Hệ dẫn động trên ô tô - những điều cần biết khi mua xe
(Baonghean.vn) - Khi chọn mua ô tô, người mua thường chỉ quan tâm đến thông số động cơ, công suất vận hành hay mô men xoắn; trong khi hệ dẫn động là một bộ phận quan trọng không kém, tạo nên sức mạnh vận hành cũng như khả năng tiết kiệm nhiên liệu của xe lại bị bỏ qua... Hiểu rõ hệ thống dẫn động trên ô tô sẽ giúp ích trong việc chọn xe đúng nhu cầu, dùng xe đúng cách.
1. Hệ dẫn động FWD (Front Wheel Drive): Hệ dẫn động cầu trước
Cơ cấu của hệ dẫn động cầu trước là lực dẫn động từ động cơ truyền qua bộ vi sai của hộp số ngang đến các bán trục, các bánh xe trước và các lốp ở bên trái và bên phải.
Hệ dẫn động cầu trước giúp xe có khả năng bám đường tốt nhờ bánh xe chủ động đặt ngay dưới động cơ nên có sức ép xuống mặt đường lớn hơn. Bên cạnh đó, các xe sử dụng hệ dẫn động cầu trước cũng tiêu tốn ít nhiên liệu do trục dẫn động ngắn cho phép trọng lượng xe nhẹ đi đáng kể.
Tuy nhiên, do trọng lượng dồn về phía trước nhiều hơn khiến phần đuôi xe trở nên nhẹ, khả năng bám đường của các lốp sau giảm xuống, xe dễ bị văng đuôi khi giảm tốc trên mặt đường trơn, hoặc khi vào cua.
2. Hệ dẫn động RWD (Rear Wheel Drive): Hệ dẫn động cầu sau
So với hệ dẫn động cầu trước, các xe sử dụng hệ dẫn động cầu sau có phần phức tạp hơn, khi lực dẫn động từ động cơ truyền từ hộp số rồi qua trục các đăng và bộ vi sai đến bán trục (hoặc cầu xe), cầu xe, các bánh xe ở phía sau.
Với kết cấu cơ khí được chuyển từ phía trước ra phía sau, do đó chiếc xe sẽ có được sự cân bằng trọng lượng tốt hơn, dẫn đến khả năng vận hành ổn định hơn. Cảm giác đánh lái cũng có phần nhẹ nhàng, linh hoạt hơn khi hai bánh xe phía trước chỉ làm nhiệm vụ dẫn hướng nên góc quay khi đánh lái rộng hơn và êm dịu hơn. Đặc biệt, khả năng tăng tốc của xe lắp đặt hệ dẫn động cầu sau sẽ tốt hơn nhờ quán tính nghỉ dồn năng lượng về phía sau nhiều hơn, do đó nó sẽ làm tăng khả năng bám đường của các bánh dẫn động.
Tuy nhiên, khi lưu thông trên địa hình trơn trượt, xe trang bị hệ dẫn động cầu sau dễ bị trượt bánh sau khi vào cua.
3. Hệ dẫn động 4 bánh bán thời gian 4WD
Đối với hệ dẫn động 4 bánh bán thời gian 4WD không có bộ vi sai trung tâm để triệt tiêu sự chênh lệch tốc độ quay giữa các bánh trước và sau, khi xe quay vòng gấp theo chế độ 4WD, thường xảy ra hiện tượng phanh khó khăn. Vì vậy loại 4WD gián đoạn này, cần phải chuyển giữa chế độ 2WD và 4WD để phù hợp với các điều kiện chạy xe.
Với hệ dẫn động này, xe của bạn có thể chinh phục mọi địa hình, vận hành ổn định trên mọi điều kiện khắc nghiệt.
Tuy nhiên, các xe sử dụng hệ dẫn động bán thời gian 4WD không có bộ vi sai trung tâm thường có cấu tạo phức tạp, trọng tải xe tăng lên và giá thành xe theo đó cũng tăng lên... Nếu nhu cầu di chuyển thường xuyên trên những đường xấu hoặc Off-road thì 4WD chính là lựa chọn tối ưu.
4. Hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian AWD
Về cơ bản, hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian AWD có cấu tạo tương tự như hệ dẫn động 4 bánh bán thời gian 4WD, tuy nhiên có thêm một bộ vi sai trung tâm nữa ngoài bộ vi sai trước và bộ vi sai sau để triệt tiêu sự chênh lệch tốc độ quay của các bánh xe trước và sau.
Có 3 bộ vi sai khác nhau làm cho xe chạy êm do đảm bảo việc truyền công suất đều nhau đến cả bốn bánh xe, kể cả khi quay vòng. Đây là ưu điểm chủ yếu của loại 4WD thường xuyên.
Hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian AWD gồm có loại cơ khí và điều khiển điện tử. Với loại điều khiển điện tử, tùy thuộc vào tình trạng hoạt động của xe, hệ thống điều khiển điện tử sẽ phân phối mô men thích hợp đến bánh sau.
Hệ dẫn động này có những ưu điểm như ổn định khi quay vòng cũng như khi chạy trên đường thẳng; tăng tính năng khởi hành, tăng tốc; khả năng leo dốc tốt hơn; tiết kiệm nhiên liệu hơn do điều khiển được mô men thích hợp đến cầu sau.