Nghệ An: Gian nan hành trình đòi nợ bảo hiểm từ doanh nghiệp

Tiến Hùng 28/04/2019 08:56

(Baonghean.vn) - Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay có đến hàng nghìn doanh nghiệp, đơn vị đang nợ bảo hiểm, trong đó một số thậm chí còn chây ỳ hơn 10 năm qua với số tiền hàng tỷ đồng. Việc thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều cán bộ thanh tra của bảo hiểm còn bị xua đuổi khi đi làm nhiệm vụ này.

Gần 10 năm không đóng bảo hiểm

Nhiều năm nay, tòa nhà 2 tầng nằm ngay đầu đường Phan Chu Trinh (TP Vinh), đã trở nên quen thuộc với nhiều cán bộ thanh tra của Bảo hiểm xã hội tỉnh. Đây là trụ sở của Công ty CP 787 Tư vấn đầu tư và xây dựng. Tuy nhiên, hơn 8 năm nay, công ty này không chịu đóng một đồng nào tiền bảo hiểm cho người lao động.

Ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp theo chân đoàn thanh tra của Bảo hiểm xã hội tỉnh đến doanh nghiệp thu hồi nợ. Công ty tư vấn đầu tư này là một trong điểm đến đó. “May quá”, ông Trần Văn Phương - Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra (Bảo hiểm xã hội Nghệ An), thốt lên đầy vẻ phấn khởi khi thấy hình bóng của giám đốc công ty - ông Nguyễn Bảo Ngọc.

Ông Ngọc phân trần với đoàn thanh tra. Ảnh: Tiến Hùng
Ông Nguyễn Bảo Ngọc - Giám đốc Công ty CP 787 Tư vấn đầu tư và xây dựng. Ảnh: Tiến Hùng

“Đây là công việc quen thuộc của chúng tôi. Nhưng không phải lúc nào đến cũng gặp được giám đốc. Mặc dù có hẹn trước nhưng họ thường lẩn tránh, một số nơi chúng tôi đến họ còn cho người xua đuổi”, ông Phương nói.

Công ty do ông Ngọc làm giám đốc được thành lập từ năm 2009, những năm đầu có hơn 30 lao động. Tuy nhiên, kể từ năm 2011 đến nay, công ty này lại không chịu đóng tiền bảo hiểm cho người lao động. Số tiền nợ của công ty này cộng với tiền lãi hiện nay đã lên tới hơn 1,1 tỷ đồng.

“Dạo này công ty khó khăn quá”, ông Ngọc nói với đoàn thanh tra. Đây cũng là câu phân trần quen thuộc của các chủ doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm mỗi khi đoàn thanh tra tới. “Công ty chúng tôi hiện chỉ còn 3 lao động, lâu rồi không nhận được dự án nào. Trong khi một số dự án làm xong thì vẫn còn bị người ta nợ”, vị giám đốc tiếp tục.

Cuộc đối thoại giữa thanh tra bảo biểm và giám đốc công ty nợ bảo hiểm suốt gần 10 năm. Ảnh: Tiến Hùng
Đoàn thanh tra làm việc với giám đốc Nguyễn Bảo Ngọc. Ảnh: Tiến Hùng

“Người ta nợ anh thì anh phải đòi, không thì kiện lên tòa án. Còn đây là tiền bảo hiểm cho người lao động, trước sau gì công ty cũng phải đóng, không thể chây ìmãi được. Càng kéo dài thì tiền lãi càng lớn và còn bị xử phạt rất nặng…”, trưởng đoàn thanh tra đáp lại vị giám đốc. Khi vừa lên làm trưởng phòng khoảng 5 năm trước, ông Phương cũng đã đến công ty này thu hồi nợ. Đến nay số nợ không những giảm xuống mà còn tăng thêm hàng trăm triệu.

Sau khi thanh tra một số giấy tờ, thủ tục, thông báo chi tiết số tiền nợ đồng thời động viên vị giám đốc nhanh chóng thanh toán, đoàn quyết định lập biên bản vi phạm hành chính để đề nghị xử phạt. “Với trường hợp này có nhiều tình tiết tăng nặng. Mức xử phạt ở tối đa, tức 150 triệu đồng. Kèm với tiền lãi và tiền gốc nữa là khoảng gần 1,3 tỷ đồng”, ông Trần Văn Phương nói.

