Thêm vững bước chân tác nghiệp nơi miền Tây xứ Nghệ
(Baonghean) - Hành trình tác nghiệp của một phóng viên, chúng tôi có những chuyến băng rừng cùng với lực lượng chức năng, ăn bữa cơm muộn nơi biên giới, được người dân giúp đỡ và có cả những món quà nặng ân tình từ đồng bào. Đó là những kỷ niệm thân thương, chan chứa tình cảm của cán bộ, người dân ở miền Tây xứ Nghệ.
Phóng viên Báo Nghệ An tham gia tuần tra cùng cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Nhôn Mai huyện Tương Dương. Ảnh: Hoài Thu |
Bữa cơm muộn nơi biên giới
Trong chuyến xuyên rừng miền Tây, thực hiện chuyên đề về công tác bảo vệ cột mốc, đường biên, chúng tôi bắt xe khách từ TP. Vinh lên thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương khi đã gần 12 giờ trưa. Chặng đường tiếp theo từ thị trấn đến xã Nhôn Mai không có chuyến xe khách nào chạy vào đầu giờ chiều. Để kịp thời gian hẹn với Đồn Biên phòng Nhôn Mai, chúng tôi mượn xe máy để tiếp tục hành trình.
Men theo cung đường xuyên qua thị trấn Mường Xén, vòng qua các xã Phà Đánh, Huồi Tụ, Mỹ Lý của huyện Kỳ Sơn để đến Đồn Biên phòng Nhôn Mai (xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương). 19 giờ, trời chuyển tối đen như mực mà chúng tôi mới đến địa phận xã Mỹ Lý của huyện Kỳ Sơn, bị lạc vào đoạn đường sạt lở, dò dẫm quay lại tìm đường, các anh ở Đồn Biên phòng Nhôn Mai lo lắng gọi điện “Nhà báo đi đến đâu rồi? Chúng tôi chờ cơm…”, rồi động viên “cứ từ từ mà đi, đoạn nào không biết thì gọi điện hỏi nhé”.
Đến địa phận xã Mai Sơn, trời mưa to, các anh ở Đồn Biên phòng Nhôn Mai cử người đón chúng tôi bên đường, tới đồn khi đã gần 9 giờ đêm, thấy các anh vẫn ngồi chờ cơm khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Bên mâm cơm muộn giữa núi rừng biên cương, những chia sẻ, hỏi han khiến mọi mệt nhọc vì đêm tối, mưa lạnh của núi rừng và quãng đường gần 150 km vừa trải qua bằng xe máy dường như tan biến…
"Phao cứu sinh" giữa đường
Trong một chuyến công tác, sau khi ngồi ô tô khách vượt 250 km từ TP Vinh đến Thị trấn Mường Xén của huyện biên giới Kỳ Sơn, chúng tôi tiếp tục hành trình với đích đến là xã Mường Ải bằng xe máy.
Thời điểm chúng tôi đến với Mường Ải khi tuyến đường từ thị trấn Mường Xén đến xã vùng biên này vừa thông xe được 2 tuần sau hơn 2 tháng bị cô lập do mưa lũ. Dù ô tô, xe máy đã có thể lưu thông, song với tình trạng đường sá lúc đó, để vượt được 30 km Mường Xén vào Mường Ải phải mất gần 3 tiếng đồng hồ.
Phóng viên Báo Nghệ An có mặt ở những vùng sâu, vùng xa để tác nghiệp. Ảnh tư liệu |
Hơn 1 tiếng đồng hồ trôi qua nhưng xe chúng tôi vẫn chưa qua địa phận xã Tà Cạ. Cứ một đoạn ngồi trên xe rú ga, cài số 1, sau đó lại xuống một người cầm tay lái một người đẩy phía sau. Nhiều đoạn “ổ voi, sống trâu” khiến bánh xe trơn liệng, trầy trật rồi ngã xoay tít. Những đoạn khô ráo thì bụi bay mù mịt.
