Những kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh
Trong những năm tháng làm phiên dịch cho lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, tôi nhận được sự quan tâm và tình cảm rất gần gũi, ân cần của Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Tôi rất trân trọng sự giản dị, mộc mạc, nhưng quyết đoán và vị tha của ông trong công việc và cuộc sống.
1. Năm 1994, lần đầu tiên tôi tháp tùng Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đi công tác nước ngoài. Hôm đó, tôi rất bất ngờ và cảm động khi ông cho gọi tôi vào phòng lớn của khách sạn cùng ngồi uống trà và ân cần hỏi thăm về gia đình, về cuộc sống, công tác...
Trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Philippines (tháng 11/1995), Chủ tịch nước Lê Đức Anh tới thăm Cảng Subic (thành phố Subic) trong bối cảnh các nước trong khu vực có xu hướng gắn kết, xích lại gần nhau và mong muốn khẳng định độc lập, chủ quyền của mình.
Hôm đó, Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao đổi nhiều vấn đề với người đứng đầu chính quyền địa phương và đề nghị bổ sung thêm một chiếc ghế cạnh ông trong bàn tiệc, để tôi vừa làm tốt nhiệm vụ phiên dịch, đồng thời có thể “điểm tâm” một chút cùng các thành viên trong đoàn.Tôi rất áy náy và xin phép không làm như vậy vì có thể gây khó cho bạn, nhưng ông bảo, buổi chiêu đãi không đòi hỏi lễ nghi khắt khe, nên muốn tôi được ngồi ăn cùng các thành viên đoàn Việt Nam và quan chức địa phương nước bạn.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm thành phố Subic, Philippines (tháng 11/1995). Ảnh do tác giả cung cấp |
2. Mỗi lần làm nhiệm vụ phiên dịch cho Chủ tịch nước Lê Đức Anh, tôi thấy trong từng lời nói là những ý tứ sâu sắc của ông, thể hiện sự trải nghiệm của một vị tướng dày dạn trận mạc và thực tiễn công tác.
Năm 1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh chỉ đạo và định hướng để các cơ quan, bộ, ngành chức năng phối hợp đề nghị Đảng, Nhà nước tôn vinh danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng có tờ trình và được Ban Bí thư xem xét, quyết nghị. Cuối tháng 8/1994, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; tháng 9-/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký lệnh công bố pháp lệnh này.
Tôi còn nhớ rõ, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/1994), tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng các đồng chí lãnh đạo ân cần đón các mẹ và chủ trì lễ vinh danh trang trọng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu được phong tặng đợt đầu.
Trong lần tiếp Thủ tướng New Zealand sang thăm chính thức Việt Nam (năm 1996), Chủ tịch nước Lê Đức Anh chia sẻ với lãnh đạo nước bạn rằng, nguồn lực dành cho phát triển của Việt Nam rất hạn hẹp vì Việt Nam còn nghèo. Hơn nữa, hằng năm Chính phủ phải dành khoản kinh phí lớn cho phúc lợi xã hội, nhất là quan tâm, tri ân các gia đình và người có công với cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh…
Qua các buổi tiếp lãnh đạo, nguyên thủ các nước, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã chuyển tải cho bạn bè quốc tế một thông điệp rằng, dân tộc Việt Nam rất coi trọng độc lập, tự do, yêu chuộng hòa bình, chỉ cầm vũ khí chiến đấu khi Tổ quốc bị xâm lăng; độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc bị xâm phạm. Dân tộc Việt Nam là dân tộc rất ân nghĩa, luôn kính trọng, vinh danh và quan tâm thiết thực những người đã cống hiến, đóng góp cho Tổ quốc.
Buổi tiếp Thủ tướng New Zealand hôm đó, tôi thấy ông xúc động, nói từng câu rõ ràng, chậm rãi. Tôi có cảm giác, đó không chỉ là lời của một vị Chủ tịch nước, mà là tiếng nói của lịch sử dân tộc qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, với nhiều đau thương, mất mát, hy sinh mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng, vượt qua, với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
3. Với trọng trách của nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Nhà nước trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại, trên cương vị của mình, Chủ tịch nước Lê Đức Anh rất quan tâm thực hiện một cách chủ động, sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), trong đó khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa với phương châm "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế”, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.
