Huyện Quỳ Châu lập đoàn kiểm tra khuất tất trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp

Phạm Bằng 20/04/2019 13:16

(Baonghean.vn) - Theo nguồn tin của phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu - ông Ngô Đức Thuận đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra các vấn đề Báo Nghệ An phản ánh về những khuất tất trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Nhiều khuất tất trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tại Quỳ Châu

Nhiều khuất tất trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tại Quỳ Châu

(Baonghean) - Rừng sản xuất nghèo kiệt được giao cho người dân cải tạo, trồng mới để phát triển kinh tế, nhưng sau đó lại rơi vào tay một nhóm người khác. Không những vậy, một hộ dân còn bị “đuổi” ra khỏi rừng để người khác chiếm đất, dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp.

Theo Quyết định của Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu ký, đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Thanh Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu làm trưởng đoàn; bà Lang Thị Minh - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện làm phó đoàn và các thành viên ở các phòng, ban liên quan.

“Đối với các nội dung bài báo, phần đa cán bộ trong đoàn cũng nắm rồi nhưng một số thành phần trong đoàn cũng chưa nắm được”, bà Lang Thị Minh, phó đoàn kiểm tra cho biết.

Một khu sản xuất rộng lớn với nhà sàn, ao cá mới được dựng lên trên khu vực đất lâm nghiệp ở bản Hủa Na (xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) mà gia đình bà Hà Thị Hoa khai hoang từ năm 2008. Ảnh: Phạm Bằng
Một khu sản xuất rộng lớn với nhà sàn, ao cá mới được dựng lên trên khu vực đất lâm nghiệp ở bản Hủa Na (xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) mà gia đình bà Hà Thị Hoa khai hoang từ năm 2008. Ảnh: Phạm Bằng

Cùng thời điểm, ông Cao Hoàng Hải - Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh cũng cho biết, ông vừa ký quyết định thành lập tổ kiểm tra về những vấn đề báo nêu liên quan đến tình trạng thu hồi đất, xây dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp tại bản Hủa Na, xã Châu Hạnh.

“Đồng chí Lang Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng cùng với các thành viên khác sẽ kiểm tra, xác minh các thông tin báo phản ánh. Tôi yêu cầu đến ngày 24/4, tổ kiểm tra phải có báo cáo cụ thể với Chủ tịch UBND xã và sau đó sẽ thông tin lại với phóng viên”, ông Cao Hoàng Hải cho biết.

Trước đó, vào ngày 19/4, Báo Nghệ An đăng tải bài báo “Những khuất tất trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tại huyện Quỳ Châu”. Bài báo phản ánh 2 vấn đề, một là trường hợp của gia đình bà Hà Thị Hoa ở bản Na Xén, xã Châu Hạnh, từ năm 2008 đã khai hoang khoảng 1ha diện tích đất lâm nghiệp tại bản Hủa Na để nuôi cá, trồng lúa, chăn nuôi.

Đất lâm nghiệp được Nhà nước giao cho người dân đồng bào miền núi để phát triển kinh tế gia đình nhưng sau đó được nhóm người khác gom, hiện đã phát và chuẩn bị trồng keo.
Đất lâm nghiệp được Nhà nước giao cho người dân đồng bào miền núi để phát triển kinh tế gia đình nhưng sau đó được nhóm người khác gom, hiện đã phát và chuẩn bị trồng keo. Ảnh: Phạm Bằng

Tuy nhiên, theo bà Hoa phản ánh thì ông Hiếu - cán bộ địa chính xã đã đề nghị bà trả lại đất để xã thu hồi, giao lại cho hộ dân khác đủ điều kiện. Gia đình bà Hoa dù không muốn nhưng vẫn phải nhận 20 triệu đồng và tháo dỡ lều trại, trả lại đất. Song việc thu hồi đất này được ông Lang Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh phụ trách mảng kinh tế khẳng định rằng, không được ông Hiếu - cán bộ địa chính báo cáo, xin ý kiến.

Diện tích đất này sau đó được một nhóm người không cư trú trên địa bàn xã vào quy hoạch lại, đào ao, xây dựng một căn nhà sàn kiên cố. Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh khẳng định, lãnh đạo xã chưa nắm được vấn đề này và cho rằng, đây là sự sai sót, thiếu trách nhiệm của cán bộ khi để xảy ra sự việc trên.

Nội dung thứ 2, tại 2 bản Tằm 1, Xốp Cam, xã Châu Phong có 4 hộ được UBND huyện Quỳ Châu giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích gần 52ha đất rừng sản xuất tại tiểu khu 195.

Theo hồ sơ xã Châu Phong cung cấp, năm 2019, các hộ này làm đơn xin được cải tạo, thay thế rừng nghèo kiệt bằng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế, cải thiện đời sống gia đình, nâng cao hiệu quả chính sách giao đất lâm nghiệp của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc miền núi.

Trên cơ sở đó, Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Châu đã thành lập tổ vào kiểm tra hiện trạng và kết luận, diện tích đất lâm nghiệp của 4 hộ dân trên có trạng thái là DT2 (đất trống có cây gỗ tái sinh); không có khả năng phục hồi thành rừng tự nhiên có giá trị kinh tế cao và đồng ý cho thực hiện trồng mới rừng.

Một khu rừng ở xã Châu Phong (Quỳ Châu) được đánh giá là rừng nghèo kiệt, không có khả năng phục hồi thành rừng tự nhiên có giá trị kinh tế cao nhưng có nhiều cây gỗ với đường kính lớn. Ảnh: Phạm Bằng
Một khu rừng ở xã Châu Phong (Quỳ Châu) được đánh giá là rừng nghèo kiệt, không có khả năng phục hồi thành rừng tự nhiên có giá trị kinh tế cao nhưng thực tế có nhiều cây gỗ với đường kính lớn. Ảnh: Phạm Bằng

Song thực tế, các hộ này đã âm thầm chuyển nhượng diện tích đất này cho một nhóm người, dưới vỏ bọc hình thức “hợp đồng liên kết” phát triển kinh tế. Trong nhóm người này, thông tin người dân cung cấp có cán bộ đang làm việc tại UBND huyện Quỳ Châu.

Một chủ doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Châu cũng thừa nhận, đã gom được gần 50ha đất rừng, hiện đã phát và chuẩn bị đưa keo giống về trồng.

Phạm Bằng