Cuộc vật lộn tự cứu của em bé 12 tuổi với hai con chó dữ

Thùy An 05/05/2019 18:49

Bé Nguyễn Văn Thảo trên đường chạy ra đồng gọi anh trai về nhà thì bị 2 con chó tấn công lôi xuống ruộng, cậu bé cố sức vùng vẫy.

Hai con chó nặng gần 30 kg. Bé Thảo 12 tuổi nặng 24 kg, thể trạng gầy gò. Cậu bé không đủ sức chống lại sức lôi kéo của hai con chó, cố vùng vẫy và không ngừng kêu cứu. Trên người cậu bé đầy những vết thương do chó cắn, chảy máu trộn lẫn với bùn ruộng.

Cuộc vật lộn của cậu bé với hai con chó kéo dài hơn 10 phút thì một người cậu đi thăm ruộng phát hiện. Người này đã dùng đất, gạch ném đuổi chó.

"Khắp người thằng bé lúc ấy đều toàn bùn đất nhưng vẫn nhìn rõ bị thương dập nát mặt, da đầu, mất toàn bộ 2 tai, máu chảy khắp nơi", người cậu cho biết.

Người nhà nhanh chóng đưa bé Thảo vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân, tiếp đó chuyển lên Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa truyền máu cấp cứu nhằm bảo toàn tính mạng, rồi chuyển tiếp ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội.

"Hai tai của em đã bị chó ăn hết không thể tìm thấy ở hiện trường để đưa tới bệnh viện để ghép", anh bệnh nhi kể lại.

Tai nạn xảy ra hôm 29/4, đến nay mẹ của cháu Thảo là chị Hà Thị Minh vẫn cứ tự trách mình. Chị là người chiều hôm ấy đã sai con ra đồng gọi anh trai về nhà, "cho nên cháu mới bị chó cắn thương tích nặng như vậy". Kể từ ngày bé Thảo nhập viện, chưa đêm nào chị Minh chợp mắt, lúc nào cũng canh bên giường bệnh của con. Với chị, những ngày qua kinh hoàng như cơn ác mộng. Dẫu vậy, trước mặt con, chị vẫn cố nén chặt, tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ làm chỗ dựa cho con..

Chị Minh đang là lao động chính trong gia đình. Năm ngoái, chị phát hiện bị u xơ tuyến vú nhưng không vào viện điều trị vì hoàn cảnh kinh tế gia đình không cho phép.

"Sau tất cả, tôi chỉ mong có phép màu đến với con trai tội nghiệp của mình", người mẹ chia sẻ.

Chị Minh đang chăm sóc con trai điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sáng 5/5. Ảnh: Thùy An.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hiện bé Thảo đã tỉnh táo, có thể giao tiếp và tập ăn qua miệng, song vẫn còn mệt mỏi và nhợt nhạt. Bé đang được các bác sĩ theo dõi nghi ngờ chấn thương sọ não và các tổn thương vùng bụng, ngực... Bác sĩ cũng theo dõi vạt da vá che vùng lộ sọ có sống hay không để tiến hành phẫu thuật tái tạo da vùng da đầu cho bé.

"Hai tai của em bé cũng không còn để ghép nên phải đợi ít nhất 6 tháng nữa mới có thể can thiệp tạo hình tai", bác sĩ Hà cho biết.

Các bác sĩ cảnh báo gần đây nhiều trường hợp chó nhà cắn trẻ nhỏ gây những tổn thương nghiêm trọng, thậm chí mất mạng. Vì thế, không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo khi ở một mình. Nếu gia đình có nuôi chó thì cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn.

Chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm vắcxin ngừa bệnh dại định kỳ.

Người bị chó mèo cắn chảy máu cần sơ cứu ban đầu bằng cách sát trùng, rửa sạch vết thương, dùng băng gạc sạch băng bó cầm máu trong trường hợp chảy máu, sau đó nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Trường hợp bị chó cắn vào mạch máu lớn, máu chảy dữ dội có thể tử vong, cần nhanh chóng băng ép cầm máu cho nạn nhân, chuyển đến nơi có thể truyền máu, bù dịch được. Nếu bị chó cắn vào đường thở, cần nhanh chóng khai thông đường thở trước khi chuyển nạn nhân đi, bởi nếu không cầm máu và không thở được, nạn nhân sẽ tử vong trước khi đến cơ sở y tế cấp cứu.

Đối với phần cơ thể bị chó cắn đứt rời, cần giữ lại, bảo quản và mang đến bệnh viện để bác sĩ phẫu thuật nối lại cho bệnh nhân.

Theo thống kê, từ đầu tháng 4, cả nước tiếp nhận nhiều trường hợp tử vong do chó cắn. Ngày 4/4, bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên tử vong do chó cắn. Ngày 17/4, một trẻ 4 tuổi ở Hà Tĩnh gặp nạn tương tự. Sau hai ngày, một bé trai 7 tuổi ở Thái Nguyên bị chó cắn tử vong. Riêng Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức, từ đầu năm tới nay đã tiếp nhận 11 ca bệnh bị chó tấn công gây tổn thương nặng nề.

Thùy An