Phát hiện sinh vật chưa từng thấy ở đáy sâu nhất Ấn Độ Dương

Đăng Nguyễn 22/04/2019 09:59

Ẩn dưới đáy sâu nhất Ấn Độ Dương là một loài sinh vật bí ẩn hoàn toàn mới, có thể là lần đầu tiên được nhìn thấy.

Tunicate là những sinh vật trong suốt như sứa.

Theo CNN, nhà thám hiểm người Mỹ, triệu phú Victor Vescovo đã có phát hiện mới trong chuyến lặn sâu xuống Rãnh Java (7.725 mét), là điểm sâu nhất ở Ấn Độ Dương.

Chuyến thám hiểm này là 1 trong 5 chuyến thám hiểm biển sâu do Discovery Channel ghi lại. Ở dưới đáy Rãnh Java, Vescovo và nhóm của mình đã nhìn thấy một con sứa có lẽ thuộc loài chưa từng được biết đến.

Họ đã ghi hình loài sinh vật này và mô tả “nó trông hết sức phi thường” và “không giống với bất cứ thứ gì từng thấy trước đây”.

Alan Jamieson, nhà khoa học hàng đầu tham gia chuyến thám hiểm, nói với CNN: “Ở đáy sâu có một loài sứa biển như vậy thật đáng kinh ngạc”.

Tunicate là loài động vật cùng họ với mực biển.

“Cả nhóm cố gắng chụp ảnh và ghi hình lại nhiều nhất có thể về thứ mình vừa thấy”.

Trở về khách sạn ở Bali, Jamieson đã lùng sục trên internet để tìm kiếm manh mối. Ông gặp nhóm các nhà khoa học Nhật Bản và hỏi họ về thứ mà mình tìm thấy.

“Chúng tôi đi đến kết luận rằng sinh vật này giống như loài tunicate”, Jamieson nói.

“Tunicate” là sinh vật trông giống một loại cây ma quái được tạo ra từ vụ va chạm với các hành tinh trong bộ phim khoa học viễn tưởng. Thực ra, đây không phải là cây mà là một loài động vật cùng họ với mực biển, chúng ăn thịt và có cách săn mồi vô cùng độc đáo.

Chúng cắm toàn thân sâu dưới đất, đợi chờ con mồi đi qua rồi há miệng để nuốt con mồi. Nhờ vô số sợi đốt có chất độc trong miệng, chúng khiến con mồi tê liệt và trở thành thức ăn.

Jamieson nói sinh vật này đã biến đổi để phù hợp với môi trường sống ở Rãnh Java.

“Sinh vật này biết mình có nguy cơ bị nhấn chìm bởi các hoạt động địa chất, nên chúng phát triển những xúc tu dài để nhấc mình lên khỏi đáy biển và trôi theo dòng nước”, Jamieson nói.

Đăng Nguyễn