Mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư giữa Nghệ An với Kochi (Nhật Bản)
(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý mong muốn các doanh nghiệp cũng như các giáo sư, tiến sỹ từ Trường Đại học Kochi sẽ là cầu nối giúp Nghệ An kết nối với chính quyền và các doanh nghiệp tỉnh Kochi, kêu gọi các đối tác Nhật Bản đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh Nghệ An.
Chiều 18/4, UBND tỉnh có buổi làm việc với đoàn doanh nghiệp tỉnh Kochi, Nhật Bản do ông Hiroshige Takano - Chủ tịch HĐQT, Công ty Xây dựng Cầu Kochi-Marutaka dẫn đầu để thảo luận về khả năng hợp tác đầu tư.
Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: Ngoại vụ, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tham dự buổi làm việc còn có đại diện một số doanh nghiệp Nhật Bản như Công ty Eiki Trading; Công ty Nông nghiệp Inoue Calcium; Giáo sư Đại học Kochi... Ảnh: Mỹ Nga |
Dấu ấn hợp tác Nghệ An - Nhật Bản
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý giới thiệu khái quát những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Nghệ An. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2018 đạt 80.971 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 8,77%. Đặc biệt, năm 2018 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Nghệ An xếp thứ 19/63 tỉnh, thành, đây là vị trí cao nhất từ trước tới nay của tỉnh. Tính đến hết năm 2018, trên địa bàn Nghệ An có 83 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,1 tỷ USD.
Giới thiệu khái quát về mối quan hệ hợp tác giữa Nghệ An và Nhật Bản, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết, tỉnh đã thiết lập quan hệ hữu nghị với tỉnh Gifu trên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, giáo dục đào tạo, đầu tư và giao lưu văn hóa, thể thao.
Về hợp tác FDI, hiện tại Nghệ An triển khai 7 dự án có vốn đầu tư Nhật Bản với số vốn 72,69 triệu USD trên các lĩnh vực khai thác đá vôi, thực phẩm, may mặc…
Về ODA, tính đến nay có 44 chương trình dự án ODA do Nhật Bản tài trợ tại Nghệ An với tổng mức đầu tư 6.260 tỷ đồng, tiêu biểu như: Dự án khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An; Dự án hợp tác kỹ thuật về quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp; Dự án phục hồi bền vững rừng phòng hộ...
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh, tỉnh luôn coi trọng hợp tác giữa Nghệ An và Nhật Bản. Ảnh: Mỹ Nga |
Từ các mối quan hệ đó, giao thương giữa hai bên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 22 triệu USD trên các mặt hàng: may mặc, đá, thủ công mỹ nghệ, nông, thủy sản.
Hàng năm số lượng học sinh Nghệ An sang du học tại Nhật Bản ngày càng tăng. Bên cạnh đó, hiện Nghệ An đang có 3.000 - 4.000 lao động đang làm việc tại Nhật Bản.
Mở rộng cơ hội đầu tư
Tại buổi làm việc, ông Hiroshige Takano - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây dựng Cầu Kochi-Marutakan cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
Giới thiệu sơ lược về tỉnh Kochi, ông Horishige Takano cho biết, đây là địa phương là nằm trên một hòn đảo nhỏ của Nhật Bản với dân số 240.000 người, có thế mạnh trong các ngành sản xuất ô tô, công nghiệp nặng.
Đoàn doanh nghiệp của tỉnh Kochi (Nhật Bản) tại buổi làm việc. Ảnh: Mỹ Nga |
Đại diện các doanh nghiệp đã giới thiệu tóm tắt những lợi thế, tiềm năng của mình như: Công ty Nông nghiệp Inoue Calcium là tập đoàn nổi tiếng của Nhật Bản trên lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ có hiệu quả và độ an toàn cao; Tập đoàn SKK chuyên sản xuất tàu biển với trọng tải lớn,...
Các doanh nghiệp bày tỏ hy vọng cùng Nghệ An xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp trang thiết bị trọng yếu xây dựng cảng biển của tỉnh.
Các thành viên trong đoàn đều mong muốn có nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư tại Nghệ An vào các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giáo dục.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý tặng bức tranh lưu niệm cho ông Hiroshige Takano - Trưởng đoàn doanh nghiệp tỉnh Kochi. Ảnh: Mỹ Nga |
Đề cập mối quan hệ hợp tác trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết, hiện nay Nghệ An đang kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản vào các lĩnh vực như nông nghiệp sạch, dược liệu, chế biến nông sản. Đồng chí Thái Thanh Quý mong muốn các doanh nghiệp tỉnh Kochi vừa đầu tư, vừa chuyển giao công nghệ cho tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp sạch - vốn là lợi thế của Nhật Bản.
Ngoài ra, Nghệ An rất quan tâm tới các lĩnh vực như công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ...
Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các doanh nghiệp cũng như các giáo sư, tiến sỹ từ trường Đại học Kochi sẽ là cầu nối, giúp Nghệ An kết nối với chính quyền và các doanh nghiệp tỉnh Kochi, kêu gọi các đối tác Nhật Bản đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh Nghệ An.
Song song với đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh Nghệ An mong muốn hai tỉnh Nghệ An và Kochi sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác thương mại, giáo dục đào tạo, giao lưu văn hóa...