữa lực lượng chức năng và người tham gia giao thông...

Tước GPLX vĩnh viễn

Tổng cục Đường bộ VN vừa tổ chức sơ kết 2 năm triển khai Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt để đề xuất sửa đổi các vấn đề còn bất cập.

Ảnh minh họa

Theo bà Hoàng Hồng Hạnh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ VN), sau 2 năm thực hiện Nghị định 46 theo hướng tăng nặng mức phạt, lực lượng Thanh tra giao thông đã phát hiện trên 240.000 vụ vi phạm, xử phạt số tiền hơn 500 tỷ đồng. Lực lượng công an đã xử lý vi phạm trong lĩnh vực đường bộ hơn 7 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 4.600 tỷ đồng, tước gần 600.000 GPLX. Lĩnh vực đường sắt xử phạt hơn gần 3.000 trường hợp, phạt tiền hơn 1,6 tỷ đồng.


Tuy nhiên, theo bà Hoàng Hồng Hạnh, qua 2 năm thực hiện Nghị định 46 đã bộc lộ một số bất cập. “Vi phạm trên đường cao tốc đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tình trạng lùi xe, đỗ xe, đón trả khách trên đường cao tốc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Tình trạng sử dụng rượu bia, ma túy khi điều khiển phương tiện cũng tăng cao thời gian qua, gây ra một số vụ TNGT nghiêm trọng, tuy nhiên hình thức xử lý chưa đủ sức răn đe”, bà Hạnh nói và cho rằng, hiện chưa có cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính, chưa có cơ chế chia sẻ và cung cấp thông tin các đối tượng vi phạm, nên rất khó xác định trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm để xử phạt tăng nặng.

Do đó, theo bà Hạnh, tới đây cần sửa đổi Nghị định 46 theo hướng tăng mức phạt tối đa với người vi phạm trong lĩnh vực đường bộ. Có thể tăng lên tối đa 80 triệu đồng, gấp đôi mức hiện hành chỉ 40 triệu đồng. “Đồng thời, tăng thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX), thay vì tối đa 24 tháng như hiện nay, có thể tước quyền sử dụng GPLX vĩnh viễn với một số vi phạm có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm để tăng tính răn đe.

Đồng quan điểm về tước GPLX vĩnh viễn đối với các hành vi vi phạm đặc biệt nguy hiểm, ông Võ Minh Đức, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tình trạng lái xe sử dụng ma túy rất phổ biến. Qua kiểm tra ở Nghệ An đã phát hiện 12 trường hợp và tiềm ẩn hành vi này còn rất lớn. Điều đáng chú ý là có trường hợp lái xe đường dài đã tự nhận nếu không sử dụng ma túy sẽ rất buồn ngủ.

“Nếu không có giải pháp quyết liệt ngăn chặn lái xe sử dụng ma túy sẽ thành vấn nạn vì đã có nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người chết thời gian qua do lái xe sử dụng ma túy. Đối với lái xe sử dụng ma túy nên quy định thu hồi vĩnh viễn GPLX, chỉ trừ trường hợp qua cải tạo, kiểm tra lại thấy đủ điều kiện học lại mới cho thi cấp lại”, ông Đức đề xuất.

Ở góc độ lực lượng trực tiếp xử phạt, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) - thành viên tổ soạn thảo Nghị định cho rằng, trong quá trình thực hiện Nghị định còn nhiều vấn đề khó thực hiện như khi CSGT xử phạt phải cần 2 người làm nhân chứng, nhất là vào ban đêm, hay khi vượt đèn đỏ hay đèn vàng xảy ra trong thời gian ngắn nên không thể có người làm chứng. Đây là những hành vi nhỏ nhưng tạo ra xung đột xã hội lớn.

Đa dạng hóa hình thức xử phạt

Ông Trần Hữu Minh - Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, phải xây dựng hệ dữ liệu quốc gia về ATGT để quản lý hành vi tái phạm. Theo ông Minh, người vi phạm nộp phạt xong mà hồ sơ trắng tinh thì tính giáo dục răn đe sẽ không cao. Người vi phạm bị lưu trữ trong dữ liệu quốc gia sẽ cẩn trọng thời gian tới không sẽ bị phạt nặng hơn.

Mặc dù các quy định xử phạt tăng lên sau những lần sửa đổi nhưng tình trạng vi phạm an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh tư liệu

“Lưu trữ dữ liệu và xử phạt lũy tiến rất quan trọng. Nghị định 46 không thể làm được điều này, muốn làm được phải sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính (chưa cho phép xử phạt lũy tiến) và Luật Thống kê (chưa quy định thống kê các vi phạm về trật tự ATGT và lưu trữ trong dữ liệu quốc gia). Vì vậy, Bộ Công an có muốn làm cũng không làm được vì không có nguồn lực, con người để triển khai làm mà phải có ngân sách quốc gia cấp làm. Khi có, mới phạt lũy tiến và quản lý tái phạm”, ông Minh cho hay.

Cũng theo ông Minh, tới đây cần đa dạng hóa hình thức xử phạt. Ngoài công cụ hành chính, nên dùng các biện pháp khác về giáo dục như: Lao động công ích, học lại luật, lỗi nặng phải sát hạch lại lý thuyết, thực hành mới được cầm lái lại.

Về mặt kinh tế, theo ông Minh, cần đánh mạnh vào bảo hiểm. Một bất cập lớn hiện nay là bảo hiểm đang tính đồng đều, lái xe an toàn hay không mức bảo hiểm giống nhau.

“Trên thế giới điều chỉnh bảo hiểm theo rủi ro của phương tiện người lái. Nếu như lái xe vừa nhận bằng lái thì rủi ro cao do chưa có kỹ năng như lái xe có kinh nghiệm lâu năm, do đó phải đóng bảo hiểm cao hơn. Nếu đưa vào sẽ răn đe rất tốt vì đánh trực tiếp vào “túi tiền” người dân đó là từ ý thức đến hành động, tâm lý lái xe, kinh tế thu nhập”, ông Minh nói.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho rằng, việc sửa đổi Nghị định lần này, để sát với thực tiễn, tổ soạn thảo sẽ trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt thực tiễn. Nghị định quy định khoảng 3.000 hành vi phạm nhưng có khoảng 50-60 hành vi lực lượng chức năng thường xuyên gặp. Ví dụ như quy định hành vi đi không đúng phần đường, làn đường, trong khi người tham gia giao thông chỉ vi phạm được 1 lỗi là phần đường hay làn đường. Những vướng mắc từ thực tiễn sẽ đề xuất sửa đổi.

baogiaothong.vn