Vãn cảnh chùa thiêng trên đỉnh Tù Và

Huy Thư 27/04/2019 17:19

(Baonghean.vn) - Sau một thời gian khôi phục, chùa Hương hay còn gọi là chùa Đá ở xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành đã dần lấy lại được nét đẹp xưa, trở thành điểm đến của phật tử và du khách muôn phương khi về lễ Phật và khám phá quần thể di tích cổ kính trên động Tù Và.

Chùa Hương, ngoài tên gọi chùa Đá (vì được xây dựng trên núi đá) còn có tên khác là chùa Mụ Châu để ghi nhớ công lao của người có công sáng lập chùa là bà Châu Nương – vợ của Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải. Theo các cụ cao tuổi ở địa phương, tên gọi “chùa Mụ Châu” đã khẳng định chùa được xây dựng vào thời Trần với lịch sử xa xưa.
Chùa Hương tọa lạc trên đỉnh Trốc Xôi - một ngọn núi phía Tây Bắc của dãy Tù Và. Tương truyền lúc mới khởi dựng, chùa chỉ có hai gian nhà nhỏ thờ Phật, nhưng nổi tiếng linh thiêng, tao nhân mặc khách muôn phương mỗi lần lên Tù Và thưởng ngoạn phong cảnh đều ghé vào chùa chiêm bái. Sau này chùa được xây cất làm 2 tòa lớn, phía trước thờ Phật, phía sau thờ các vị Thánh nương. Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa đã sụp đổ hoàn toàn. Hơn nửa thế kỷ chỉ còn lại dấu tích là sân nền và bàn thờ đá chông chênh trên đỉnh núi, năm 2017, UBND tỉnh đã chấp thuận khôi phục lại chùa Hương. Trong ảnh: Lầu Di Lặc xây dựng trên nền chùa cổ.
Nơi an tọa tượ̣ng Phật Di Lặc chính dấu tích bàn thờ đá từ xa xưa.
Hôm nay, về thăm chùa Hương, từ xa nhìn lên đỉnh Tù Và, du khách sẽ thấy những công trình kiến trúc mới đã mọc lên. Thấp thoáng trong màu xanh bạt ngàn của những đồi thông là đài Di Lặc, Ngũ Hành Sơn, niệm Phật đường...
Tồn tại qua hàng trăm năm, chùa Hương không chỉ là minh chứng sinh động cho bề dày trầm tích của một vùng đất cổ mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương trong những năm đấu tranh cách mạng. Thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh, chùa Hương – nơi thâm nghiêm kín đáo trên đỉnh Tù Và là nơi nuôi dấu, chở che cán bộ, là cơ sở hoạt động bí mật của làng Trụ Pháp, hậu cứ của các Chi bộ Đảng ở địa phương. Trong kháng chiến chống Mỹ, với vị trí đặc biệt, chùa còn là nơi bộ đội, dân quân bố phòng trận địa pháo cao xạ, khống chế máy bay của địch…

Công trình Ngũ Hành Sơn dài 80 m không chỉ tôn tạo thêm cảnh quan đa dạng, mà còn góp phần chắn lở đất cho chùa.
Ngôi chùa trên núi còn có rất nhiều hoa, muôn loài được đem về đây chăm sóc, khoe sắc tỏa hương trong không gian thiền tịnh.

Sư cô Thích Nữ Huệ Tịnh làm phật sự tại chùa Hương cho biết: Từ dấu tích sân nền trên đỉnh núi cao, không điện, không nước, đi khảo sát lỡ tụt chân sẽ lăn xuống chân đồi, thi công vô cùng khó khăn, tốn kém… nhưng sau hơn 2 năm đồng tâm kiến thiết, chùa Hương đã dần thay đổi diện mạo, lấy lại được nét đẹp xưa. Đó là cả một sự nỗ lực, quyết tâm không ngừng nghỉ của mọi người vì sự hoằng dương Phật pháp


Nằm trong quần thể di tích động Tù Và với bề dày lịch sử lâu đời, cảnh sắc non thiêng hữu tình, lãng mạn, chùa Hương đã và sẽ là điểm đến hấp dẫn, níu chân du khách khi về quê lúa. Trong ảnh: Đứng trên sân chùa Hương có thể nhìn bao quát một vùng nước non mây trời xứ Nghệ
Sự tái thiết chùa Hương cùng với các hoạt động tu tập, thiện nguyện đã hướng người dân quanh vùng về với đạo pháp, về với tinh thần từ bi, hỉ xả, yêu thương của đức Phật. Hàng tháng vào những ngày sóc vọng hay lễ lớn (khai Xuân, Phật đản, Vu lan), phật tử và du khách muôn phương lại hoan hỉ về chùa lễ Phật, cầu an, tạo dựng nếp sống nhân hòa, thiện mỹ ở các xóm làng.

Huy Thư