Cử tri Tương Dương lo lắng vì vết nứt bí ẩn vây quanh bản
(Baonghean.vn) - Gần một năm nay, hàng loạt vết nứt xuất hiện tại bản Phá Kháo, xã Mai Sơn buộc trường tiểu học và mầm non phải đóng cửa, chuyển đến học tạm tại nhà dân.
Sáng 26/4, các đại biểu Quốc hội: Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Nguyễn Thị Thảo – Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc đã có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 tại xã Mai Sơn (huyện Tương Dương).
Mai Sơn là một trong những xã xa nhất của Nghệ An. Xã này cách trung tâm huyện Tương Dương đến 120 km. Xã có 10 bản thì có 6 bản người Thái, 2 bản Khơ Mú và một bản người Mông. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 58%.
Tại buổi tiếp xúc, đại biểu Lê Quang Huy đã thông báo tới cử tri chương trình dự kiến sẽ diễn ra trong kỳ họp sắp tới. Ảnh: Tiến Hùng |
Theo các cử tri, hơn một năm nay, hàng loạt vết nứt nẻ xuất hiện tại bản Phá Kháo khiến người dân lo lắng. Chiều rộng của vết nứt từ khoảng 5 – 70 cm, nhiều chỗ sâu gần 2 mét. Các vết nứt kéo dài hơn 1km vây quanh bản.
Vết nứt bí ẩn ở nhiều điểm xung quanh trường Mầm non trên địa bàn bản Phá Kháo. Ảnh: Tiến Hùng |
Sau khi vết nứt xuất hiện, các điểm trường tiểu học và mầm non tại bản này đã phải đóng cửa, dựng những lán tạm ở bãi đất trống để dạy học. Tuy nhiên, sau đó những căn lán này cũng bị hư hỏng nặng.
Các nhà trường sau đó phải mượn tạm nhà dân để tiếp tục việc dạy và học. Lãnh đạo xã Mai Sơn cho biết, hiện nay chính quyền cũng không rõ nguyên nhân gây ra những vết nứt này. Trong khi đó, người dân và giáo viên công tác tại đây đang rất lo lắng vì vết nứt ngày càng nghiêm trọng.
Cử tri Mai Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tiến Hùng |
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri Mai Sơn đề nghị các cấp cần tiếp tục có biện pháp vận động dứt điểm các hộ dân tái định cư khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, hiện nay lại quay về sinh sống tại khu vực lòng hồ, gây nhiều khó khăn cho nhân dân trong việc quản lý đất, rừng.
Trong khi đó, cử tri Lô Thanh Thưởng (trưởng bản Na Kha), đề nghị xem xét, khôi phục lại hệ thống đập và kênh mương thủy lợi ở bản này bị hư hỏng toàn bộ do lũ lụt năm 2018. “2 vụ mùa trước không có nước, người dân phải bỏ hoang. Thời điểm này chuẩn bị vụ mùa thứ 3 rồi”, ông Thưởng nói.
Ngoài ra, cử tri xã Mai Sơn cũng cho rằng, địa phương hiện đang thiếu đất sản xuất, đề nghị huyện cần sớm chia lại.
Giải trình trực tiếp tại hội nghị, ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Duơng cho biết, về vấn đề chia lại đất sản xuất, không riêng gì xã Mai Sơn, trên địa bàn huyện nhu cầu về chuyển đổi đất lâm nghiệp, phòng hộ thành đất sản xuất là rất lớn. Huyện cũng đã họp rất nhiều để có kế hoạch chia lại đất.
“Việc này đã được chúng tôi triển khai vài năm nay, đã làm được ở 3 xã Thạch Giám, Tam Quang, Tam Thái. Chúng tôi không thể triển khai cùng một lúc được vì phải có hồ sơ thủ tục đầy đủ. Quá trình đo vẽ phải có kinh phí, huyện phải hợp đồng với các nhà tư vấn. Trong khi kinh phí ngân sách eo hẹp, rất mong cử tri chia sẻ”, ông Nhất nói.
Về việc kênh thủy lợi hư hỏng khiến người dân phải bỏ hoang ruộng, ông Nhất cho hay huyện cũng biết rõ thông tin này. “Để sửa chữa chỗ này cần phải đưa vào kế hoạch trung hạn mới có tiền. Sắp tới chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ cho dự án này”, ông Nhất cho hay.
Về việc vết nứt xuất hiện gần một năm nay, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, huyện đã khảo sát và quyết định di dời khẩn cấp toàn bộ bản Phá Kháo song nguồn vốn di dời quá lớn, chưa triển khai được. “Trong lúc chờ được tái định cư, chúng tôi đề nghị người dân đề cao tinh thần cảnh giác, đặc biệt những lúc trời mưa”, ông Nhất nói.