Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Cần khuyến khích đồng bào tự lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo

Thanh Quỳnh 18/04/2019 17:51

(Baonghean.vn) - Làm việc tại huyện Tương Dương, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị, huyện cần nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích đồng bào tự lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, để từng bước thay thế các chính sách hỗ trợ trực tiếp và cho không

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Đỗ Văn Chiến làm Trưởng đoàn kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông tại huyện Tương Dương. Cùng tham gia đoàn có đồng chí Nguyễn Lam - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương và đại diện một số cơ quan, ban, ngành Trung ương.

Tiếp đoàn, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

ban chỉ đạo Trung ương
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Quỳnh

Những tín hiệu khả quan

Làm việc với cấp ủy, chính quyền huyện Tương Dương, Đoàn công tác đã nghe báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW trên địa bàn toàn huyện. Cụ thể, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đã có nhiều thay đổi tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2010 - 2018 đạt 12,2%, thu nhập bình quân đạt 27 triệu đồng/người/năm (năm 2003 chỉ đạt 8,62 triệu đồng/người/năm).

Đời sống của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Tương Dương được nâng lên rõ rệt, bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm như: vùng chuyên canh tập trung trồng chanh leo hơn 180 ha tại các xã Nhôn Mai, Hữu Khuông, Tam Hợp; vùng trồng sắn nguyên liệu ở Tam Đình, Yên Thắng, Nga My, Xiêng My và 15 ha canh tác nghệ đỏ cùng hơn 400 mô hình kinh tế có giá trị cao.

Công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện cơ bản được hoàn tất. Trong đó, toàn huyện đã giao 200.538 ha đất lâm nghiệp cho các cộng đồng, đoàn thể và hộ gia đình, cá nhân sử dụng đúng mục đích.

Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, trong sạch, vững mạnh; vị trí, vai trò của các đoàn thể và nhân dân trong việc tham gia thực hiện tốt chính sách dân tộc được nâng cao. Quốc phòng - an ninh, ở vùng dân tộc và miền núi được giữ vững; kịp thời ngăn chặn những thế lực phá hoại khối đoàn kết dân tộc, buôn bán ma túy, vượt biên trái phép làm mất ổn định xã hội.

Những kết quả trên đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc trên địa bàn huyện Tương Dương.

Hiện Tương Dương có hơn 400 mô hình kinh tế
Hiện Tương Dương có hơn 400 mô hình kinh tế xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: Thanh Quỳnh

Kiến nghị từ cơ sở

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Tương Dương mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho huyện trong thời gian tới.

Đồng thời, địa phương kiến nghị Trung ương chỉ đạo sớm triển khai giai đoạn 2 đưa điện lưới quốc gia về 25 thôn bản chưa có điện lưới của địa phương theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới được phê duyệt tại Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ; cho phép chuyển đổi một số diện tích rừng nghèo, không có khả năng phòng hộ sang đất sản xuất lâm nghiệp để giao cho người dân trồng rừng nguyên liệu.

Đối với bản Phá Kháo (xã Mai Sơn) đã xuất hiện vết nứt dài xung quanh bản. Tại điểm trường mầm non và tiểu học của bản đã bị sạt lún nghiêm trọng, buộc 2 điểm trường này phải đóng cửa, đưa học sinh học tạm tại nhà dân. Vì vậy, huyện đề nghị Trung ương bố trí nguồn hỗ trợ theo Quyết định số 20185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

Về giáo dục, lãnh đạo Tương Dương đề nghị cho phép học sinh bậc trung học phổ thông trên địa bàn được hưởng chính sách chế độ nội trú, bởi hầu hết học sinh của địa phương là con em đồng bào dân tộc thiểu số, định cư tại các vùng bản xa trung tâm, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Cuối cùng, địa phương đề nghị phê duyệt dự án tái định cư cho bà con người Mông tại bản Lưu Phong (xã Lưu Kiền) di cư trái phép bị Lào trao trả theo Quyết định 61/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án “Sắp xếp, ổn định dân cư cho người di cư tự do từ nước CHDCND Lào trở về nước”.

huyện Tương Dương
Tương Dương là 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Diện tích tự nhiên là 280,777 ha, chiếm 17% diện tích toàn tỉnh. Dân số hơn 75 nghìn nhân khẩu với 6 dân tộc sinh sống. Ảnh: Google Maps

Thực hiện tốt các chính sách, công tác dân tộc trong tình hình mới

Tại các buổi làm việc với huyện Tương Dương, Đoàn công tác đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của địa phương trong việc triển khai, đưa Nghị quyết vào cuộc sống và đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng khi đời sống của người dân được nâng cao, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số trong bộ máy chính quyền được đảm bảo; trật tự xã hội, an ninh - quốc phòng được đảm bảo; hạ tầng cơ sở được đầu tư bài bản...

Tuy nhiên, đồng chí Đỗ Văn Chiến lưu ý huyện Tương Dương trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt chính sách, công tác dân tộc trong tình hình mới. Đặc biệt là các chương trình đào tạo lao động và tạo việc làm tại chỗ đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số khi theo thống kê trên địa bàn huyện có hơn 12 nghìn lao động ngoại tỉnh, trong đó số lao động hợp pháp chưa đến 5 nghìn người.

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn cao (chiếm hơn 30% năm 2018) đòi hỏi địa phương cần quyết liệt hơn trong công tác giảm nghèo, xây dựng các mô hình kinh tế sát sườn với lợi ích của bà con, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào xây dựng các mô hình sản xuất. Đồng thời, huyện cần triển khai các chương trình chuyển giao kỹ thuật, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, hình thành thế hệ nông dân mới thích ứng với cơ chế thị trường trong vùng dân tộc thiểu số.

đồng chí
Đồng chí Đỗ Văn Chiến mong muốn huyện Tương Dương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, công tác dân tộc trong tình hình mới. Ảnh: Thanh Quỳnh

Thời gian tới, huyện cần nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích đồng bào tự lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, để từng bước thay thế các chính sách hỗ trợ trực tiếp và cho không. Đối với những đề xuất kiến nghị của địa phương sẽ được Đoàn công tác tổng hợp và báo cáo với Ban Bí thư.

Sáng cùng ngày, đoàn công tác đã có buổi làm việc và trao quà cho 25 hộ nghèo và 50 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là người dân tộc thiểu số tại xã Lưu Kiền (Tương Dương). Ảnh: Thanh Quỳnh



Thanh Quỳnh