Rộ tin quân đội Venezuela từng ngầm thỏa thuận đảo chính; Amsterdam cấm xe chạy bằng xăng, dầu
(Baonghean.vn) - Rộ tin quân đội Venezuela từng ngầm thỏa thuận đảo chính với Mỹ; Tổng thống đắc cử Ukraine ủng hộ nối lại đàm phán của nhóm Bộ Tứ; Mỹ chi 1,1 tỷ USD phát triển tên lửa sau khi rút khỏi hiệp ước với Nga; Amsterdam cấm xe chạy bằng xăng, dầu diesel... là những tin tức nổi bật của thế giới 24h qua.
Tổng thống đắc cử Ukraine ủng hộ nối lại đàm phán của nhóm Bộ Tứ
Tổng thống đắc cử Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Ảnh: Reuters |
Ngày 3/5, cố vấn của Tổng thống đắc cử Ukraine về các vấn đề quốc tế, kinh tế và tài chính, ông Oleksandr Danylyuk cho biết việc nối lại vòng đàm phán theo thể thức Normandy là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống đắc cử Volodymyr Zelenskiy sau khi nhậm chức.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Brussels (Bỉ), ông Danylyuk khẳng định việc nối lại đàm phán của nhóm Bộ Tứ Normandy (gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraine) sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới của Ukraine, song mục đích chính không phải tổ chức hội nghị càng sớm càng tốt mà là biến hội nghị thành sự kiện có ý nghĩa. Ngoài ra, ông Danylyuk cho biết sau khi Quốc hội Ukraine ấn định thời điểm nhậm chức, Tổng thống đắc cử Zelenskiy sẽ lên kế hoạch về các chuyến thăm nước ngoài, cũng như mời các nhà lãnh đạo nước ngoài tới thăm Ukraine.
Rộ tin quân đội Venezuela từng ngầm thỏa thuận đảo chính với Mỹ
Tổng thống Nicolas Maduro phát biểu trước thanh niên tại Thủ đô Caracas ngày 2/5. Ảnh: Reuters |
Các nguồn tin của tờ ABC (Tây Ban Nha) ngày 3/5 tiết lộ thông qua các cuộc điện đàm, chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đạt được thỏa thuận với Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino rằng Tổng thống Maduro sẽ bị bắt giữ trong cuộc đảo chính 30/4 do thủ lĩnh đối lập Juan Guaido khởi xướng.
Thỏa thuận do Guaido soạn thảo đưa ra lộ trình tiến hành bầu cử trong vòng 1 tháng sau khi lật đổ ông Maduro và chính thức công nhận thủ lĩnh đối lập là “Tổng thống lâm thời hợp pháp”, theo nguồn tin từ Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Dự kiến hai bên ký kết thỏa thuận tại căn cứ quân sự La Carlota ở thủ đô Caracas. Từ đó, Guaido kêu gọi lực lượng vũ trang và thường dân nổi dậy đảo chính vào ngày 30/4. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Padrino đã đổi ý vào phút cuối và quân đội vẫn tiếp tục ủng hộ Tổng thống Maduro, dẫn đến cuộc đảo chính thất bại chỉ trong vòng vài giờ.
Mỹ chi 1,1 tỷ USD phát triển tên lửa sau khi rút khỏi hiệp ước với Nga
Mỹ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III tại căn cứ không quân Vandenberg, bang California tháng 2/2016. Ảnh:Reuters. |
Báo cáo của tổ chức Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí hạt nhân (ICAN) mới đây cho biết chỉ trong ba tháng sau khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF), quân đội Mỹ đã ký nhiều thỏa thuận phát triển tên lửa với các nhà thầu với tổng giá trị lên đến 1,1 tỷ USD.
Theo báo cáo, các tập đoàn hưởng lợi nhiều nhất gồm Raytheon với 537 triệu USD cho 44 hợp đồng, Lockheed Martin 268 triệu USD cho 36 hợp đồng và Boeing 245 triệu USD cho 4 hợp đồng. Tuy nhiên, ICAN cũng lưu ý rằng họ chưa thể xác nhận toàn bộ hợp đồng này có nhằm sản xuất vũ khí hạt nhân hay không.
Hàn Quốc muốn Triều Tiên 'có hành động' để được nới lệnh trừng phạt
Ngoại trưởng Hàn Quốc trong cuộc họp báo ngày 3/5 tại Seoul. Ảnh:AFP. |
Trong cuộc họp báo ngày 3/5 tại Seoul, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho rằng Bình Nhưỡng cần thể hiện hành động phi hạt nhân hóa "rõ ràng, vững chắc và thực chất" nếu muốn các lệnh cấm vận quốc tế nhắm vào nước này được nới lỏng, trong bối cảnh đàm phán Mỹ - Triều vẫn lâm vào bế tắc.
Tuyên bố của bà Kang được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui nói rằng việc phi hạt nhân hóa chỉ "có thể thực hiện khi Mỹ thay đổi và định hình lại những tính toán hiện nay". Đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng không có tiến triển kể từ khi hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 2 tại Hà Nội không đạt được thỏa thuận chung.
Bảo vệ môi trường, Amsterdam cấm xe chạy bằng xăng, dầu diesel
Nhiều người dân Amsterdam chuyển sang dùng xe đạp. Ảnh: Reuters |
Hội đồng thành phố Amsterdam cho biết ôtô và xe máy chạy bằng xăng và dầu diesel sẽ bị cấm ở thủ đô Hà Lan từ năm 2030 trong nỗ lực làm sạch bầu không khí thành phố. "Ô nhiễm là sát thủ thầm lặng và là một trong những tác nhân gây hại cho sức khỏe lớn nhất tại Amsterdam" - ủy viên hội đồng giao thông thành phố Sharon Dijksma nói ngày 2/5.
Theo Reuters, bất chấp thực tế là có nhiều người Hà Lan dùng xe đạp, ô nhiễm không khí tại nước này vẫn ở mức tồi tệ hơn giới hạn cho phép theo quy định của liên minh châu Âu, chủ yếu do giao thông đông đúc tại các thành phố lớn như Amsterdam và Rotterdam. Bộ Y tế Hà Lan cũng đã ban hành cảnh báo rằng mức phát thải nitrogen dioxide (NO2) và các hạt vật chất mịn có thể dẫn đến bệnh về đường hô hấp. Bệnh hô hấp mãn tính có thể giảm tuổi thọ của người dân xuống hơn 1 năm.