Đang vất vả cùng con đường, một người dân sống tại xã Mường Típ đi xe máy cùng chiều với chúng tôi dừng lại hỏi: “Hai chị đi đâu mà vất vả thế này”, “Dạ chúng em vào Mường Ải ạ”, “Tôi cũng vào trong đó, một người lên xe tôi chở giúp một đoạn, nhìn hai chị em vất vả quá”. Như gặp được “phao cứu sinh”, cô bạn ngồi sau nhanh chân sang xe người đàn ông tốt bụng, và không quên xách theo chiếc ba lô nặng trĩu đồ đạc tác nghiệp chất trước khung xe.
Nhờ được sẻ chia, chúng tôi đã vượt qua quãng đường 30 km “đặc trưng” vùng lũ miền Tây sớm hơn dự tính 30 phút. Song, sự vui mừng không phải chỉ ở việc rút ngắn được thời gian, mà là niềm vui khi được sẻ chia, giúp đỡ. Lúc đó tôi chợt thấm thía câu nói “những lúc hoạn nạn mới biết lòng nhau”.
Trong cuộc sống, cùng sẻ chia giúp đỡ nhau thực sự có ý nghĩa to lớn. Và tôi tin rằng, không chỉ chúng tôi cảm nhận được niềm vui nhân ái, mà người dân Mường Ải tốt bụng đã giúp chúng tôi cũng sẽ cảm thấy lấp lánh niềm vui khi đã làm được một việc tốt.
Quà tặng thân thương
Phóng viên Báo Nghệ An trò chuyện cùng già làng Vừ Vả Chống. Ảnh: Khánh Ly |
Trong một chuyến công tác đến xã Huồi Tụ của huyện Kỳ Sơn, nhóm phóng viên chúng tôi hẹn gặp Bí thư Chi bộ bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ Vừ Vả Chống. Ông là người có uy tín của bản làng, là Bí thư chi bộ nhiều năm, là điển hình phát triển kinh tế tiêu biểu của xã rẻo cao này.
Đặc biệt, ông Vừ Vả Chống là người đã đầu tư trồng hơn 5.000 cây pơ mu, vừa góp phần bảo tồn giống gỗ quý, vừa tạo sinh kế lâu dài cho gia đình. Dẫn chúng tôi đến gia trại và vườn pơ mu, qua một quãng đi xe máy, đến chân đồi ông Vừ Vả Chống cùng chúng tôi cuốc bộ lên đỉnh núi, đường đi vừa dốc vừa khá trơn trượt.
Trước bạt ngàn cây pơ mu và tăm tắp những đồi chè xanh mướt mát, đàn trâu, bò hàng chục con, chúng tôi không khỏi thán phục sự siêng năng, táo bạo của người đảng viên tuổi đã ngoài lục tuần. Sau những trao đổi, tác nghiệp, chúng tôi tạm biệt ông để quay lại thị trấn Mường Xén trước khi trời tối.
Vừa xuống đến chân núi, ông Vừ Vả Chống như sực nhớ chuyện gì, dặn chúng tôi đứng chờ ông một lát. Vội vã ngược núi lên trang trại, bước chân ông thoăn thoắt khiến chúng tôi băn khoăn. Khoảng nửa tiếng sau ông quay lại, trên tay cầm một túi vải vui vẻ nói với chúng tôi “đây là gừng gia đình chúng tôi trồng dưới tán rừng, tặng 2 nhà báo làm quà”.
Một góc xã Huồi Tụ, Huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu |
Thì ra ông vượt núi để đào gừng làm quà cho chúng tôi. Nhận mỗi người dăm củ gừng già căng mọng và thơm nồng còn dính đất núi, chúng tôi cảm nhận tình cảm nồng hậu, trân quý của đồng bào nơi núi rừng miền Tây. Mỗi lần nghe hương gừng thơm nồng, tôi lại nhớ đến kỷ niệm thân thương hôm nào nơi Huồi Tụ mờ sương.
Những con người chúng tôi đã gặp, những chặng đường đã qua trong những chuyến tác nghiệp ở miền Tây như tiếp thêm nhiệt huyết cho chúng tôi tiếp tục hành trình với nghề, vững chân trong những dặm đường tác nghiệp phía trước.