Đoàn thanh tra kết thúc buổi làm việc mà không nhận được một lời hứa hẹn “khi nào trả hết nợ” từ ông giám đốc. Tòa nhà 2 tầng trụ sở của công ty này lại tiếp tục trở thành điểm đến quen thuộc của những cán bộ thanh tra trong thời gian tới.

Không phải lúc nào đoàn thanh tra cũng có thể gặp được giám đốc công ty để đòi nợ bảo hiểm. Ảnh: Tiến Hùng
Không phải lúc nào đoàn thanh tra cũng có thể gặp được giám đốc công ty để đòi nợ bảo hiểm. Ảnh: Tiến Hùng

Toàn tỉnh còn hàng nghìn doanh nghiệp

Trước đó, chúng tôi cũng đã theo chân đoàn thanh tra đến một công ty nằm trên đường Nguyễn Du (phường Bến Thủy). Tuy nhiên, địa chỉ mà công ty này đăng ký trên hồ sơ hiện nay chỉ là một bãi đất trống. Hỏi han những người xung quanh, cũng chẳng ai biết đến nó. “Có thể họ chấm dứt hoạt động lâu rồi”, một cán bộ thanh tra nhận định. Đối với trường hợp này, cán bộ thanh tra sẽ làm việc với phường để xác nhận công ty đã không còn hoạt động, sau đó đề xuất các cơ quan, ban ngành nhằm mục đích không để số nợ của công ty này tăng lên.

Còn tại công ty chuyên về cung ứng thiết bị giáo dục có tên Phúc Hưng Xanh ở đường Trường Chinh (phường Lê Lợi), phải mất khá nhiều thời gian, chúng tôi mới có thể gặp được giám đốc. Trụ sở của công ty đóng kín mít mặc dù đã hẹn trước. Đoàn sau đó hỏi thăm tìm đến nhà xưởng mới gặp được lãnh đạo công ty.

Cũng như nhiều vị giám đốc công ty còn nợ bảo hiểm khác, bà Dương Thị Tuyết - Giám đốc công ty này nói. “Dạo này công ty khó khăn quá. Nhiều nơi nhận hàng mà họ chưa thanh toán…”. Công ty này hiện đang nợ 20 tháng tiền bảo hiểm cho người lao động, với tổng số tiền cả lãi lên đến hơn 130 triệu đồng. Đoàn sau đó cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính.

“Hôm nay may mắn. Có nhiều hôm chúng tôi đi vất vả lắm. Bị chửi bới suốt. Có nhiều hôm lần tìm mãi còn chả ra địa chị của công ty vì đã ngừng hoạt động”, thanh tra viên Trần Thị Bích Thủy nói.

Quý 1 năm nay, đoàn thanh tra này đã làm việc với 456 đơn vị nợ, trong đó lập biên bản 186 đơn vị, thu hồi hơn 12,5 tỷ đồng.

Chỉ trong quý 1/2019, đoàn thanh tra này đã làm việc với 456 đơn vị nợ, trong đó đã lập biên bản 186 đơn vị, thu được số tiền hơn 12,5 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động đang còn nợ đọng được đơn vị quan tâm, thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra.

Các đoàn thanh tra chuyên ngành chủ yếu tập trung thanh tra tại các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ đọng BHXH, chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia. BHXH tỉnh cũng đã lập 12 biên bản vi phạm hành chính đối với đơn vị sử dụng lao động; tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 đơn vị sử dụng lao động, thu hồi về quỹ tổng số tiền xử phạt là: hơn 180 triệu đồng (đã thu được gần 19 triệu đồng); chuyển hồ sơ kiến nghị UBND tỉnh xử phạt 4 đơn vị chậm đóng BHXH; tích cực phối hợp phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Nghệ An thực hiện thanh tra và đề xuất UBND tỉnh Nghệ An xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của đơn vị sử dụng lao động .

Mặc dù đã có những sự nỗ lực nhưng công tác thu hồi nợ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh vẫn còn tới hàng nghìn doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng. Trong đó có không ít doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ.

Trong khi đó, Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung quy định các tội về hành vi trục lợi, trốn đóng, nợ đọng các loại bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, sau hơn 1 năm luật có hiệu lực vẫn chưa vụ án nào được khởi tố.

Thời gian qua tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) có chiều hướng gia tăng. Điều này ảnh hưởng không chỉ đến quyền lợi của người lao động, còn tác động đến an toàn của hệ thống an sinh xã hội. Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, với tội phạm gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT, BHTN sang cơ quan điều tra.

Tiến Hùng