Phạm Văn Mách chia sẻ về cuộc sống của vận động viên khi hết thời
Theo Phạm Văn Mách nhiều vận động viên thường chỉ biết luyện tập, không suy nghĩ cho tương lai nên khi qua thời đỉnh cao thì không biết làm gì kiếm sống nên phải đi bán vé số, chạy taxi, bốc vác hay đứng bán hàng ở chính sân vận động.
Phạm Văn Mách ngậm ngùi cho biết thời gian đỉnh cao của một vận động viên rất ngắn, do đó nếu có cơ hội được làm nhiều việc để thể hiện đam mê của mình thì nên tận dụng.
“Có nhiều đàn anh như: Lý Đức, Công Phú… khi tuổi cao, không còn khả năng thi đấu thì lui về kinh doanh nhưng tâm thế luôn suy nghĩ làm sao truyền lại chuyên môn cho đàn em. Bản thân tôi may mắn khi môn thể hình này càng tập càng giữ và duy trì được phong độ nên có thể kéo dài được nhiều năm nhưng những môn khác như điền kinh, bơi lội thời kỳ hoàng kim rất ngắn”.
Giải thích về điều này, vận động viên thể hình số 1 Việt Nam cho biết, nhiều vận động viên thường chỉ biết luyện tập, không suy nghĩ cho tương lai nên khi qua thời đỉnh cao thì không biết làm gì để kiếm sống. Thậm chí có nhiều người phải đi bán vé số, chạy taxi hay bốc vác “có anh em vận động viên trước rất thân với tôi nhưng khi gặp lại và ở vị thế khác, thấy tôi họ ngại không dám lại gần bắt tay”, anh xót xa nói.
Phạm Văn Mách trong "Chuyện cuối tuần".Đồng cảm với câu chuyện của Phạm Văn Mách, đạo diễn Lê Hoàng kể anh từng có lần đi taxi và kinh ngạc nhận ra tài xế chính là một cầu thủ rất nổi tiếng của đội Hải Quan mà anh không thể nói tên. Khi bắt chuyện, cựu cầu thủ kiêm tài xế mới chua chát cho biết bản thân anh vẫn còn may mắn bởi vì nhiều vận động viên khác khi “hết thời” phải đứng bán hàng ở chính sân vận động để mưu sinh.
Đặc biệt, đối với nhiều vận động viên nữ, cuộc sống sau bục vinh quang của họ lại càng cay đắng hơn. Bởi vì việc mải miết tập luyện thể thao mà họ lấy chồng muộn, khó có con hay vì sau khi qua thời đỉnh cao, phải vất vả mưu sinh mà mà khó tìm cho mình được một bến đỗ hạnh phúc.
Theo Lê Hoàng, nghệ sĩ qua đời còn được nhiều người biết đến vì được báo chí đưa tin, thậm chí các nhạc sĩ, ca sĩ còn tổ chức liveshow, đêm nhạc để tưởng nhớ. Còn các diễn viên khi qua thời hoàng kim còn được làm giám khảo nhưng vận động viên thì không có gì hết bởi “bước xuống bục vinh quang là không ai còn nhớ đến”.
“Diễn viên có vai chính vai phụ nhưng thể thao người ta chỉ nhớ đến vận động viên đoạt huy chương vàng, huy chương bạc đôi khi bị coi như giải rút. Rồi diễn viên còn xem lại được phim họ từng đóng chứ vận động viên muốn cũng không có nơi nào phát lại những giây phút họ nhận huân chương”, Lê Hoàng xót xa nói.
Cuối cùng, với cương vị là một vận động viên thể dục thể hình, Phạm Văn Mách như thay lời nhiều thế hệ vận động viên khác bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều chính sách ưu ái hơn dành cho các vận động viên thể thao. Đồng thời nhắn nhủ tới các đồng đội đã giã từ sự nghiệp thể thao rằng: “Chúng ta từng là anh hùng trên sàn đấu, khi trở về cuộc sống đời thường hãy giữ vững tinh thần đó, mạnh mẽ, tỉnh táo đứng lên để tạo dựng cuộc sống cho mình”. Và “Sẽ có ngày sự ưu đãi, tôn vinh của công chúng được nâng cao hơn để các bạn có niềm tin rằng những đóng góp của mình sẽ mãi được trân trọng” như lời đạo diễn Lê Hoàng nói.
Phạm Văn Mách sinh năm 1976 tại An Giang, anh là vận động viên thể hình số 1 Việt Nam, từng 5 lần giành giải vô địch thể hình thế giới vào các năm 2001, 2009, 2010, 2014 và 2017 ở hạng 55 kg, đồng thời 7 lần liên tiếp vô địch châu Á (từ 2004 đến 2012, trừ năm 2006 không tổ chức giải) và 1 lần 2014.
Hình ảnh khi đi thi đấu của Phạm Văn Mách.Bên cạnh đó, trong cuộc thi “Cặp đôi hoàn hảo” năm 2011, Phạm Văn Mách còn gây ấn tượng lớn với khán giả bởi giọng hát ngọt ngào, đầy kĩ thuật, đặc biệt phần thể hiện ca khúc “Careless Whisper” với Văn Mai Hương đã giúp anh nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn trong các sự kiện - chương trình của làng giải trí sau cuộc thi.
Ngoài thể dục thể hình, Phạm Văn Mách còn có đam mê đặc biệt với ca hát.