Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam và thế giới

PGS.TS. Nguyễn Công Khanh 29/04/2019 16:46

(Baonghean.vn) - Đã 44 năm trôi qua - khoảng thời gian cần thiết để chúng ta và những người có lương tri của nhân loại nhận rõ thêm ý nghĩa vĩ đại của chiến thắng 30/4/1975.

Bài học lịch sử xuyên suốt

Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui.

Không phải ngẫu nhiên mà chiến dịch Hồ Chí Minh hay Chiến thắng 30/4/1975 là một trong những bài học quan trọng của môn Lịch sử xuyên suốt chương trình Giáo dục phổ thông từ trước đến nay, từ cấp Tiểu học đến Trung học Phổ thông. Học sinh bao thế hệ qua vẫn luôn được dạy về ý nghĩa to lớn của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - sự kiện quan trọng có tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc, làm nức lòng bạn bè và nhân dân tiến bộ khắp năm châu bốn biển.

Lược đồ chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Lược đồ chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Chiến thắng 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một trong những mốc son chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, một biểu tượng về sự đoàn kết, anh dũng chiến đấu để gìn giữ non sông, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam.

Những tiếng kèn lạc điệu

Vậy mà, cũng trong chừng ấy thời gian, kể từ sau ngày 30/4/1975, cho đến gần đây, vẫn còn những “tiếng kèn lạc điệu”, giọng nói lạc lõng… của những kẻ đã có một thời “vàng son” sống dựa vào đồng đô la của Mỹ, hoặc của những kẻ nói lấy được, thiếu trái tim và lý trí. Vẫn là những luận điệu cũ rích: Nào là hạ thấp vai trò của quân đội ta khi nói “do quân lực Việt Nam Cộng hòa đã quá suy yếu”, nào là “miền Bắc xâm lược miền Nam”, thậm chí, một số kẻ còn coi ngày 30/4/1975 là “Ngày chia rẽ dân tộc”(!)

Hoàn toàn không có cái gọi là “Miền Bắc xâm lược Miền Nam. Dân tộc Việt Nam là một nên khi bị ngoại bang (dù viện bất cứ cớ gì) để xâm lược, giết hại bà con, tàn phá xóm làng… thì phải đứng lên chống lại chúng, phải “xẻ dọc Trường Sơn” mà vào cứu bà con mình, cứu dân tộc mình. Người Việt Nam không có ai muốn cầm súng cả... nhưng cái cao hơn tất cả là độc lập tự do của một dân tộc, quyền tự do của một con người, thống nhất của cả nước. Đó là điều thiêng liêng nhất. Người ta không thể đi làm nô lệ được mà phải chiến đấu đến cùng để thống nhất đất nước.

Quân giải phóng vượt sông tiến vào Sài Gòn; Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; Xe tăng và bộ binh Quân đoàn 4 tiến công thị xã Xuân Lộc và căn cứ Nước Trong (Biên Hòa). Ảnh tư liệu
Quân giải phóng vượt sông tiến vào Sài Gòn; Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; Xe tăng và bộ binh Quân đoàn 4 tiến công thị xã Xuân Lộc và căn cứ Nước Trong (Biên Hòa). Ảnh tư liệu

Còn nói “do quân lực Việt Nam Cộng hòa đã quá suy yếu có đúng không?. Quả thực là sau Hiệp định Paris 27/1/1973, nhất là từ năm 1974, viện trợ từ Mỹ và đồng minh cho chính quyền Sài Gòn có giảm làm ảnh hưởng đến việc trả lương cho quân đội của họ, xăng dầu, đạn dược không nhiều như trước… Nhưng không phải là “quân đội Sài Gòn tự đầu hàng” (!). Sự thực là, quân đội Sài Gòn vào thời điểm 1973 - đầu 1975 vẫn còn rất mạnh. Họ kháng cự quyết liệt ở Tây Nguyên, ở Huế, Đà Nẵng… Quân ta phải mất nhiều thời gian và xương máu mới phá vỡ được tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang (16/4/1975), Xuân Lộc (21/4/1975). Hàng trăm chiến sĩ của ta đã ngã xuống trên cửa ngõ tiến vào Sài Gòn, trên đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, trên các ngã tấn công vào trung tâm thành phố đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch như: Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc lập, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát.

Ngày 30/4/1975 cũng không phải là “Ngày Quốc hận” (!) như ai đó rêu rao. Đây là ngày thống nhất đất nước. Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà chiến tranh dần đi vào dĩ vãng, đất nước sạch bóng thù xâm lược, hòa bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Đó là ngày đoàn tụ: Non sông thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải từ địa đầu Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) đến tận Mũi Cà Mau. Cầu Hiền Lương trên dòng sông Bến Hải ở Vĩ tuyến 17 chỉ còn là di tích lịch sử một thời…

Khoảnh khắc xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Ngày hòa hợp dân tộc - ngày lịch sử thế giới

Ngày 30/4 là ngày hòa hợp dân tộc, từng gia đình và cả dân tộc sum họp dưới mái nhà Việt Nam, người một nước cùng nhìn về một hướng, cùng chung một con đường… Chính phủ Cách mạng lâm thời sớm công bố chính sách khoan hồng, độ lượng đối với những binh sĩ ngụy quân, nhân viên ngụy quyền và đảng viên các đảng phái phản động đã đăng ký trình diện và học tập cải tạo tốt (ngày 28/1/1976). Hòa hợp dân tộc đã hóa giải xung đột, xóa bỏ hận thù, giải phóng nội lực để cùng nhau bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…

Suốt 30 năm kể từ ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cả dân tộc kiên cường chiến đấu hy sinh để đi tới thắng lợi trọn vẹn “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, để “Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn”…

Người dân xuống đường chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Người dân xuống đường chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của nội lực Việt Nam, của truyền thống văn hóa dân tộc, của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đồng thời là sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ.

Chiến thắng ngày 30/4/1975 của Việt Nam đã làm chấn động địa cầu bởi đối thủ của Việt Nam lúc đó là cường quốc hùng mạnh nhất thế giới. Thời điểm đó và những năm sau này, nói về chiến thắng 30/4/1975, các báo nước ngoài đã dành nhiều bình luận, trong đó nhấn mạnh: “Việt Nam kiên cường, anh dũng”… Tờ New York Times còn nhận định rằng chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam là “Ngày Lịch sử của thế giới”.

Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hòa bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc. Vì cuộc sống hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ mà cả dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến 30 năm. Vì thế, hơn ai hết, người Việt Nam càng quý trọng những ngày tháng hôm nay, càng trân trọng những thành quả có được sau 33 năm đất nước đổi mới trong bối cảnh đất nước hòa bình, xã hội ổn định.

Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh tư liệu
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh tư liệu

Tinh thần chiến thắng 30/4 đang cổ vũ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Ý chí quyết chiến quyết thắng thôi thúc chúng ta không cam chịu cảnh nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển. Tính sáng tạo, táo bạo, bất ngờ, tranh thủ thời cơ giúp Đảng ta lãnh đạo toàn dân biến thách thức thành cơ hội, xoay chuyển tình thế, vượt lên khó khăn, ổn định và làm cho bức tranh kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc… Và nữa, bài học từ phát huy sức mạnh hòa hợp và đoàn kết toàn dân tộc mách bảo chúng ta tiếp tục có những chính sách khuyến khích hiền tài, khơi nguồn lực của toàn xã hội, chăm lo tốt hơn nữa những vấn đề an sinh xã hội…

Chiến tranh càng lùi xa, chúng ta càng gìn giữ và phát huy tối đa giá trị tinh thần mà ngày chiến thắng 30/4 mang lại, để dân tộc mãi mãi hòa bình và thịnh vượng, sánh vai cùng bè bạn năm châu.

Chiến tranh càng lùi xa, chúng ta càng gìn giữ và phát huy tối đa giá trị tinh thần mà ngày chiến thắng 30/4 mang lại, để dân tộc mãi mãi hòa bình và thịnh vượng, sánh vai cùng bè bạn năm châu.

PGS.TS. Nguyễn Công Khanh