Trên cương vị Chủ tịch nước nhiệm kỳ 1992-1997, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp quan trọng để Việt Nam đạt được những thành tựu đối ngoại mang tính lịch sử, như bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, củng cố quan hệ với các nước láng giềng là Lào, Campuchia và các nước Đông Nam Á, gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khởi động quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tăng cường quan hệ với Cộng đồng châu Âu (EC), thúc đẩy quan hệ với Liên hợp quốc và các thể chế đa phương; tham gia sáng lập Cơ chế hợp tác Á-Âu (ASEM), củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, như Cuba và các nước khác trong Phong trào Không liên kết; chuẩn bị cho Việt Nam lần đầu tiên đăng cai Hội nghị thượng đỉnh cấp cao Pháp ngữ; chuẩn bị cho Việt Nam gia nhập Cấp cao APEC...
Trong chuyến thăm chính thức Cuba (tháng 9/1995), khi được trao tặng Huân chương Hô-xê Mác-ti-huân chương cao quý nhất của Nhà nước Cuba, Chủ tịch nước Lê Đức Anh phát biểu, cảm ơn tình cảm thủy chung, son sắt của nhân dân Cuba và mong muốn được “gửi tặng” phần thưởng cao quý này tới tất cả người dân Việt Nam.
Cảm thông, chia sẻ trước tình hình Cuba còn nhiều khó khăn, do phải chịu bao vây cấm vận đã nhiều thập kỷ, đồng thời trao đổi với bạn một số kinh nghiệm của Việt Nam trong thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội… Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Theo đó, Việt Nam luôn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa nhưng sẽ linh hoạt và uyển chuyển về phương thức để đạt mục tiêu đó. Trong chuyến thăm này, quà tặng của Chủ tịch nước tới Chính phủ và nhân dân Cuba, ngoài các máy tính để bàn, còn có cả một số nhu yếu phẩm hằng ngày, thể hiện tình cảm đồng chí, anh em gần gũi thân thiết, đặc biệt thủy chung, sẵn sàng giúp đỡ, chia ngọt sẻ bùi…
4. Lần đầu tiên (vào năm 1997) tôi đến thăm gia đình Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại căn nhà công vụ trên phố Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội, trong khuôn viên trạm khách của Bộ Quốc phòng. Ngôi nhà được xây dựng từ thời Pháp thuộc, vẫn giữ nguyên nét cổ xưa, nhiều đồ đạc, vật dụng sinh hoạt trong nhà có từ thời bao cấp. Tiếp tôi, ông mặc bộ quân phục đã ngả màu, rất giản dị, mộc mạc. Từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ, tôi càng hiểu, cảm nhận phẩm chất đó của một vị tướng gần như suốt cuộc đời gắn bó, phục vụ quân đội.
Những năm sau này, khi tôi đến thăm, sức khỏe của ông giảm sút nhiều. Ông không nói rõ được nữa và phải nhờ phu nhân làm “phiên dịch” để chuyển tải những điều ông căn dặn tôi…
Tháng 6/2018, trước khi sang Ấn Độ đảm nhận cương vị Đại sứ, tôi đến thăm nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, khi ông đang điều trị, chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Lúc tôi đến, ông vừa thức giấc. Nhìn ánh mắt, tôi biết ông rất vui khi gặp lại người phiên dịch của mình. Tôi nắm chặt tay ông và hỏi chuyện. Ông chăm chú nhìn tôi và biểu lộ niềm vui qua ánh mắt. Hôm đó đi cùng tôi có một người học trò cũ tên là Toàn Thắng. Ông chăm chú nhìn người khách lạ. Hiểu ý ông, tôi giới thiệu Toàn Thắng đến bên giường chào ông. Khi đó, tôi thấy rõ niềm vui của ông qua ánh mắt. Tôi càng hiểu, ông rất gần gũi và trân trọng tình người.
Đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Xin nghiêng mình kính cẩn vĩnh biệt ông-vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo có uy tín và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc!