Sốc

Nguyễn Khắc An 05/05/2019 20:41

(Baonghean.vn) - Trong lúc câu thần chú “tăng tiền điện toàn dân được lợi” được lý giải hàn lâm đến mức không ai hiểu nổi thì một thông tin động trời được vén ra sau những ý đồ đóng dấu mật bất thành: “EVN đang gửi tiết kiệm 42.000 tỷ đồng”!

Kể cả những người ít điêu toa nhất và năng lực tính nhẩm tệ hại cũng không hề đứng ngoài cuộc khi tờ hóa đơn tiền điện đầu tiên hé lộ sau cái thông tin công bố tăng giá có vẻ “hiền lành” trước đó. Ồ, tăng ác, không phải 8,36% như thông tin dọn đường ban đầu mà trên thực tế nghe nói không dưới 35%! Thậm chí ở một số đô thị lớn thì hóa đơn tiền điện đã tăng gấp 2 đến 3 lần tháng trước. Như một cú sốc giá dữ dằn quét dọc chiều dài đất nước, người dân rút ví trong tâm trạng bàng hoàng bởi kế hoạch chi tiêu của từng gia đình, doanh nghiệp đều phải “xóa bảng viết lại” từ đầu.

Trong lúc câu thần chú “tăng tiền điện toàn dân được lợi” được lý giải hàn lâm đến mức không ai hiểu nổi thì một thông tin động trời được vén ra sau những ý đồ đóng dấu mật bất thành: “EVN đang gửi tiết kiệm 42.000 tỷ đồng”! Ly kỳ chưa, lỗ kinh niên, phải móc ví dân tăng giá để bù, nhưng lại có “của ăn của để” những 42.000 tỷ! Và thực sự sốc khi một đại diện EVN tuyên bố 42.000 tỷ đồng tiền tiết kiệm vẫn còn ít. Trước vấn đề đang thu hút sự quan tâm của công luận nói trên, đặc biệt là trong bối cảnh giá điện vừa tăng mạnh, EVN đã có văn bản phản hồi.

Theo giải thích tại văn bản này, số dư tiền gửi hơn 42.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2018 của EVN so với số dư nợ phải trả ngắn hạn tại cùng thời điểm (hơn 106.000 tỷ đồng) là quá nhỏ, chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay cho các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than, bán điện) là 55.000 tỷ đồng và trả nợ ngân hàng đến hạn 22.000 tỷ đồng. “Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất, kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao” - văn bản do Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Nam ký thay Tổng Giám đốc EVN nêu rõ.

Vay cứ vay, nợ cứ nợ, gửi tiết kiệm cứ gửi tiết kiệm, một kiểu hạch toán vùng vằng đến mức khó hiểu. Tuy nhiên, câu hỏi có tính “tra tấn” nằm quanh mức lãi suất cho số tiền mang danh “tiết kiệm” này chỉ là 0,2%/năm. 0,2% một năm mà cũng dùng chữ “tiết kiệm” thì oan quá, trong khi nếu gửi có kỳ hạn thì lãi suất tối thiểu cũng là 4,5%/năm. Một sự chênh lệch đủ cho những cái đầu lắm nghi ngờ có lý do để… nghi ngờ tiếp. Cũng phải nói thêm là trước đây chưa lâu, mấy vụ đại án ngân hàng (như vụ Hà Văn Thắm) cũng đã gọi tên khoản chênh na ná như thế này bằng một cụm từ “khá bảnh” là “chi phí chăm sóc khách hàng”. Hy vọng các “bác” bên EVN không khờ khạo, và chắc cũng không thuộc vào nhóm khách hàng ốm yếu đến mức phải “chăm sóc”.

Trở lại với những tờ hóa đơn tiền điện gây sốc, người dân xưa nay vẫn thế, mộc mạc, tin người, cam chịu. Không được đào tạo chuyên ngành và không bị “bậc thang hóa” nên bà con có cách tính sơ sài lắm, tăng 8,36% nghĩa là tăng 8,36%! Nôm na là trước đây dùng hết 100.000 đồng chẵn thì sau tăng giá mới sẽ là 108.000 đồng có lẻ. Thế thôi, thế cũng “đau óc” lắm rồi. Giờ người ta “luộc” bằng một phép tính rắc rối và hàn lâm thế nào mà để rồi hình như con số 8,36 lại bằng 8,36 x 4. Rất có thể nó được xây dựng nên bởi những con người uyên bác nên ai dám cãi. Bà con cũng chỉ còn cách an ủi quen thuộc: “Đóng thêm tiền điện suy cho cùng cũng là đóng góp vào doanh nghiệp Nhà nước, mà đóng góp vào doanh nghiệp Nhà nước cũng là một cách yêu nước”.

Việc tăng giá điện sẽ tiêu hóa đi một gánh nặng cho ngành Điện mà dân mang bổn phận thay ngành Điện cáng đáng cái nặng ấy nội sinh cũng là phải đạo. Đã là của Nhà nước thì của dân, do dân và vì dân hết! Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và bây giờ là dân… trả nợ. Rất công khai và chả cần đóng bất kỳ cái dấu mật nào vào chút lý lẽ sơ đẳng này cả. Dân sợ là sợ sau cú bù lỗ cứu thua này rồi các bác EVN lại cao hứng “đầu tư tay trái” tiếp tục tấn công ra ngoài ngành, lại chơi chứng khoán, lại đầu cơ bất động sản, lại sân gôn, sân ghiếc… lại thua lỗ triền miên, lại nợ ngập đầu nữa thì sốc thật chứ không sốc phản vệ nữa. Thiết nghĩ dân không thừa tiền nhưng dân cũng không tiếc tiền nếu thực lòng để vực lại một doanh nghiệp mà suy cho cùng dù nhỏ hay to, dù gián tiếp hay trực tiếp thì cũng có một phần của mình trong đó. Vấn đề là dân cần một sự minh bạch và một lời cam kết tự trọng, xin đừng nói cả hai cái này còn thiếu!

Trong tuần, giá điện gây sốc đã đành nhưng giá xăng cũng nào đâu thua kém. Phải nói là giá xăng đã trượt một mạch theo đồ thị thẳng đứng mà không gặp một trở ngại nào. Không có bước giá “bậc thang” nào hết, cứ “đến hẹn lại lên” và đã lên là phải đỉnh! Kẻ tám lạng, người nửa cân, phải nói điện và xăng đang là một “cặp tiền đạo” làm mưa, làm gió trong một trận đấu mà nhiều dự báo “đội” lạm phát sẽ buộc phải “đưa bóng vào lưới nhà”. Câu nói “giá xăng thế này thì bật lửa cũng không dám dùng” của một bác xe ôm mà người viết bài này tình cờ nghe được quả là gần gũi với thực tiễn! Cũng phải nói thêm là giá xăng hình như vẫn chưa dừng lại. Cơn “nư” của giá xăng đang trút sự bất tận xuống từng chiếc bật lửa. Mấy ngày vừa rồi báo chí đăng bài một thầy giáo về hưu 70 tuổi tự chế ra xe ô tô điện để đưa đón cháu nội đi học như một phản ứng thiện lành trước cơn điên loạn của giá xăng. Ngoài ngợi ca tình cảm ông cháu, ngợi ca sức sáng tạo không tuổi tác của vị thầy giáo già thì người ta cũng tỏ vẻ ái ngại vì sự lựa chọn động cơ cho chiếc xe có phần mạo hiểm của cụ! Xăng lên khủng khiếp thì đã đành, nhưng “trốn” sang điện thì liệu lương hưu của cụ giáo già có đủ sức chống chọi với cái bảng giá “bậc thang” hay không? Hay lại “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”? Nếu không có gì thay đổi thì ngày 1/7 tới sẽ tăng lương cơ sở. Vẫn là một cuộc rượt đuổi quen thuộc giữa lương và giá mà phần thắng chưa bao giờ nghiêng về bên lương. Cái này thì quen rồi, không sốc nữa.

Khi tác giả đang chuẩn bị để kết thúc bài viết này thì nhận được thông tin: Nhà thờ Bùi Chu - một trong những công trình tôn giáo lâu đời và đẹp nhất với 134 năm tuổi sẽ bị phá bỏ vào ngày 13/5 tới để xây mới. Cư dân mạng bày tỏ những tiếc nuối về một công trình mà như trước đó, ông Martin Rama, cố vấn cao cấp tại Ngân hàng Thế giới và Giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng đã có một bài viết cho rằng, một số lượng lớn các nhà thờ và thánh đường xinh đẹp nằm rải rác trên cả nước, trong đó có một nhóm nhà thờ tuyệt đẹp nằm ở tỉnh Nam Định và Ninh Bình. "Những tòa nhà này và trang trí nội thất bên trong chúng thật sự là những viên ngọc kiến trúc nhờ sự kết hợp giữa kiến trúc Beaux Arts với thẩm mỹ truyền thống của Việt Nam. Sự hủy hoại những công trình kiến trúc này là một mất mát cho nhân loại".

Chúng ta đã có những công trình tôn giáo thuộc hàng “vô địch thế giới” được làm mới trong những năm qua. Để xây một công trình mới tất nhiên dễ hơn rất nhiều với việc bảo tồn và phát huy giá trị của một di sản, rất tiếc khi người ta đã chọn cái dễ hơn để tiến hành. Lý do thật đơn giản, vì công trình không nằm trong danh mục di tích quản lý, mà lý do không nằm trong danh mục di tích là vì lâu nay chủ thể sử dụng không đề nghị. Ngày “hạ giải” đã cận kề, mọi nỗ lực giải cứu hình như đã quá muộn. Mất một công trình đẹp và quý như vậy quả là đáng xót, nhưng cái lý do mà nó mất đi cũng quả là đáng sốc.


Nguyễn Khắc An